Cũng trong chuyên mục này, ở số báo trước chúng tôi có nhắc tới việc sau khi ra kinh thành chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm, Lê Hữu Trác đã trở về quê cũ và gặp lại người con gái mà ông từng hẹn ước nên vợ thành chồng. Và từ sau lần gặp ấy, Lê Hữu Trác càng day dứt hơn khi biết rằng, người con gái năm xưa vẫn ở vậy, thủy chung vẹn tình với người chồng chưa một ngày nên nghĩa của mình. Càng day dứt hơn khi biết rằng, nhiều người đã tìm đến và cũng đã có lúc gia đình nàng ép gả cho một công tử nhà giàu nhưng nàng nhất mực từ chối vì lý do nàng là gái đã có chồng, chỉ là bạc phận nên không được đầu ấp tay gối, nghĩ mình không xứng với bất kỳ người đàn ông nào. Chỉ nghe đến vậy, khóe mắt của vị danh y lỗi lạc đã rớm lệ, ông biết nàng nói vậy là để chống chế chứ kỳ thực, nàng đã dành trọn trái tim cho ông.
Trong cuốn sách “Thượng kinh ký sự”, ông đã viết rằng: Để thử xem người xưa có nhớ mình không, Lãn Ông tự giới thiệu: Tôi là người ở Liêu Xá, lánh nạn di cư đến, ở Hương Sơn quê mẹ, chẳng dè phải triệu về kinh. Nhà trọ tiêu điều, tuy có hằng tâm nhưng biết làm sao được! Nghe chữ Liêu Xá, ni cô Huê Cầu mặt đỏ bừng, nhận ra người tình xưa và vội vàng bỏ đi. Ngay lập tức Lãn Ông cho người tâm phúc kín đáo đi theo để tìm cho ra chỗ người tình xưa đang ở trọ. Hải Thượng Lãn Ông cũng không ngờ rằng, cả đời ông sống mẫu mực, hết lòng vì quê hương dân tộc nhưng lại mắc lỗi với một người con gái vì những bồng bột của tuổi trẻ. Sau nhiều đêm trằn trọc, day dứt, ông đã quyết định về lại quê cũ ở Huê Cầu để thăm và tạ lỗi với người xưa.
Tìm về quê cũ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bâng khuâng khi gặp lại cảnh cũ, người xưa. Qua lần tìm này, ông càng xót xa hơn khi biết rằng người xưa đã quy y nơi cửa phật! Sau khi từ chối tất cả những người đến với mình, người con gái chung thủy này đã ở vậy nuôi dưỡng bố mẹ, đến lúc bố mẹ tạ thế thì cô đã gửi thân vào chốn cửa thiền. Cuộc tái ngộ lần thứ hai sau hơn 40 năm trời cách biệt diễn ra ở ngôi chùa nhỏ Huê Cầu trong sự mừng tủi thì ít mà day dứt, ân hận thì nhiều. Hải Thượng Lãn Ông sau khi bày tỏ nỗi niềm, ông xin bà cho mình được là người anh lớn, bảo dưỡng đứa em gái nhỏ suốt đời, xin rước bà về gõ mõ tụng kinh trong cái am ngay tại vườn nhà ở Hương Sơn quê mẹ.
Lê Hữu Trác khẩn khoản: Mùa Đông cũng như mùa Hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là báo ân, hai là để chuộc lỗi. Vì ta bất cẩn trong việc này, có thủy mà không có chung, khiến người mang hận mà ta mang tiếng là bạc bẽo. Trước thịnh tình ấy của cố nhân, sư nữ Huê Cầu mặc dù rất xúc động nhưng bà đã khéo léo chối từ: Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy đâu dám trách ai. Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh lung lạc vậy. Chỉ xin nếu quan nhân còn nghĩ đến tôi, nghe nói Hoan Châu có nhiều gỗ tốt và rẻ, xin nhờ mua giúp một cỗ quan tài.
Vị sư nữ muốn yên giấc nghìn thu trong quà tặng tình yêu của bậc danh y, dù ấy là tình yêu chỉ một bề thánh thiện. Ra sức thuyết phục nhưng không làm bà lung lay ý chí, Lê Hữu Trác đã lập tức sai người đi tìm mua món quà theo tâm nguyện của người xưa nhưng vì thời gian gấp gáp nên chưa mua được. Khi chuẩn bị về quê, ông đã gửi lại 5 quan tiền để nhờ người mua một cỗ áo quan tặng vợ cũ. Về lại miền Trung, Hải Thượng Lãn Ông vẫn không quên được chuyện xưa, dù rằng đã đáp ứng tâm nguyện của người cũ và trước tấm thịnh tình của ông, ni sư Huê Cầu cũng đã nguôi ngoai và tha thứ cho lầm lỗi của người tình phụ. Buồn lòng và thương cảm trước cảnh long đong của người con gái vì mình mà nhất mực chung tình, Lê Hữu Trác đã làm một bài thơ vừa là để bày tỏ nỗi niềm vừa tự trách mình.
Lời bàn:
Từ những tài liệu sử học còn lưu lại cho đến ngày nay đã chứng minh rằng cả cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông thật xứng đáng là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo. Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”. Là một người thầy thuốc, trước hết ông đề cao y đức. Và qua giai thoại trên, còn cho chúng ta hiểu thêm về ông là một con người nhất mực chung tình.
Thời gian gần đây, nghề y đang ngày một phát triển, nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao. Đại đa số cán bộ y tế đang chăm lo tốt sức khỏe cho nhân dân, đem hết lương tâm trách nhiệm và năng lực của mình, chứng minh được đạo đức nghề nghiệp phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, khi đọc lại gương sáng người xưa, chúng ta không khỏi chạnh lòng vì ngày nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế đang làm phiền lòng người bệnh, thể hiện bằng tâm lý tiếp xúc không tốt, kỹ năng giao tiếp và ứng xử kém, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề giảm sút. Một số người chạy theo đồng tiền, bỏ mặc người bệnh, không chịu học tập nâng cao tay nghề làm ảnh hưởng hình ảnh người thầy thuốc ưu tú, thật đáng buồn thay!
Theo Tapchivanhoc.com