Tôn sư trọng đạo

Ở Đại Việt, lệ dựng bia khắc tên những người thi đỗ tiến sĩ được đặt ra từ đời Lê Thánh Tông. Đây được xem là cách tôn vinh đặc biệt đối với bậc hiền tài. Đến đời Nguyễn, lệ dựng bia vẫn được duy trì cho đến khi khoa thi Nho học cuối cùng trong lịch sử kết thúc vào năm Kỷ Mùi (1919). Trong số bia tiến sĩ do nhà Nguyễn dựng có một tấm bia chỉ khắc tên duy nhất một người. Tấm bia này do vua Thành Thái dựng riêng cho Bùi Ân Niên.

Bùi Ân Niên tên thật là Bùi Văn Dị, sinh ngày 28 tháng 3 năm Quý Tỵ (17 tháng 5 năm 1833) trong một gia đình nho học tại làng Châu Cầu, nay thuộc phường Lương Khánh Thiện và phường Minh Khai (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Cha ông là Bùi Văn Hy, đỗ tú tài thời vua Minh Mạng.

Nối nghiệp nhà, Bùi Văn Dị đi học từ rất sớm. Sau khi đỗ tú tài, khoa Ất Mão (1855), ông đỗ cử nhân, nhưng mãi đến khoa thi Hội năm Ất Sửu (1865) năm Tự Đức thứ 18, ông mới đỗ phó bảng cùng người em họ (con chú ruột) là Bùi Văn Quế.

Tại khoa thi Hội, ông là một trong số những người đỗ trúng cách, có tên trong danh sách vào thi Đình. Theo lệ, người trúng cách mặc nhiên đã đỗ tiến sĩ, việc vào thi Đình chỉ là cuộc tranh đua thứ hạng các bậc đỗ tiến sĩ mà thôi. Tuy nhiên không hiểu sao trong kỳ thi này ông bị đánh tụt xuống phó bảng (học vị dưới tiến sĩ). Đây là trường hợp chưa từng thấy trong triều Nguyễn.

Xem thêm:  Tình xưa nghĩa cũ

Dù buồn nhưng Bùi Ân Niên coi đó là chuyện không may. Sau khi thi đỗ ông ra làm quan và trải qua nhiều chức vụ như Tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Ninh rồi làm Án sát Ninh Bình. Sau đó, ông được triệu về kinh đô Huế giữ chức Nội các sự vụ Thị lang bộ Lễ, tiếp theo là Tham tri bộ Lại. Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), ông được cử ra đó lo việc chống ngăn.

Từ năm 1876 đến 1878, ông được cử làm Chánh sứ, dẫn đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc). Cuối năm 1878, ông lại được sung vào Nội các, lại được cử duyệt quyển thi Hội, thi Đình. Năm 1881, ông nhận chức Quản lý Thương bạc sự vụ đại thần. Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, ông dâng sớ xin quyết đánh trả và được làm Phó Kinh lược sứ Bắc kỳ.

Là nhà thơ, nhà giáo và là một đại thần trải 7 đời vua Nguyễn: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, ông có đóng góp lớn trong các hoạt động ngoại giao, thi cử, quân sự, văn học, sử học và giáo dục. Năm 1883, triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước với Pháp (Hòa ước Quý Mùi), ra lệnh ông và một số tướng lĩnh khác phải bãi binh. Ông chán nản lấy cớ bệnh xin từ chối chức Tổng đốc Ninh – Thái (gần như cùng lúc Nguyễn Khuyến từ chức Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên) và ở ẩn tại Thanh Hóa.

Xem thêm:  Có ý kiến cho rằng, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đậm chất lãng mạn. Qua bài thơ, em hãy làm rõ điều này

Đầu năm 1884, ông lại được triệu về triều làm giảng quan chuyên giảng sách cho vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi. Năm 1885, ông bị ốm phải đi dưỡng bệnh tại Hải Quật (Yên Định, Thanh Hóa). Đến năm 1887, ông lại được triệu vào kinh làm giảng quan cho Đồng Khánh và đảm đương nhiều chức vụ khác.

Vào năm Kỷ Sửu (1889), vua Thành Thái lên ngôi đã phong cho Bùi Ân Niên chức Thượng thư bộ Lại, Phụ chính đại thần và cũng trong thời gian này, ông đã tâu vua xin xét lại học vị tiến sĩ cho mình. Năm Canh Dần (1890), vua Thành Thái xét thấy ông có công lao và là người có thực tài, lại được sự đồng tình của Thái hoàng thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) nên ra chỉ dụ truy phục học vị Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân của khoa thi năm Ất Sửu (1865) cho ông. Để chứng tỏ việc này không mang tính hình thức, vua còn ban cho ông đủ nghi thức áo, mũ, cân đai, cờ biển và cho dựng một tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Huế, trên bia khắc tên Bùi Ân Niên và lời dụ của vua về việc truy phục học vị cho ông.

Lời bàn:

Bùi Văn Dị là một vị quan thanh liêm có lòng yêu nước thương dân… Tấm gương hiếu học và yêu nước của ông như một dấu son đỏ trong danh sách những nhà khoa bảng của vùng đất Hà Nam nói riêng, nước Việt Nam nói chung. Và việc làm của vua Thành Thái ngày xưa là việc nối tiếp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Ngày nay, tên ông đã được đặt cho nhiều đường phố ở thành phố Phủ Lý nói riêng và trong cả nước nói chung.

Tiếc rằng, truyền thống tốt đẹp ấy không phải hậu thế ngày nay ai cũng hiểu và làm theo. Đã vậy, lại còn có kẻ hành hung thầy giáo cũ của mình đến mức trọng thương. Cụ thể là ngày 22-4-2014, thầy Kiều Tấn Phúc (37 tuổi, giáo viên dạy Vật lý trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bị học trò cũ đánh làm chấn thương sọ não. Thật đáng buồn thay!

NV

Check Also

37357343 9357296624x683 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *