Phân tích truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy bài văn của cô giáo Vân Anh chuyên văn
Hướng dẫn
Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy là câu chuyện dân gian nói về quá trình xây dựng thành Cổ Loa, bảo vệ đất nước của An Dương Vương, qua đó cũng mang đến câu chuyện tình buồn của Mị Châu, Trọng Thủy. Dựa vào những hiểu biết của bản thân sau khi học xong truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy, anh chị hãy phân tích truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
1. Mở bài cho đề phân tích truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
Dẫn dắt và giới thiệu khái quát nội dung chính của truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy”:
– Dựa trên cốt lõi lịch sử có thật kết hợp với việc thần kì, câu chuyện thể hiện một cách giải thích khác về nguyên nhân mất nước Âu Lạc của dân gian.
– Câu chuyện nêu lên bài học về tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù xâm lược và cách xử lí đúng đắn, hợp lí mối quan hệ giữa gia đình và quốc gia dân tộc, giữa tình yêu cá nhân và lòng yêu nước, giữa cái riêng và cái chung.
2. Thân bài cho đề phân tích truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
– Nội dung chính của truyền thuyết bao gồm hai phần, hướng đến chủ đề đấu tranh giữ nước:
+ Phần một: sự kiện An Dương Vương dựng nước, xây thành, chế nỏ, đánh giặc.
+ Phần hai: việc An Dương Vương mất nước gắn với diễn biến câu chuyện giữa hai nhân vật Mị Châu- Trọng Thủy.
– “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” phản ánh quá trình hình thành và phát triển của dân tộc ta thời kì mang tên Âu Lạc.
+ Việc xây thành là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc.
- Thể hiện sự chủ động của con người trong việc đối phó với thiên nhiên và các thế lực thù địch khác.
- thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vị vua và sự trưởng thành về ý thức của thời đại An Dương Vương.
+ Việc xây thành gặp nhiều khó khăn và sứ Thanh Giang hiện lên giúp đỡ nhà vua xây thành, và tặng nhà vua chiếc vuốt để làm làm lẫy nỏ thần, đánh đuổi quân Triệu Đà lần thứ nhất:
- Là cách diễn giải hình tượng cho một sự thật lịch sử là việc xây thành Cổ Loa của nhân dân Âu Lạc gặp nhiều khó khăn.
- Thể hiện thành tựu văn minh của người Việt cổ trong việc chế tạo và sử dụng cung nỏ.
- Thần Kim Quy hiện lên giúp đỡ cho thấy sự ủng hộ và niềm tự hào của nhân dân đối với việc xây thành, đại diện cho sức mạnh của dân tộc và tinh thần bất tử của cộng đồng.
– “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” phản ánh sự suy tàn của nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương làm mất nước và đất nước rơi vao tay Triệu Đà.
+ Truyền thuyết lí giải sự thất bại của ông là do chủ quan khinh địch, mất cảnh giác trước kẻ thù gắn với câu chuyện giữa Mị Châu và Trọng Thủy.
+ An Dương Vương không chết mà cầm sừng tê bảy tấc rẽ sóng xuống biển khơi:
- Là một chi tiết thần kì do nhân dân sáng tạo.
- Cho thấy nhân dân ta đã bất tử hóa hình tượng nhân vật người anh hùng.
+ Mị Châu bị thần Kim Quy kết tội là “giặc” và bị vua cha chém đầu.
- Nàng là một nhân vật vừa đáng thương vừa đáng trách.
- Cái chết của nàng cùng hình tượng “ngọc trai- giếng nước” để lại bài học giáo dục sâu sắc giữa việc giải quyết mối quan hệ giữa nước và nhà, thống nhất cái riêng- chung.
3. Kết bài cho đề phân tích truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
Bằng việc sáng tạo những yếu tố thần kì xoay quanh cốt lõi lịch sử có thật, thông qua “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy”, nhân dân ta đã đính chính lại lịch sử theo quan điểm của mình.
II. Bài tham khảo cho đề phân tích truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
“Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…”
Đó là những vần thơ mà nhà thơ Tố Hữu viết về số phận đáng thương của nàng Mị Châu– con gái vua An Dương Vương. Nhân vật này là một sự sáng tạo của dân gian để thể hiện một cách giải thích khác về nguyên nhân mất nước Âu Lạc. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy”. Dựa trên cốt lõi lịch sử có thật, nhân dân ta đã kết hợp với những yếu tố thần kì để nêu lên bài học về tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù xâm lược và cách xử lí đúng đắn, hợp lí mối quan hệ giữa gia đình và quốc gia dân tộc, giữa tình yêu cá nhân và lòng yêu nước, giữa cái riêng và cái chung.
Nội dung chính của truyền thuyết bao gồm hai phần, và đều hướng đến chủ đề chung là đấu tranh giữ nước. Phần một nói về sự kiện An Dương Vương dựng nước với các chi tiết xây thành, chế nỏ, đánh giặc và phần hai kể về việc An Dương Vương mất nước gắn với diễn biến câu chuyện giữa hai nhân vật Mị Châu- Trọng Thủy. Đấu tranh giữ nước vốn là một chủ đề xuyên suốt, là mạch ngầm không bao giờ vơi cạn trong lịch sử văn học dân tộc. Tuy nhiên, để phản ánh những đề tài khác nhau, tác giả dân gian đã sáng tạo nên những chi tiết thần kì xen lẫn với cốt lõi lịch sử có thật. Vậy “cốt lõi lịch sử” mà truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” phản ánh là gì? Và tại sao dân gian đã sáng tạo những chi tiết thần kì xoay xung quanh trục cốt lõi lịch sử có thật để tạo nên một cách giải thích khác về nguyên nhân mất nước Âu Lạc? Đằng sau những lời giải đáp cho những câu hỏi này chính là thái độ, tình cảm, quan điểm của tác giả dân gian.
Trước hết, “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” phản ánh quá trình hình thành và phát triển của dân tộc ta thời kì mang tên Âu Lạc. Trong gian đoạn này, việc An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa được xem như là một kì tích và là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Cốt lõi lịch sử ở đây là sự kiện Thục Phán An Dương Vương lên ngôi vua, việc đầu tiên khi ông làm là cho xây thành Cổ Loa. Điều này thể hiện rõ sự chủ động của con người trong việc đối phó với thiên nhiên và các thế lực thù địch khác. Công việc xây thành hết sức trọng đại đó thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vị vua và sự trưởng thành về ý thức của thời đại An Dương Vương. Việc xây thành gặp nhiều khó khăn, thành xây xong lại đổ, “hễ đắp đến đâu lại lở đến đấy”.
Truyền thuyết kể rằng vua phải “lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần” và có sứ Thanh Giang xuất hiện giúp đỡ. Yếu tố thần kì là cách diễn giải hình tượng cho một sự thật lịch sử là việc xây thành Cổ Loa của nhân dân Âu Lạc gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân thành đắp xong lại đổ là do yếu tố khách quan, do những vòng thành được đắp bằng đất và cát nên không đủ sức chịu đựng sức tàn phá của khí hậu ẩm ướt vùng nhiệt đới. Sau đó, thần Kim Quy hiện lên giúp đỡ cho thấy sự ủng hộ và niềm tự hào của nhân dân đối với việc xây thành. Thần Kim Quy không chỉ giúp nhà vua xây thành mà còn cho nhà vua chiếc móng của mình để làm nỏ thần, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhờ chiếc nỏ thần mà An Dương Vương đã đẩy lui quân xâm lược Triệu Đà lần thứ nhất.
Chiếc nỏ thần đó phản ánh một thành tựu văn minh đáng tự hào của người Việt cổ trong việc chế tạo và sử dụng cung nỏ. Rùa vốn là một hình tượng văn hóa mang nhiều nét nghĩa biểu tượng, đặc biệt là sự thông thái và có tài kiến trúc. Thần Kim Quy xuất hiện giúp đỡ nhà vua không chỉ là lực lượng thần kì, đại diện cho sức mạnh của dân tộc mà còn là hiện thân cho tinh thần bất tử của cộng đồng. Như vậy, truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” trước hết phản ánh sự phát triển của dân tộc ta thời kì mang tên Âu Lạc trong việc xây thành đắp lũy bảo vệ đất nước, chế tạo vũ khí chống lại giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, sự phản ánh đó lại được diễn giải một cách hình tượng bằng những yếu tố thần kì về sự giúp đỡ của thần linh, thể hiện niềm tự hào của nhân dân.
Ở chặng hai, “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” phản ánh sự suy tàn của nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương làm mất nước và đất nước rơi vao tay Triệu Đà. Truyền thuyết lí giải sự thất bại của ông là do chủ quan khinh địch, mất cảnh giác trước kẻ thù gắn với câu chuyện giữa Mị Châu và Trọng Thủy. Nhân dân ta đã sáng tạo nên hình tượng Mị Châu để nàng gánh tội thay cha làm mất nước, thể hiện thái độ của nhân dân đối với người anh hùng.
Cuối truyện, chi tiết thần kì An Dương Vương không chết mà cầm sừng tê bảy tấc rẽ sóng xuống biển khơi cho thấy nhân dân ta đã bất tử hóa hình tượng nhân vật người anh hùng. Còn nàng Mị Châu là một nhân vật vừa đáng thương vừa đáng tránh. Nàng đáng trách bởi sự nhẹ dạ cả tin, không ý thức được rằng cần phải đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân nên lén cho Trọng Thủy xem nỏ thần. Nàng đáng thương bởi sự nhẹ dạ cả tin, và là nạn nhân của mưu đồ chính trị thôn tính Âu Lạc của Triệu Đà và niềm tin cùng tình yêu của nàng đã bị lợi dụng. Vì thế, kết cục của nàng là bị thần Kim Quy kết tội là “giặc” và bị vua cha chém đầu. Bi kịch về số phận của nàng đã cho thấy bài học giáo dục của nhân dân ta đối với mỗi một con người trong việc giải quyết mối quan hệ giữa quốc gia dân tộc và hạnh phúc cá nhân, giữa cái chung và cái riêng.
Mị Châu sau khi chết, “máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều hóa thành ngọc trai” giống như lời nguyền của nàng trước khi chết trở thành sự giải oan cho nàng. Sau khi Mị Châu chết, Trọng Thủy thương xót Mị Châu và sau đó lao đầu xuống giếng tự vẫn, làm nên sự tích về “giếng nước- ngọc trai” mang đầy ý nghĩa biểu tượng về sự giải oan cho linh hồn Mị Châu.
Như vậy, bằng việc sáng tạo những yếu tố thần kì xoay quanh cốt lõi lịch sử có thật, thông qua “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy”, nhân dân ta đã đính chính lại lịch sử theo quan điểm của mình, đưa ra một cách lí giải khác về nguyên nhân mất nước Âu Lạc. Đồng thời để lại những bài học sâu sắc trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo Tapchivanhoc.com