Soạn văn Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy chi tiết nhất
Hướng dẫn
Soạn văn Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy cung cấp lời giải chi tiết cho hệ thống câu hỏi từ cơ bản đến nâng cao trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, qua đó giúp người học có định hướng tiếp cận bài học đơn giản và hiệu quả nhất. Hãy tham khảo để có thêm những thông tin hữu ích cho quá trình học tập của mình nhé!
I. Tìm hiểu về truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
Câu 1. Dựa theo cốt truyện, tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương. Trên cơ sở các chi tiết đã liệt kê, anh (chị) hãy phân tích:
a. Do đâu mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ? Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá như thế nào về nhà vua?
b. Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện như thế nào?
c. Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái… nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm gì đối với nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc?
Trả lời:
Những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương:
– An Dương Vương là vua nước Âu Lạc, xây thành nhưng đều thất bại.
– An Dương Vương lập đàn trai giới, được Rùa Vàng giúp đỡ xây thành và chế tạo ra chiếc nỏ thần để tiêu diệt giặc ngoại xâm.
– Với chiếc nỏ thần, vua đã đánh tan quân Triệu Đà lần thứ nhất.
– Vua chủ quan gả con gái mình cho Trọng Thủy- con trai Triệu Đà.
– Triệu Đà đem quân đánh, vua mất cảnh giác nên thất bại.
– Vua chém chết Mị Châu và đi theo Rùa Vàng xuống biển.
a. An Dương Vương được thần linh giúp đỡ bởi nhà vua có được tầm nhìn xa trông rộng đối với vận mệnh đất nước, quyết định xây thành đắp lũy để bảo vệ cuôc sống yên bình của nhân dân. Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian đã thể hiện lòng biết ơn đối với công lao của nhà vua và tự hào về sự phát triển của dân tộc thời bấy giờ.
b. Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện đầu tiên ở việc vô tình gả con gái của mình cho Trọng Thủy- con trai của kẻ địch và chấp nhận để Trọng Thủy ở rể mà không hề hay biết âm mưu và lẫy thần- vuốt Rùa Vàng bị đánh tráo. Sự chủ quan còn thể hiện ở việc vì cậy vào nỏ thần, khi quân giặc đưa binh sang đánh, vua không hề chuẩn bị mà vẫn điềm nhiên đánh cờ.
c. Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái… nhân dân cách đánh giá về “công” và “tội” của nhân vật lịch sử An Dương Vương. Nhà vua có công lớn trong việc xây thành, nhưng lại phạm sai lầm khi quá chủ quan, không đề cao cảnh giác đối với quân địch. Chi tiết nhà vua chém đầu Mị Nương cho thấy đến cuối cùng, An Dương Vương vẫn là vị vua đặt lợi ích quốc gia lên trên tình thân.
Câu 2. Về việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần, có hai cách đánh giá như sau:
– Mị Châu làm vậy chỉ là thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ với đất nước.
– Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp lí
Ý kiến riêng của anh (chị) thế nào?
Trả lời:
Về việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần, cả hai cách đánh giá đều chưa thỏa đáng, bởi vì:
– Nếu đánh giá theo cách thứ nhất, cho rằng Mị Châu làm vậy chỉ là thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ với đất nước thì tội của Mị Châu sẽ rất lớn, lúc này nàng sẽ trở thành một con người vì cuộc sống cá nhân mà quên đi sự tồn vong của đất nước.
– Nếu đánh giá theo cách thứ hai, cho rằng Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp lí phù hợp với quan niệm của người xưa về số phận của người phụ nữ: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai).
Cả hai cách đánh giá này đều phiến diện và mang tính một chiều. Bởi Mị Châu chỉ là một nạn nhân đáng thương của chiến tranh những mưu đồ chính trị. Nàng nhẹ dạ cả tin và yêu thương thật lòng đối với người chồng nên phạm phải sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm đó không phải xuất phát từ việc nàng là một người không quan tâm đến đất nước (chi tiết lời nguyền đã thể hiện điều đó), nên dù là người có tội thì Mị Châu vẫn đáng thương nhiều hơn đáng trách.
Câu 3. Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa muốn bày tỏ thái độ và tình cảm thế nào đối với nhân vật Mị Châu và muốn gửi gắm gì đến thế hệ trẻ muôn đời sau.
Trả lời:
Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu cho thấy thái độ kiên quyết, dứt khoát của nhân dân khi trị tội Mị Châu- người vô tình giúp quân địch thực hiện dễ dàng mưu đồ chính trị.
Tuy nhiên, sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch thể hiện thái độ cảm thông, bao dung của nhân dân đối với nàng. Nàng cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương của chiến tranh, bị lợi dụng niềm tin và tình yêu để phục vụ mục đích chính trị. Dân gian đã để lời nguyền của nàng trở thành hiện thực như một cách “giải oan” cho nàng.
Hư cấu như vậy, người xưa muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ muôn đời sau bài học về việc giải quyết và xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa cái riêng với cái chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân và cộng đồng.
Câu 4. Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết cho Mị Châu. Vậy anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh “ngọc trai – giếng nước”?
Trả lời:
Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” là một hình ảnh biểu trưng và giàu ý nghĩa biểu tượng. Trước hết, đó là lời “giải oan” cho lời kết tội của Rùa Vàng về Mị Châu, cho rằng nàng là kẻ bán nước. Chi tiết trai sò ăn phải máu nàng đều biến thành hạt châu đã thể hiện rõ điều đó. Việc Trọng Thủy tưởng nhớ Mị Châu, lao đầu xuống giếng mà chết cho thấy sự hối hận của chàng. Đây là mối tình đầy bi kịch và gợi lên nhiều sự thương xót.
Câu 5. Từ những điều đã phân tích, anh (chị) hãy cho biết đâu là “cốt lõi lịch sử” của truyện và cốt lõi lịch sử đó được dân gian thần kì hóa như thế nào?
Trả lời:
– Cốt lõi lịch sử của truyện là việc vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sự kiện quân Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc.
– Cốt lõi lịch sử đó được dân gian thần kì hóa bằng việc sáng tạo nhiều chi tiết thần kì như lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần và được sự giúp đỡ của Rùa Vàng trong việc xây thành, chế nỏ; chuyện An Dương vương theo Rùa Vàng xuống nước và cái chết của Mị Châu cùng hình ảnh “ngọc trai- giếng nước”. Những yếu tố này làm tăng thêm sức hấp dẫn của câu chuyện, đồng thời cho thấy cách nhìn nhận đầy bao dung của nhân dân ta đối với lịch sử.
II. Luyện tập
Theo Tapchivanhoc.com