Phân tích về nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Bài làm
Chữ người tử tù là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong tập truyện Vang bóng một thời nổi tiếng của Nguyễn Tuân. Nhân vật Huấn Cao là nhân vật chính, nhân vật trung tâm tạo nên tư tưởng cho toàn bộ thiên truyện. Tác phẩm đã kinh qua biết bao nhiêu những biến động của thời cuộc và cho đến nay, dường như chưa có cây bút nào vượt được Nguyễn Tuân trong việc gợi lên không khí cổ kính, nhiều hoài niệm về một thời quá khứ xa xôi. Và trong tác phẩm, nhân vật Huấn Cao tỏa sáng lộng lẫy trong suốt thiên truyện.
Trong tác phẩm, nghệ thuật chơi chữ trong truyền thống được đề cập một cách rất chủ đạo. Thời xa xưa, Việt Nam ta cũng là một trong những nước Đông phương có tập quán chơi chữ, những người viết chữ đẹp rất được trọng vọng. Người ta viết chữ Nho, một thứ văn tự tượng hình, viết bằng bút lông mềm mại, viết nét chữ mà tựa hồ như đang phác tranh. Cá tính của con người thường được nghe nói là cũng thể hiện rõ rệt trên từng nét chữ. Chữ đẹp rất quý, chữ viết đó là một trong những tác phẩm nghệ thuật giàu ý nghĩa. Xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân dựa theo hình mẫu ngoài đời thực Cao Bá Quát, một nghệ sỹ thư pháp tiếng tăm, một con người có bản lĩnh kiên cường, nhân cách cao thượng, chí nhân tốt luôn hướng về điều thiện, điều tốt đẹp lo cho nước cho dân. Huấn Cao là người không chỉ có tài mà còn rất có tâm, cái tấm lòng của ông vì nước vì dân mà đứng lên đấu tranh chống cường quyền là đáng được ghi nhận vô cùng.
Huấn Cao được biết đến là người văn võ toàn tài, không chỉ là một bậc anh hùng, ông còn có tài năng văn chương thơ phú, đặc biệt là viết chữ rất đẹp, chữ của ông được coi là báu vật mà người người, nhà nhà ao ước có.
Huấn Cao trước hết là một người hết sức tự trọng, ông viết chữ đẹp, có tài chữ lừng lẫy bốn phương nhưng ông không bao giờ tùy tiện xuống bút, "không bao giờ vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ bão giờ". Tính ông "vốn khoảnh, trừ những chỗ tri kỉ" còn lại ông rất ít khi cho chữ. Ông sống hiên ngang, bất khuất "chọc trời khuấy nước", có "hoài bão tung hoành" ông chẳng sợ uy quyền, đối với những thế lực đen tối hại dân, ông chẳng nề hà tỏ vẻ khinh bạc. Lần đầu xuất hiện trước viên quản ngục bằng hành động dỗ cái gông nặng 7- 8 tạ xuống thềm đá tảng, "đánh thuỳnh một cái" và trước sau vẫn cái dáng vẻ "lãnh đạm" không biết sợ sệt, dù bọn lính canh có ra sức thị oai thế nào, thì ông vẫn tỏ rõ thái độ "không thèm chấp". Quản ngục khép nép hỏi ông: "Ngài có cần gì thêm nữ xin cho biết" thì không chút nề hà ông đáp lại với vẻ ý đầy sự khinh bỉ: "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều là ngươi đừng đặt chân vào đây. Với Huấn Cao, cái quan trọng nhất của con người phải là cái thiên lương trong sáng.
Phân tích về nhân vật Huấn Cao
Định kiến với giới quan quyền là thế, nhưng khi hiểu được tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của quản nguc, ông xúc động vô cùng, ông vui vẻ nhận cho chữ quản ngục mà còn phải tâm đắc mà thốt lên rằng: "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Sau khi cho chữ xong, ông còn khuyên bảo quản ngục tìm lối thoát khỏi chốn này, bởi ông là một đóa hoa sen trong chốn bùn lầy một nốt nhạc trong trẻo chen giữa một bản nhạc luật hỗn độn xô bồ thì nơi này thực sự không dành cho ông. Với Huấn Cao, cái đẹp, cái tài, cái thiên lương không thể cùng chung sống với cái xấu xa thấp hèn và con người chỉn có thể thưởng thức được cái đẹp nếu lòng người còn giữ được sự trong sáng, thánh thiện.
Hình tượng nhân vật Huấn Cao lộng lẫy vô cùng với tư thế hiên ngang, đường hoàng không sợ chết dù cho án tử đang treo ngay trước mặt. Trong tù vẫn nổi hứng bình sinh, vẫn bình thản chén rượu thịt. Trong tác phẩm, đoạn cho chữ, cảnh cho chữ được xem là đắt giá vô cùng. Hình ảnh Huấn Cao trong đoạn văn trở nên vô cùng lừng lẫy, một không gian đối lập với những diễn biến hành động, nhà tù chật hẹp, ẩm thấp, tối tăm lại là nơi thể hiện một tác phẩm nghệ thuật cao quý. Sự đối lập giữ người tù đeo gông ung dung phóng bút tạo nghệ thuật với hình ảnh viên quản ngục, thầy thơ lại khúm núm bưng chậu mực. Cái đẹp, cái cao quý của nghệ thuật, của thiên lương thực sự đã lên ngôi, cái đẹp của nghệ thuật ấy đã cảm hóa được lòng người.
Chữ người tử tù dựng lên một thế giới tăm tối, tù ngục trong đó kẻ độc ác, bất lương lên làm chủ. Trong cái nền tăm tối ấy hiện lên ba đốm sáng lẻ loi, cô đơn là Huân Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại – những con người có tài và biết trọng tài, có nghĩa khí và biết trọng nghĩa khí. Họ tình cờ gặp nhau trong một tình thế oái oăm, từ chỗ ngờ vực nhau, đối địch nhau, dần dần họ đi đến hiểu nhau và trở thành tri kỷ.
Người xưa nói trong văn có nhạc, có họa, điều đó thật đúng khi nhận định về tác phẩm Chữ người tử tù. Chỉ cần mấy dòng chữ thôi, Nguyễn Tuân đã có thể lột tả được đúng cái thần thái, cái linh hồn của một thời đã qua. Huấn Cao là một nhân vật đặc biệt của văn chương Nguyễn Tuân, ở Huấn Cao, chữ "tài" và chữ "tâm" được kết hợp một cách hài hòa. Huấn Cao chính là một trong những nhân vật điển hình của "Một thời vang bóng" mà Nguyễn Tuân luôn muốn gìn giữ. Không chỉ là một con người tài hoa, Huấn Cao còn là một con người mang vẻ đẹp và khí phách cao quý, đại diện cho những nhân vật kiệt xuất đương thời.
Qua nhân vật Huấn Cao tác giả Nguyễn Tuân đã cho ra một lý lẽ, một quan điểm vô cùng xác đáng, cái đẹp, cái tài và cái tâm không thể tách rời và nghệ thuật có thể cảm hóa được lòng người, dù có sống trong bùn cũng không thể mất đi sự thánh thiện.
Minh