Mùa xuân từ muôn đời vẫn là cảm hứng bất tận cho thi ca nhạc họa, khơi dậy nơi tâm hồn nghệ sĩ những cảm xúc mộng mơ, lãng mạn nhất. Mùa xuân đến đem lại sức sống mới cho muôn loài và vạn vật. Đó là thời khắc những nụ non khẽ cựa mình thức dậy, muôn hoa khoe sắc thắm, chim ca hót vang trong không khí xuân tưng bừng, náo nức. Lòng người khi xuân về cũng vui tươi, háo hức lạ lùng. Đó là chút bâng khuâng, xao xuyến lạ lùng khi thấy một nụ đào vừa hé nở, một cánh én dập dìu trên trời xanh, giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đến với bài tùy bút “Mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng, ta sẽ cùng nhau khám phá những nét đẹp rất riêng của mùa xuân Bắc Việt. Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn soạn bài Mùa xuân của tôi lớp 7.
SOẠN BÀI MÙA XUÂN CỦA TÔI LỚP 7
I- Tìm hiểu chung bài Mùa xuân của tôi lớp 7
1. Tác giả
- Vũ Bằng là nhà văn, nhà báo nổi tiếng về truyện ngắn, bút kí, tùy bút
- Văn hồi kí của ông trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, thiên nhiên bốn mùa của quê hương xứ sở. Câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế
2. Tác phẩm
- Đoạn trích “Mùa xuân của tôi” trích từ thiên tùy bút “Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt” trong tập tùy bút- bút kí “Thương nhớ mười hai”- một tác phẩm xuất sắc của tác giả
- Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, tác giả sống trong vùng kiểm soát của Mĩ- ngụy, xa cách quê hương đất Bắc
- Nỗi niềm thương nhớ da diết về quê hương, gia đình và lòng mong mỏi đất nước hòa bình, thống nhất được gửi gắm vào nỗi nhớ cảnh sắc thiên nhiên, phố xá và cuộc sống hằng ngày của Hà Nội
II- Soạn bài Mùa xuân của tôi lớp 7
Câu 1 trang 177 SGK văn 7 tập 1:
Bài văn viết về cảnh sắc và không khí mùa xuân trong tháng Giêng ở Hà Nội.
Hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả:
- Vũ Bằng viết tác phẩm này khi đang phải sống ở vùng kiểm soát của Mĩ- ngụy, sống xa quê hương đất Bắc
- Tâm trạng nhớ quê da diết của một người con phải sống xa quê hương xứ sở
Câu 2 trang 177 SGK văn 7 tập 1:
Văn bản có thể chia làm 3 phần:
- Đoạn 1: từ đầu… mê luyến mùa xuân: Tình cảm của con người với mùa xuân là một quy luật tất yếu, tự nhiên
- Đoạn 2: tiếp theo… liên hoan: Cảnh sắc và không khí mùa xuân ở đất trời và lòng người
- Đoạn 3: còn lại: Cảnh sắc riêng của trời đất mùa xuân từ sau ngày rằm tháng Giêng ở đất Bắc
=> Các đoạn liên kết với nhau bằng mạch cảm xúc rất tự nhiên của tác giả
Câu 3 trang 177 SGK văn 7 tập 1:
a. Cảnh sắc mùa xuân Hà Nội và miền Bắc:
- Mưa riêu riêu, gió lành lạnh
- Tiếng nhạn kêu trong đêm xanh
- Tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa
- Câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng
- Nhang trầm, đèn nến, bầu không khí gia đình đoàn tụ êm ấm
b. Mùa xuân đã khơi dậy ở thiên nhiên và con người sức sống tiềm tàng và làm nó trở nên mạnh mẽ, làm bừng dậy lòng yêu đời, khao khát sống và yêu thương của tác giả: rạo rực, xôn xao, ấm áp
c. Giọng điệu vừa sôi nổi vừa tha thiết, ngôn ngữ mềm mại, trau chuốt, giàu chất trữ tình
Câu 4 trang 177 SGK văn 7 tập 1:
a. Không khí và cảnh sắc thiên nhiên từ sau ngày rằm tháng Giêng:
- Đào hơi phải nhưng nhụy vẫn còn phong
- Cỏ nức mùi hương man mác
- Trời hết nồm, mưa xuân thay cho mưa phùn
- Những vệt xanh tươi, làn sóng hồng hồng rung động
- Bữa cơm giản dị
- Hóa vàng, màn điêu hạ, trò vui tết đã mãn, cuộc sống êm đềm thường nhật lại tiếp tục
b. Sự tinh tế, nhạy cảm trước thiên nhiên của tác giả thể hiện qua việc thấy được những nét riêng, độc đáo trong cảnh sắc và hương vị của mùa xuân trước và ngày sau ngày rằm tháng giêng
Câu 5 trang 178 SGK văn 7 tập 1:
Cảnh sắc mùa xuân Bắc Việt qua ngòi bút tài hoa, tinh tế của tác giả đã hiện lên với những vẻ đẹp riêng vừa phong phú vừa lãng mạn, giàu chất thơ. Mùa xuân ấy đã làm bừng lên sức sống ở con người và cảnh vật, khơi dậy tình yêu đời và khao khát sống. Qua đó, ta nhận thấy một tấm lòng yêu quê da diết, lúc nào cũng hướng về quê hương của tác giả
III- Luyện tập Mùa xuân của tôi lớp 7
Câu 2 trang 178 SGK văn 7 tập 1:
- Đã thấy xuân về với gió đông.
- Với trên màu má gái chưa chồng
- Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
- Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
(Xuân về- Nguyễn Bính)
- Mỗi năm hoa đào nở
- Lại thấy ông đồ già
- Bày mực Tàu, giấy đỏ
- Bên phố đông người qua.
(Ông đồ- Vũ Đình Liên)
- Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
- Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
- Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
- Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
(Chiều xuân- Anh Thơ)
Câu 3 trang 178 SGK văn 7 tập 1:
Tôi yêu nhất mùa thu ở thôn quê- một mùa thu đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời tiết lúc này không nắng oi nắng ả như mùa hạ, không lạnh cắt da cắt thịt như mùa đông, cái se se lạnh đến từ những cơn gió heo may chợt khiến người ta thấy dịu dàng quá đỗi. Mùa thu đến gọi về hương cốm mới. Thóc nếp non được các bà các chị lấy về từ ngoài đồng, giã ra rồi phơi khô, tao ra thứ cốm vừa dẻo, vừa thơm, mang trong mình tất cả những gì tinh túy nhất của hương đồng gió nội. Ôi nhớ xiết bao những mùa thu êm ả, bình dị của làng quê như thế.
Nguồn Internet