Phân tích ý nghĩa của hình ảnh ngọc trai giếng nước trong An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

Phân tích ý nghĩa của hình ảnh ngọc trai giếng nước trong An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

Hướng dẫn

Ngọc trai- giếng nước là chi tiết đặc sắc đồng thời là cặp hình tượng giàu ý nghĩa trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy. Anh chị hãy phân tích ý nghĩa của hình ảnh ngọc trai giếng nước trong An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích ý nghĩa hình ảnh ngọc trai-giếng nước

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm và chi tiết ngọc trai giếng nước: Chi tiết đặc sắc ngọc trai – giếng nước cuối tác phẩm không chỉ mang đến hiệu quả nghệ thuật độc đáo cho tác phẩm mà còn gợi bao suy ngẫm, chiêm nghiệm của người đọc về mối tình trái ngang này.

2. Thân bài

– Hình ảnh ngọc trai- giếng nước ở phần cuối tác phẩm đã thể hiện sự đồng cảm, xót thương của nhân dân đối với tình yêu của Mị Châu – Trọng Thủy.

– Trong tương quan với tình yêu của hai người, cặp hình ảnh ngọc trai- giếng nước đã trở thành biểu tượng tình yêu đẹp đẽ nhưng cũng đầy bi kịch.

– Cuộc hôn phối giữa hai người vốn nhằm mục đích chính trị nhằm duy trì hòa bình giữa hai nước tuy nhiên, khi chung sống thì tình yêu giữa hai người đã nảy nở.

+ Trọng Thủy vẫn lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin của Mị Châu đối với mình để đánh cắp nỏ thần.

+ Mị Châu trở thành đứa con bất hiếu, kẻ phản tặc đối với đất nước.

–> Sự ích kỉ của Trọng Thủy đã đẩy Mị Châu đến cái chết đầy oan trái.

– Cái chết của Trọng Thủy như một sự chuộc tội với MỊ Châu vừa như sự giải thoát cho chính bản thân chàng.

– Hình ảnh giếng nước nơi Trọng Thủy ngã xuống khi dùng để rửa ngọc trai do máu của Mị Châu hóa thành sẽ trở nên sáng đẹp hơn.

– Ngọc trai – Giếng nước là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhân dân để thể hiện sự đồng cảm, xót xa cho mối tình Mị Châu, Trọng Thủy, cho sự nhẹ dạ, cả tin của Mị Châu.

Xem thêm:  Phân tích tâm trạng nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ

– Tấm lòng trong sạch của nàng được nhân dân đồng cảm, xót thương nên đã để cho ước muốn của nàng trở thành hiện thực, để máu của nàng hóa Ngọc Trai.

-Đối với Trọng Thủy, nhân dân có thể đồng cảm nhưng không thể tha thứ càng không thể ca ngợi bởi đứng trên lập trường quốc gia, Trọng Thủy là kẻ phản bội.

3. Kết bài

Sự sáng tạo hình ảnh ngọc trai- giếng nước vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc vừa cho thấy cái nhìn nhân ái, thấu tình đạt lí của nhân dân.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích hình ảnh ngọc trai – giếng nước

An Dương Vương và Mị Châu Trọng thủy là truyền thuyết dân gian nổi tiếng nói về quá trình dựng nước và giữ nước của An Dương Vương. Bên cạnh câu chuyện về lịch sử, truyền thuyết còn kể về câu chuyện tình đẹp nhưng cũng đầy bi thảm của của Mị Châu và Trọng Thủy, đặc biệt qua chi tiết đặc sắc ngọc trai – giếng nước cuối tác phẩm không chỉ mang đến hiệu quả nghệ thuật độc đáo cho tác phẩm mà còn gợi bao suy ngẫm, chiêm nghiệm của người đọc về mối tình trái ngang này.

Ngọc trai-giếng nước là một trong những chi tiết đặc sắc nhất trong truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy. Hình ảnh này xuất hiện ở phần cuối tác phẩm đã thể hiện sự đồng cảm, xót thương của nhân dân đối với tình yêu của Mị Châu – Trọng Thủy. Trong tương quan với tình yêu của hai người, cặp hình ảnh ngọc trai- giếng nước đã trở thành biểu tượng tình yêu đẹp đẽ nhưng cũng đầy bi kịch.

Mị Châu là nàng công chúa nước Việt, Trọng Thủy là hoàng tử nước Bắc. Cuộc hôn phối giữa hai người vốn nhằm mục đích chính trị nhằm duy trì hòa bình giữa hai nước tuy nhiên, khi chung sống thì tình yêu giữa hai người đã nảy nở. Nhưng số phận quá trái ngang, Trọng Thủy sang nước Nam ở rể không chỉ thực hiện cuộc hôn phối giữa hai nước mà còn đảm nhiệm một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Tình cảm của Trọng Thủy với Mị Châu là chân thành xong chữ hiếu với cha chàng cũng không thể không thực hiện. Đứng trước chữ tình và chữ hiếu, Trọng Thủy đã lựa chọn chữ hiếu, trở thành một tên gián điệp để đánh cắp nỏ thần, mang về cho vua cha.

Xem thêm:  Nghị luận về bài “luân lí xã hội ở nước ta” của Phan Châu Trinh

Đối với người dân nước Việt, Trọng Thủy là kẻ phản bội, kẻ cướp không hơn không kém nhưng đối với đất nước của chàng thì chàng lại là một người anh hùng có công gây dựng đất nước, mở mang bờ cõi. Đứng trên tư cách công dân, trách nhiệm của một hoàng tử nước đối địch, Trọng Thủy là một người xuất sắc nhưng đứng trên tư cách của một người chồng thì Trọng Thủy lại là người chồng tồi. Dù tình cảm với Mị Châu là thật, là chân thành nhưng Trọng Thủy vẫn lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin của Mị Châu đối với mình để phục vụ cho mục đích của mình. Hành động này không chỉ đơn thuần là việc lừa gạt, lợi dụng mà còn như nhát dao trí mạng vào trái tim của Mị Châu bởi nàng không thể ngờ rằng người mình yêu thương, tin tưởng nhất lại là kẻ phản bội; Trọng Thủy hoàn thành trách nhiệm của bản thân với vua cha nhưng lại đẩy Mị Châu trở thành đứa con bất hiếu, kẻ phản tặc đối với đất nước.

Sự ích kỉ của Trọng Thủy đã đẩy Mị Châu đến cái chết đầy oan trái. Trước khi chết, nàng đã khấn thần linh và hình ảnh ngọc trai chính là sự linh ứng cho lời cầu khấn nhằm chiêu tuyết, thanh minh cho tấm lòng trong sáng của nàng. Sau khi đã hoàn thành việc tấn công Cổ loa, Trọng Thủy đã lần theo dấu lông ngỗng với mong muốn tìm được Mị Châu nhưng tất cả đã quá muộn màng.

Trước cái chết của Mị Châu, vì quá đau xót và ân hận, nhìn thấy dáng hình của Mị Châu dưới giếng, chàng đã với theo chiếc bóng mà lao đầu xuống giếng chết. Cái chết của Mị Châu đã khiến cho Trọng Thủy đau đớn, day dứt khôn nguôi bởi người vợ chỉ vì quá tin tưởng mình mà phải chịu cái kết đầy oan trái. Cái chết của Trọng Thủy như một sự chuộc tội với MỊ Châu vừa như sự giải thoát cho chính bản thân chàng. Hình ảnh giếng nước nơi Trọng Thủy ngã xuống khi dùng để rửa ngọc trai do máu của Mị Châu hóa thành sẽ trở nên sáng đẹp hơn. Dường như Trọng Thủy đã tìm thấy sự hóa giải tội lỗi đối với tình cảm của Mị Châu.

Xem thêm:  Cảm nghĩ về trích đoạn “Cảnh ngày xuân” tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du- Văn lớp 10

Ngọc trai – Giếng nước là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhân dân để thể hiện sự đồng cảm, xót xa cho mối tình Mị Châu, Trọng Thủy, cho sự nhẹ dạ, cả tin của Mị Châu. Đó là mối tình đẹp nhưng cũng là khởi đầu của mọi trái ngang, tuy nhiên mục đích của cặp hình ảnh này không phải ca ngợi tình yêu chung thủy bởi đến khi chết Mị Châu đã kịp nhận ra sự lừa dối, phản bội của Trọng Thủy. Tấm lòng trong sạch của nàng được nhân dân đồng cảm, xót thương nên đã để cho ước muốn của nàng trở thành hiện thực, để máu của nàng hóa Ngọc Trai. Đối với Trọng Thủy, nhân dân có thể đồng cảm nhưng không thể tha thứ càng không thể ca ngợi bởi đứng trên lập trường quốc gia, Trọng Thủy là kẻ phản bội.

Sự sáng tạo hình ảnh ngọc trai- giếng nước vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc vừa cho thấy cái nhìn nhân ái, thấu tình đạt lí của nhân dân. Hình ảnh ấy không chỉ đơn giản là hình tượng nghệ thuật đặc sắc mà còn là biểu tượng cho nỗi đau của cả dân tộc – nỗi đau mất nước.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

6f73e0f8f18115df48318 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *