Quân sư tài ba

Đại tư mã Ngô Văn Sở là một vị tướng nổi tiếng dưới thời vua Quang Trung. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Văn Sở có tên là Ngô Hồng Chấn và Ngô Văn Tàng, xuất thân từ một dòng họ lớn, nhiều đời làm tướng ở Trảo Nha, Thạch Hà, Nghệ An. Ông sinh trưởng tại Bình Khê, Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tổ tiên ông là người ở Trảo Nha, huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) di cư vào huyện Tây Sơn lúc nào chưa rõ. Thuở trai trẻ ông học võ với Đô thống Ngô Mạnh, tức bạn đồng môn với Bùi Thị Xuân.

Từ con đường nào, lúc nào mà ông đến với phong trào Tây Sơn thì chưa ai biết. Nhưng nói đến công cuộc phá Nguyễn, diệt Trịnh, đánh đuổi Mãn Thanh xâm lược, thống nhất đất nước và giữ yên 13 trấn Bắc Hà dưới thời Nguyễn Huệ – Quang Trung, thì không thể không nói đến vai trò của Ngô Văn Sở. Năm 1771, ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cùng khởi binh, Ngô Văn Sở đến đầu quân ngay từ buổi đầu.

Kể từ lúc ấy, Ngô Văn Sở trở thành một trong những tướng lĩnh cao cấp của Bộ chỉ huy quân Tây Sơn. Và ông đã có mặt trong trận tấn công vào Phú Xuân (1786), vượt sông Gianh đánh ra Bắc Hà (1786), diệt Nguyễn Hữu Chỉnh (1787), diệt Vũ Văn Nhậm (1788). Sau đó, ông được Nguyễn Huệ phong làm Đại tư mã thống lĩnh quân đội, tổng quản công việc ở Bắc Hà. Cùng tham gia Bộ chỉ huy này còn có các đô đốc như Võ Văn Dũng, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết và các văn thần mà nổi bật là Ngô Thì Nhậm.

Xem thêm:  Vị tổ của ca trù

Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân mang quân ra Nghệ An, hợp sức cùng Võ Văn Nhậm tiến ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh và các thế lực Lê – Trịnh chống đối, Ngô Văn Sở tỏ ra là một tướng cầm quân dũng cảm, mưu lược, đánh đâu thắng đấy. Khi Ngô Văn Sở tiến đến sông Thanh Quyết (ở cách huyện Gia Viễn 18 dặm về phía bắc), Nguyễn Hữu Chỉnh đem hết quân ở Thăng Long và tướng các đạo hơn 3 vạn, đóng ở bờ bắc sông Thanh Quyết đắp lũy cố thủ. Lại sai Hữu Du mang hơn 500 chiến thuyền đóng ở cửa sông đối nhau với quân Tây Sơn.

Đêm xuống, quân Tây Sơn ngầm lặn xuống nước dùng thừng dài buộc thuyền của Hữu Du kéo sang bờ Nam. Quân trong thuyền kinh sợ chạy trốn, tranh nhau nhảy xuống nước, bị quân Tây Sơn lấy sạch thuyền và vũ khí, Nguyễn Hữu Chỉnh không chống cự nổi, bị bắt, giết. Lê Chiêu Thống phải bỏ chạy khỏi Thăng Long. Triều Lê đến đây bị xóa bỏ hẳn. Võ Văn Nhậm lại tỏ ra kiêu ngạo, có ý mưu phản, đầu tháng 5-1788, Nguyễn Huệ đem quân ra diệt Nhậm, phong cho Ngô Văn Sở làm Đại tư mã thống lĩnh quân đội, tổng quản mọi công việc ở Bắc Hà. Các tác giả sách Hoàng Lê nhất thống chí cho biết: Từ khi ấy, trên rừng dưới biển hễ có ai dám ngang ngạnh, Sở chỉ cần sai một viên tì tướng đi đánh là dẹp tan được ngay. Các phủ huyện có đệ án kiện giấy tờ lên thì Sở cứ theo việc mà xử không để ứ đọng.

Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào xâm lược nước ta. Bấy giờ, Ngô Văn Sở với cương vị là chủ soái ở Bắc Hà đã sáng suốt nghe theo ý kiến của Ngô Thì Nhậm, chủ động và hết sức mau lẹ, mưu trí thực hiện cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng. Lại lập phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn, chuẩn bị chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi để Quang Trung từ Phú Xuân đem đại quân ra đánh một đòn sấm sét vào bọn xâm lược, đuổi chúng và bọn phản quốc ra khỏi bờ cõi. Kế hoạch rút quân khỏi Thăng Long, lui về giữ Tam Điệp được vua Quang Trung cho là hoàn toàn đúng và đánh giá rất cao về tài thao lược của Ngô Văn Sở.

Lời bàn:

Đại tư mã Ngô Văn Sở được các sử gia đương thời ghi nhận là một trong những nhân vật “nanh vuốt” hàng đầu giúp Nguyễn Huệ – Quang Trung trong công cuộc diệt Trịnh, đánh đuổi Mãn Thanh xâm lược, thống nhất đất nước và giữ yên 13 trấn Bắc Hà… Thế nhưng có một sự thật đáng buồn là phần lớn những danh tướng thời Tây Sơn đã phải chịu sự thiệt thòi lớn. Một đời họ xông pha oanh liệt với hàng loạt những võ công kiệt xuất, nhưng dấu ấn của họ trong sử sách lại quá ít ỏi. Và họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước và cứu dân, nhưng ngay sau đó sự nghiệp phi thường của họ đã bị các sử gia của triều đại kế tiếp không ghi nhận hoặc tìm cách xuyên tạc.

Song lịch sử dân tộc vẫn ghi nhận những chiến công vĩ đại của nhà Tây Sơn. Đặc biệt là tư tưởng ngoại giao đặc sắc với những nhà ngoại giao tài ba lỗi lạc như Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Võ Huy Tấn… đã góp phần to lớn vào chiến thắng 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh. Và đặc biệt là đánh bại mưu đồ xâm lược của quân Thanh lần thứ hai, tránh cho nhân dân ta khỏi phải đương đầu với những cuộc binh đao đẫm máu làm kiệt quệ đất nước, kiệt lực sức dân với sự khôn khéo và mềm dẻo của mình. Những chiến công hào hùng cùng những sách lược ngoại giao đặc sắc ấy sẽ là bài học kinh nghiệm để chúng ta vận dụng, phát huy, đi tiếp con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn trong các mối quan hệ đối ngoại với các nước trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

N.D

Check Also

cap nhat nhanhca415 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *