Thời loạn

Nhà Nguyễn dưới thời trị vì của vua Tự Đức được các sử gia đương thời ví là “thời loạn”. Vì cùng thời điểm với các hoạt động của nhóm Tam đường, Tạ Văn Phụng cũng gây rối tại tỉnh Quảng Yên. Tạ Văn Phụng trước đó là lính mộ của Pháp, năm 1861, mạo danh là dòng dõi nhà Lê và tự xưng là minh chủ. Tạ Văn Phụng lợi dụng sự bất mãn của dân nghèo vùng biển đối với triều Nguyễn lôi kéo họ nổi dậy ở phía Bắc, tạo điều kiện cho Pháp xâm lược nước ta ở phía Nam. Cuối năm 1863, Tạ Văn Phụng tập hợp hơn 500 chiếc thuyền ở đảo Cát Bà, vùng núi Đồ Sơn, chủ trương tiến đánh kinh thành Huế nhưng không thành. Tháng 5-1865, Tạ Văn Phụng bị Tán lý Đặng Trần Chuyên, Đốc binh Ông Ích Khiêm đem quân truy đuổi. Trên đường chạy trốn, Tạ Văn Phụng bị bắt về kinh xử tử.

Năm 1867, tàn quân cũ của khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc là Ngô Côn đã tràn sang biên giới phía Bắc nước ta. Ngô Côn tập hợp quân tấn công và chiếm được tỉnh thành Cao Bằng. Với trên 2.000 quân và đang đà thắng thế, Ngô Côn chia quân cướp bóc ở tỉnh Lạng Sơn. Đối phó với tình hình này, Tự Đức đã đưa ra nhận định: Trẫm liệu tính thì lũ Ngô Côn gian giảo lắm, nhưng chúng cũng ngại chết, đã bị quan quân nước Thanh bức bách không có lối về, cho nên tràn sang nước ta, cũng là cầu một chỗ dung thân, việc xin hàng của hắn cũng là một cái thật ở trong cái dối, mà sự thế hiện nay của ta bất đắc dĩ mới phải dùng quân,… Sau đó, vua Tự Đức cho Phạm Chi Hương Tổng đốc Lạng Bằng làm quân vụ đại thần, Tiễu phủ sứ Ông Ích Khiêm làm Tán lý quân thứ và yêu cầu quan lại ở Bắc kỳ tập hợp quân địa phương để dự trữ phòng bị.

Xem thêm:  Tấm lòng một thi tướng

Các tướng lĩnh chỉ huy quân sự cũng gặp khó khăn trong việc đối phó với Ngô Côn. Đoàn Thọ, Vũ Trọng Bình và Lê Bá Thận nhận thấy với địa thế hiểm trở ở các tỉnh biên giới, lại thêm khí hậu rất khắc nghiệt, binh lính không hợp với địa hình nên rất khó có thể tiêu diệt hoàn toàn Ngô Côn. Tháng 3-1869, Ngô Côn chiếm giữ Đồng Đăng, Kỳ Lừa nhằm phục vụ âm mưu chặn đường vận lương của quân doanh Lạng Sơn, Thái Nguyên. Triều đình buộc phải lập tức điều động nhiều cánh quân từ kinh thành và địa phương, kết hợp sự trợ giúp của Phùng Tử Tài – thống lĩnh quân nhà Thanh, để đối phó. Đến năm 1870, tướng giặc Ngô Côn bị tiêu diệt hoàn toàn.

Những tháng cuối năm 1862, thủ lĩnh Tô Tứ bắt đầu hoạt động ở Tiên Yên (tỉnh Quảng Yên). Tỉnh thần Đặng Xuân Bảng đã cấp 500 phương gạo và 500 quan tiền cùng thuốc đạn, ống phun lửa, tập hợp nhân dân chống lại. Năm 1866, Tô Tứ lại chuyển hướng sang hoạt động ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Tự Đức lo ngại lập tức sai Thống quản thị vệ đại thần Đoàn Thọ ra Bắc kỳ làm Tổng thống quân vụ đại thần, quan Hà Ninh Tổng đốc Vũ Trọng Bình kiêm chức Tuyên Thái Lạng quân thứ khâm sai đại thần cùng kéo quân lên Lạng Sơn dẹp giặc. Nhưng Đoàn Thọ vừa tới Lạng Sơn thì bị quân của Tô Tứ vây thành vào ban đêm. Vũ Trọng Bình chạy thoát, quan quân triều đình ở Lạng Sơn bị thương rất nhiều. Tự Đức xuống dụ rằng:

Bọn giặc Tô Tứ không có mấy, nay nên sức cho hào lý sở tại mộ lính Thổ dõng, tìm con đường tắt, chia ra ngăn chặn hoặc sức người Thổ trước đến đấy mượn hộ lính dõng người nước Thanh, thẳng đánh vào con đường sau, quân ta ở mặt nước đánh giáp lại, có thể một trận đánh dẹp tắt được”. Mặt khác, Tự Đức cử thêm Thượng thư Lê Tuấn làm Khâm sai Thị sư đem quân ra Bắc phối hợp với quân của Hoàng Tá Viêm truy quét. Tháng 10-1871, Tô Tứ bị quan quân triều đình chặn đánh và tiêu diệt.

Tháng 9-1878, Lý Tương Tài thuộc quân của Phùng Tử Tài, người Quảng Đông (Trung Quốc), đem trên 1 vạn quân tấn công tỉnh Lạng Sơn, sau đó mở rộng phạm vi sang phố Đồng Bộc, Kỳ Lừa. Tự Đức đưa ra biện pháp bổ nhiệm Nguyễn Đình Nhuận làm Bố chính tỉnh Lạng Sơn; điều động quân tại kinh thành phối hợp với 500 quân Thanh Nghệ và nhờ Triệu Ốc (Trung Quốc) hỗ trợ đánh dẹp. Như vậy, năm 1878 là mốc đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn hoạt động của những nhóm cướp bóc ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Lời bàn:

Tự Đức trị vì đất nước trong bối cảnh gặp nhiều thử thách sống còn. Trong nước loạn đảng nổi lên ở khắp nơi, ngoài thì thực dân phương Tây đang lâm le xâm lược. Trong khi đó, nhà vua lại thiếu quyết đoán, phải dựa vào triều thần bàn việc, mà triều thần tuy có người thanh liêm và có thực quyền như Trương Đăng Quế song lại bảo thủ. Lúc ấy, trên thế giới, khoa học và công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh buôn bán ngày càng gay gắt, thế mà đình thần quanh vua chỉ chăm lo việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì lấy Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu xa xưa làm gương, rồi tự vỗ ngực là văn minh, chê thiên hạ là ngoại dị.

Xem thêm:  Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương

Tuy cũng có những người đã đi ra ngoài du học hoặc được tiếp xúc, có cách nhìn mới, muốn thay đổi, cải cách như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh… dâng điều trần xin nhà vua cải cách mọi mặt: chính trị, kinh tế, quân sự… theo gương Nhật Bản, Thái Lan, Hương Cảng và các nước phương Tây. Nhưng đình thần hoặc cho là nói càn, bàn nhảm hoặc cho là không hợp thời thế hoặc còn để hỏi xem các tỉnh và làm từ từ… Thế mới hay rằng, từ vua đến quan không tạo được sự đồng thuận thì triều đình ắt sẽ nghiêng ngả. Và một khi triều đình không vững thì trăm họ sao tránh khỏi lầm than và loạn đẳng cũng từ đó mà sinh sôi. Mong rằng hậu thế xin đừng ai quên điều này!

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

nu sinh dien aoinh 4 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *