Thầy thuốc của muôn đời

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một đại danh y tài năng xuất chúng, hết lòng thương yêu người bệnh, một nhân cách cao thượng và là nhà tư tưởng, nhà văn nổi tiếng của dân tộc ở thế kỷ XVIII. Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12-11-1720, tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, phần lớn cuộc đời ông đã sống và thành danh ở quê mẹ thuộc xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Lê Hữu Trác là con thứ 7 của ông Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng. Dòng tộc ông vốn có truyền thống khoa bảng; ông nội, bác, chú (Lê Hữu Kiều), anh và em họ đều đỗ tiến sĩ và làm quan to. Thân sinh của ông từng đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư (năm Kỷ Mùi 1739). Khi ấy, Lê Hữu Trác mới 20 tuổi, ông phải rời kinh thành về quê nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, mong nối nghiệp gia đình, lấy đường khoa cử để tiến thân.

Sau khi cha mất, Lê Hữu Trác thi vào tam trường rồi gác đèn sách, không thi thố nữa. Cũng trong thời gian này (1739), phong trào nông dân nổi dậy chống phong kiến đã nổ ra trên quy mô lớn, lan đến cả quê hương của Lê Hữu Trác, ông vừa dùi mài kinh sử vừa nghiên cứu binh thư rồi đeo gươm tòng quân và được tướng nhà Trịnh nhiều lần đề bạt khen thưởng. Chẳng bao lâu sau, ông nhận ra xã hội thối nát, chiến tranh chỉ tàn phá và mang bao đau thương, làm ông chán nản muốn ra khỏi quân đội nên đã nhiều lần từ chối sự đề bạt. Đến năm 1746, nhân khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội, thực sự “bẻ tên cởi giáp” theo đuổi chí hướng mới.

Xem thêm:  Vua tự nhận sai

Thời gian ở quê, ông đã mang căn bệnh quái ác do lây nhiễm từ trong quân ngũ mà không hề hay biết, đến lúc phát hiện ra thì bệnh tình đã nặng, chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn âm ỉ. Mãi sau này, khi gặp lương y Trần Độc – người nổi tiếng cả vùng Hoan Châu (Nghệ An) đồng thời là bậc lão nho, học rộng biết nhiều về y học đã nhiệt tình chữa trị nên đã khỏi bệnh. Không chỉ vậy, vị lương y này còn đem hết hiểu thấu về y học truyền cho Lê Hữu Trác và mối lương duyên với y học cũng xuất phát từ đấy.

Chính trong thời điểm này, để có thời gian học, ông đã dựng nhà cạnh rừng, tự đặt tên hiệu là Lãn Ông (ông lười) ý nói lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó. Với sự say mê, vài ba năm sau ông đã chữa được một số bệnh thông thường trong gia đình và làng xóm.

Từ đó, ông vừa học tập, chữa bệnh vừa cố gắng học hỏi thêm và trời đã không phụ khi mà 10 năm sau, tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu. Không chỉ chữa bệnh cứu người, Hải Thượng Lãn Ông còn nghiên cứu lý luận trung y, tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra, ông còn viết sách và bộ “Lãn Ông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm các mặt về y học: y đức, y lý, y thuật, dược, di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách này là đã phản ánh rõ sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông và đây thực sự là một kho tàng vô giá mà ông đã để lại cho hậu thế.

Xem thêm:  Người được ban họ vua

Lời bàn:

Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đã đúc kết tinh hoa y học của nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, để lại cho đời sau nhiều bộ sách quý, trong đó nổi bật nhất là bộ “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”, với hàng ngàn bài thuốc hay để thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng. Tuy sống cách chúng ta gần 3 thế kỷ nhưng tư tưởng và phương pháp tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của ông vẫn còn là bài học có tính thời sự nóng hổi và vô cùng quý báu để chúng ta học tập và noi theo.

Trong cuốn sách này, ông đã khẳng định nghề y liên quan chặt chẽ với đức độ của bản thân và của con cháu lâu dài. Ông viết: “Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính”. Qua nghề y, người ta có thể bồi đắp chữ “đức” được cao đầy, nếu người đó thực sự giúp ích nhiều cho người bệnh. Nhưng nếu người đó lợi dụng nghề y để hữu ý hoặc vô ý làm những điều có hại cho người khác thì cũng dễ mắc những điểm “thất đức” không nhỏ. Ông phàn nàn: “Than ôi đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được”. Mong rằng những thầy thuốc ngày nay đừng bao giờ quên lời dạy của một đại danh y đã từ giã cõi đời cách đây đúng 296 năm.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

anh girl xinh hoc sinh cap 3 rang khenh 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *