Theo sử sách của Trung Quốc thời trung cổ còn lưu truyền đến ngày nay, Phạm Trọng Yêm có 4 người con trai, trong đó, một người là trợ thủ đắc lực của cha, một người là Tể tướng, một người là quan Thượng thư và một người làm Thị lang bộ Hộ. Tất cả họ đều là những người tài đức, quan cao, bổng lộc nhiều, nhưng lại sống một cuộc đời thanh liêm, giản dị. Đó là nhờ phương pháp giáo dục con của ông Trọng Yêm.
Phạm Trọng Yêm, tên tự là Hi Văn, người huyện Ngô (Giang Tô, Tô Châu, Trung Quốc ngày nay). Ông là hậu nhân của Tể tướng Phạm Lữ Băng triều nhà Đường. Năm ông lên 2 tuổi thì cha mất. Gia cảnh bần cùng, mẹ ông không có sức mưu sinh nuôi con nên đã mang theo ông đi tái giá. Lớn lên, ông từ biệt mẹ, lên chùa sống nhờ và học tập. Thời thiếu niên, Phạm Trọng Yêm ở trong chùa học tập, gia cảnh vô cùng nghèo túng. Nói đến tình cảnh bần hàn của ông, cuốn “Ngũ triều danh thần ngôn hành lục” ghi chép rằng: Đối với một người khác mà nói, thật khó có thể chịu được cuộc sống bần hàn, khổ cực như Phạm Trọng Yêm. Nhưng Phạm Trọng Yêm lại không cho rằng sống như thế là khổ. Mỗi ngày ông chỉ nấu một nồi cháo loãng pha một chút muối, sau đó đợi cháo nguội lạnh, ông lại chia cháo thành ba phần, mỗi bữa chỉ ăn một phần với dưa muối. Suốt một thời gian dài 3 năm, ông đã sống bần hàn như vậy.
Vào những năm niên hiệu Đại Trung Tường Phù thời vua Tống Chân Tông, Phạm Trọng Yêm đã thi đỗ tiến sĩ và bước vào con đường làm quan. Đến năm thứ 3 Khánh Lịch thời vua Tống Nhân Tông (1043), ông được thăng chức thành Xu mật phó xứ, Tham tri chính sự (Phó tể tướng). Trong năm này, ông cùng Phú Bật, Hàn Kỳ đề xuất cải cách công việc triều chính. Nhóm của ông đề xuất cái mà sử sách sau này gọi là “đáp thủ chiếu điều trần thập sự” (10 điều cần cải cách), trong đó có “minh truất trắc, quân điền phú, tu võ bị, giảm dao dịch” (bổ nhiệm, bãi miễn rõ ràng; thu thuế quân điền; tu sửa võ bị, bớt lao dịch), sử sách Trung Quốc gọi là “Khánh Lịch tân chính” hay “Khánh Lịch chi trị”. Cuộc cải cách Khánh Lịch này nhanh chóng thất bại vào năm 1045, do bị các quan lại, chủ yếu là bè đảng của Hạ Tủng phản đối, ông bị giáng chức, chuyển tới Hàng Châu, Thanh Châu.
Phạm Trọng Yêm còn là một nhà văn, nhà thơ tài ba. Trong tác phẩm “Nhạc dương lâu ký”, ông viết: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc (Lo trước điều lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ). Câu này được người đời sau lưu truyền như một câu danh ngôn. Trên thực tế, câu nói này cũng là chỉ khát vọng chính trị và chuẩn tắc hành vi của ông. Ông vô cùng nghiêm khắc đối với bản thân. Ông từng nói: Ta ban đêm nằm trên giường, luôn phải nghĩ lại những hành vi đã làm ban ngày. Nếu những việc làm của ngày hôm đó là thỏa đáng, không có sai sót gì thì ta có thể an tâm ngủ ngon. Nhưng nếu không phải vậy, thì đêm đó sẽ không ngủ được ngon, ngày hôm sau nhất định phải sửa chữa sai sót ấy.
Phạm Trọng Yêm khi theo mẹ chuyển đến nhà họ Chu từng kết bạn với một vị phương sĩ (thời xưa gọi những người cầu tiên học đạo là phương sĩ). Lúc vị phương sĩ này bị bệnh nặng, đã gọi Phạm Trọng Yêm đến giường và nói: Ta biết thuật luyện ngân nhưng con trai của ta lại còn quá nhỏ, chưa thể truyền cho nó được nên ta sẽ truyền lại cho ngài. Nói xong, vị phương sĩ này liền đem bí quyết mà mình biết truyền lại cho Phạm Trọng Yêm và qua đời. Hơn 10 năm sau, Phạm Trọng Yêm làm quan trong triều, con trai của vị phương sĩ này lúc ấy cũng đã trưởng thành. Phạm Trọng Yêm liền cho người gọi cậu ta đến và giao lại toàn bộ bí truyền mà năm xưa cha cậu để lại. Điều khiến người đời cảm phục chính là trải qua nhiều năm như vậy nhưng Phạm Trọng Yêm chưa từng liếc mắt nhìn qua bí truyền ấy một lần. Điều này cho thấy, tiết tháo của ông cao thượng đến ngần nào.
Phạm Trọng Yêm từ nhỏ đến lớn sống cuộc sống nghèo khổ, cần kiệm cho nên khi làm quan cũng vô cùng giản dị, không bao giờ xa hoa mà quên gốc. Trong nhà ông, nếu không phải là có khách thì thức ăn vô cùng đơn giản. Vợ và con của ông, sống một cuộc sống chỉ ở mức “cơm đủ ăn, áo đủ mặc”. Nhưng đối với người bên ngoài, ông và gia đình lại vô cùng phóng khoáng, thường xuyên bố thí, cứu giúp người nghèo khổ.
Lời bàn:
Phạm Trọng Yêm là nhà cải cách tư tưởng vĩ đại triều Bắc Tống sau này. Ông vô cùng nghiêm khắc đối với bản thân. Ông từng nói: Ta ban đêm nằm trên giường, luôn phải nghĩ lại những hành vi đã làm ban ngày. Nếu những việc làm của ngày hôm đó là thỏa đáng, không có sai sót gì thì ta có thể an tâm ngủ ngon. Nhưng nếu không phải vậy, thì đêm đó sẽ không ngủ được ngon, ngày hôm sau nhất định phải sửa chữa sai sót ấy. Và chỉ riêng điều này, hậu thế chẳng có mấy ai học được.
Mặc dù quyền cao chức trọng, bổng lộc lớn nhưng Phạm Trọng Yêm không để lại tiền của cho con cái, mà toàn bộ dùng vào việc thiện, cứu khổ phò nguy, truyền đức nhân, lấy việc thiện làm vui cho con cháu. Tất cả các con của Phạm Trọng Yêm đều chịu ảnh hưởng của cha, lời nói và việc làm đều gương mẫu, đều là những người chính nghĩa, dám nói thẳng, yêu thương dân. Họ đều nổi tiếng thanh liêm, tác phong giản dị, trước sau như một. Tiếc rằng, thời nay có nhiều người lại nghĩ và làm khác với Phạm Trọng Yêm. Bởi thế mới có người “sẵn sàng tham ô rồi vào tù để củng cố đời con”. Nhưng than ôi, con của kẻ tù tội thì từ xưa tới nay chẳng có mấy ai nên người.
Theo Tapchivanhoc.com