Nếu là một người yêu văn thơ hẳn không ai là không biết đến Chế Lan Viên, ông là một nhà thơ, nhà văn hiện đại nổi tiếng Việt Nam. Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng – triết lý. “chất suy tưởng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa” Khai thác triệt để các tương quan đối lập. Và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng. Sau đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Tiếng hát con tàu đầy đủ hay nhất lớp 12 tại Tapchivanhoc.com để các bạn tham khảo và tìm hiểu thêm về văn bản này.
Soạn bài Tiếng hát con tàu lớp 12
I. Tìm hiểu chung về bài Tiếng hát con tàu
1. Tác giả:
- Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 (tức ngày 9 tháng 9 năm Canh Thân) tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
- Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa “trường thơ loạn”: “kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm”. Những tháp Chàm “điêu tàn” là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.
- Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã “đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng”, và có những thay đổi rõ rệt. Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, “thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái “tôi” trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống”.
2. Tác phẩm:
- Tiếng hát con tàu” (in trong tập “Ánh sáng và phù sa”, xuất bản năm 1960) được gợi cảm hứng từ một chủ trương lớn của Nhà nước vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi vào những năm 1958 – 1960 ở miền Bắc
II. Hướng dẫn Soạn bài Tiếng hát con tàu lớp 12
Câu 1 trang 146 SGK văn 12 tập 1
Trong bài thơ, hình ảnh con tàu và Tây Bắc ngoài ý nghĩa cụ thể còn có ý nghĩa biểu tượng. Cắt nghĩa nhan đề và 4 câu thơ đề từ:
- Con tàu trong câu thơ con tàu ở đây là biểu tượng của khát vọng lên đường, khát vọng đi xa, hướng tới cuộc sống của đất nước, nhân dân đi tới chân trời của ước mơ lớn, đi tới ngọn nguồn cảm hứng của những sáng tạo nghệ thuật.
- Tiếng hát là niềm say sưa của tâm hồn khi tìm được hướng đi và đang trên hành trình đến với nhân dân, đất nước.
=> Nhan đề bài thơ có thể hiểu là tiếng hát của tâm hồn nhà thơ – một tâm hồn tràn ngập niềm tin vào lí tưởng, vào cuộc đời. Nhà thơ đã hoá thân thành con tàu, hăm hở làm cuộc hành trình đến với Tây Bắc, đến với cuộc sống của nhân dân và đó cũng là đến với cội nguồn của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.
Phân tích khổ thơ đề từ:
- Khẳng định sự gắn bó của thi nhân với Tây Bắc, một miền đất cụ thể, đã trải qua lửa đạn chiến tranh, với những khát vọng xây dựng trong cuộc sống mới, cũng là mảnh đất ươm mầm cho nhiều tác phẩm nghệ thuật nảy nở. Đây cũng chính là cuộc đời rộng lớn của nhân dân, là cuộc đời mới của những con người trẻ tuổi.
- Thể hiện khát vọng lên đường, hoà mình vào cuộc sông rộng lớn của dân tộc, hướng vào mạch nguồn của đất nước, của nhân dân.
Câu 2 trang 146 SGK văn 12 tập 1
Bố cục:
- 2 khổ đầu: Sự trăn trở, lời mời gọi lên đường.
- 9 khổ giữa: Khát vọng về với nhân dân, nơi khắc ghi nhiều kỉ niệm nghĩa tình trong kháng chiến.
- 4 khổ cuối: khúc hát lên đường say mê, tin tưởng.
=> Bố cục thể hiện sự vận động của tâm trạng chủ thể trữ tình: phần đầu có sự day dứt, trăn trở.
Câu 3 trang 146 SGK văn 12 tập 1
Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân được nhà thơ thể hiện trong khổ thơ:
- Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
- Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
- Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
- Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Nét đặc sắc nghệ thuật: chùm so sánh, liên tưởng hết sức phong phú, độc đáo
=> Niềm hạnh phúc lớn lao của tác giả khi từ bỏ thế giới nhỏ hẹp của cá nhân để về với nhân dân, nơi chan chứa tình yêu thương, che chở, cưu mang, là nguồn sống, là bầu sinh khí, tiếp sức cho nhân vật trữ tình.
Câu 4 trang 146 SGK văn 12 tập 1
Hình ảnh nhân dân trong kỉ niệm nhà thơ được thể hiện qua những con người cụ thể qua:
- Người anh du kích
- Thằng em liên lạc
- Người “mế” với hình ảnh “ lửa hồng soi tóc bạc”.
=> Những hình ảnh khái quát, tượng trưng cho con người Tây Bắc trong kháng chiến đã được tác giả thể hiện bằng những con người, những câu chuyện cụ thể rất sinh động.
Phân tích những kỉ niệm đó để làm rõ sự gắn bó và lòng biết ơn sâu nặng của nhà thơ với nhân dân:
- Người anh du kích trước đêm tấn công đồn địch còn để lại chiếc áo nâu cho nhân vật trữ tình.
- Thằng em liên lạc (cách gọi thân mật): “Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư”!
- Người “mế” lửa hồng soi tóc bạc”, “năm con đau” (tức hồi con ốm) má thức một mùa dài”, khiến cho “trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”.
- Hình ảnh cô gái Tây Bắc đọng lại trong cử chỉ ấm áp “Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch”, trong hương thơm của “vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng”. Tình quân dân lâu dần thành tình đôi lứa. Nỗi nhớ được so sánh bằng những hình ảnh gợi bất ngờ, mới lạ, gợi được những tưởng tượng phong phú. (Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét, Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng…)
Câu 5 trang 146 SGK văn 12 tập 1
Những câu thơ thể hiện rõ nhất những chất suy tưởng và triết lí của Chế Lan Viên:
- “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
- Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”
- “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
Câu 6 trang 146 SGK văn 12 tập 1
Nhận xét và đánh giá nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên trong bài thơ:
- Hình ảnh: có tính khái quát, màu sắc hiện đại, mang tính triết luận nhưng đậm chất trữ tình. Hình ảnh thường được tổ chức thành từng chuỗi liên kết, tiếp nối, bổ sung nhằm khắc sâu ý tưởng, cảm xúc.
- So sánh liên tưởng: vừa phong phú vừa sắc sảo, độc đáo.
- Ngôn ngữ: trau chuốt, gọt giũa, mang tính bác học.
- Giọng điệu: âm hưởng lôi cuốn.
Nguồn Internet