Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1788, vua Lê Chiêu Thống dẫn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào xâm lược Việt Nam. Sau khi bàn bạc với cộng sự, Ngô Văn Sở đem quân rút về phòng tuyến Tam Điệp để bảo toàn lực lượng. Được tin cấp báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (tức 21 tháng 12 năm 1788) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Ngay sau khi làm lễ đăng quang tại núi Bân (Phú Xuân), nhà vua trực tiếp mang đại quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược.
Trong chiến dịch phản công này, Đại tư mã Ngô Văn Sở được ở bên cạnh vua Quang Trung để cùng chỉ huy đạo quân chủ lực đánh vào hai thành trì quan trọng của đối phương, đó là Hà Hồi và Ngọc Hồi. Thực hiện chiến dịch tổng tấn công quân Thanh, Quang Trung chia binh lực ra làm 5 đạo. Đạo Trung quân do Quang Trung thân hành chỉ huy, có Đại tư mã Ngô Văn Sở, nội hài Phan Văn Lân làm tướng tiên phong đánh vào mũi Hà Hồi, Ngọc Hồi. Đây là hướng tấn công chính sẽ quyết định toàn bộ cục diện chiến dịch. Ngô Văn Sở có sáng kiến cho làm những cái “mông xung”, trong đựng cỏ rơm, cao 5 thước, dài 15 thước, hễ ra trận thì mang đi che đằng trước chống tên đạn. Trong trận công thành tháng Giêng năm Kỷ Dậu lịch sử đó, những cái “mông xung” mộc rơm ấy đã trở nên nổi tiếng không kém gì voi trận và hỏa hổ làm khiếp đảm quân xâm lược.
Sau khi đánh tan quân Thanh xong, Quang Trung trở về Phú Xuân, lại giao cho Ngô Văn Sở ở lại coi giữ hết thảy việc quân việc nước ở Bắc Hà. Trong đó có việc đối ngoại với phương Bắc là vấn đề quan trọng hàng đầu để tránh cơn tức giận của vua Càn Long nhà Thanh đang định đem binh mã 9 tỉnh tiếp tục cuộc chiến tranh với nước ta. Nhờ có Ngô Thì Nhậm, người “làm chủ về giao thiệp với Trung Quốc”, hai nước đã giảng hòa với nhau. Để tỏ tình giao hảo giữa hai nước, vua nhà Thanh mời vua nước Nam sang Yên Kinh dự lễ “bát tuần khánh thọ” (của Càn Long). Thế là một phái đoàn Việt Nam gồm 150 người, do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung, cùng với Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn… khởi hành từ Bắc thành đi Yên Kinh.
Việc Ngô Văn Sở cùng đi với “quốc vương” trong đoàn sứ bộ làm cho Càn Long đặc biệt chú ý. Vì Càn Long biết rõ Ngô Văn Sở là đại thần trụ cột của Tây Sơn, lại trực tiếp coi giữ toàn quyền ở Bắc Hà. Về chuyện ta đưa vua Quang Trung giả sang Yên Kinh, triều đình Mãn Thanh cũng biết rõ song vờ xem như là thật. Đương nhiên họ cũng hiểu rằng nhân vật chủ chốt nhất, có quyền lực nhất nằm trong đoàn sứ bộ là Ngô Văn Sở. Do đó, Ngô Văn Sở được vua Thanh trọng vọng, ưu đãi khác thường.
Sau khi vua Quang Trung mất, Ngô Văn Sở vẫn trấn giữ Bắc Hà, được thăng chức Đại đổng lý, tước Quận công. Dưới quyền cai quản của ông, tình hình các trấn ở miền Bắc ổn định, đi dần vào nền nếp. Ông thi hành nhiều chính sách tích cực, coi trọng văn học, mở khoa thi để thu dụng kẻ sĩ, đặt chức Huấn khoa để xét hỏi kẻ gian trong châu huyện… nên có uy tín lớn đối với nhân dân.
Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi (tức Cảnh Thịnh) thì Ngô Văn Sở được thăng chức Đại đổng lý, tước Quận công và vẫn ở giữ Bắc Hà. Do nhà vua còn nhỏ, quyền hành nhanh chóng rơi vào tay người cậu vua là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Kể từ đó, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục, phân bè chia cánh sát hại lẫn nhau. Sau đó, Ngô Văn Sở bị đẩy đến cái chết thảm khốc. Năm 1795, ông bị quyền thần Vũ Văn Dũng lập mẹo bắt đưa về Phú Xuân, rồi vu cho ông tội mưu phản, đóng cũi nhốt đem dìm xuống sông Hương – Huế…
Lời bàn:
Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ không chỉ là nhà quân sự thiên tài đã lập nên những chiến công thần kỳ, chỉ có thắng, không hề bại mà còn biểu thị tài năng lỗi lạc trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Và trong lịch sử chống quân xâm lược của các triều đại phong kiến ở nước ta, duy nhất chỉ có vua Quang Trung mới làm nên sự kiện trong 5 ngày đã quét sạch 29 vạn quân xâm lược của nhà Thanh ra khỏi nước ta. Cuộc đời của vua Quang Trung kể từ khi 18 tuổi tham gia khởi nghĩa đến 39 tuổi từ trần là một bài ca tuyệt đẹp của người “anh hùng áo vải”, một cuộc đời chiến đấu kiên cường cho quyền lợi của nhân dân và dân tộc, cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Sự nghiệp cứu dân, cứu nước, đấu tranh xây dựng một đất nước độc lập thống nhất cùng với tài năng, phẩm chất, tính cách độc đáo của vua Quang Trung còn sáng chói trong lịch sử dân tộc.
Và để làm nên những chiến công chói lọi ấy, vua Quang Trung đã biết quy tụ xung quanh mình những người tài đức vẹn toàn, như: Ngô Văn Sở, Nguyễn Thung, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Trương Mỹ Ngọc, Võ Xuân Hoài… Dù hơn 227 năm đã trôi qua nhưng những chiến công hiển hách của quân đội Tây Sơn trong đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, cũng như giá trị nhân văn trong phép dùng người của vua Quang Trung sẽ mãi mãi là bài học, là tấm gương không phai mờ cho hậu thế hôm nay và mai sau.
Theo Tapchivanhoc.com