Phân tích nhân vật An Dương Vương trong “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy”
Hướng dẫn
Truyền thuyết An Dương Vương không chỉ gây xúc động bởi mối tình đẹp nhưng đầy bi thương của nàng Mị Châu và Trọng Thủy mà còn gửi gắm quan điểm của nhân dân về bài học giữ nước. Anh chị hãy phân tích nhân vật An Dương Vương trong truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủyđể thấy được bài học giữ nước mà tác giả dân gian muốn gửi gắm.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích nhân vật An Dương Vương
1. Mở bài cho đề phân tích nhân vật An Dương Vương
– Giới thiệu tác phẩm: “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” là một trong những truyền thuyết đặc sắc về chủ đề đấu tranh giữ nước.
– Giới thiệu nhân vật: An Dương Vương hiện lên là vị vua có công vĩ đại trong việc xây thành đắp lũy, yêu nước thương dân nhưng vì chủ quan nên khinh địch nên khiến đất nước rơi vào tay kẻ thù.
2. Thân bài cho đề phân tích nhân vật An Dương Vương
– An Dương Vương trước hết là một vị vua yêu nước thương dân, có tầm nhìn xa trông rộng, có công lớn trong việc xây thành đắp lũy.
+ Việc cho xây thành Cổ Loa thể hiện:
- Tầm nhìn xa trông rộng của một nhà quân sự tài ba.
- Tấm lòng của một vị vua yêu nước thương dân.
+ Việc xây thành chưa từng xuất hiện trong lịch sử dân tộc đã khẳng định vị thế vĩ đai, đóng góp lớn lao của An Dương Vương.
– An Dương Vương còn là vị vua một lòng muốn xây dựng, bảo vệ đất nước và biết trọng dụng người tài.
+ Khi việc xây thành gặp khó khăn, ông đã lo lắng và lập đàn cầu đảo bách thần.
+ Khi cụ già từ phương đông tới, nhà vua mừng rỡ đón vào điện, tiến hành nghi thức chào đón và khi thần Kim Quy xuất hiện, ông dùng xe bằng vàng rước vào trong thành.
+ Khi Rùa Vàng từ biệt, nhà vua lo lắng hỏi về cách bảo vệ thành Cổ Loa.
– Sau đó, nhờ vào nỏ thần dễ dàng đánh lui quân xâm lược của Triệu Đà nên nhà vua trở thành người chủ quan khinh địch.
+ Sai lầm thứ nhất là gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy- con trai Triệu Đà và cho Trọng Thủy ở rể.
+ Sai lầm thứ hai của ông là khi Triệu Đà đem quân tấn công lần thứ hai, ông vì cậy có nỏ thần mà điềm nhiên đánh cờ.
– An Dương Vương vẫn là một vị vua đặt lợi ích quốc gia lên trên tình thân.
+ Trước lời buộc tội của Rùa Vàng, cho rằng Mị Châu là giặc, nhà vua đã rút gươm ra chém.
+ Thể hiện sự thức tỉnh muộn màng của nhà vua và ông là người có lập trường dứt khoát, đứng về phía vận mệnh dân tộc.
– Thái độ của nhân dân khi xây dựng nhân vật An Dương Vương.
+ Trước hết đó là sự cảm phục, biết ơn, tự hào đối với vị vua đầu tiên tiến hành việc xây thành đắp lũy bảo vệ dân tộc.
+ Nhân dân đã bất tử hóa người anh hùng để xây dựng người anh hùng lí tưởng, có công với dân tộc để biến họ trở thành những tấm gương tuyên truyền, giáo dục.
3. Kết bài cho đề phân tích nhân vật An Dương Vương
Thông qua việc xây dựng nhân vật An Dương Vương, truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” đã để lại bài học giáo dục vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về việc xây dựng đất nước phải đi đôi với việc bảo vệ đất nước, luôn phải nêu cao cảnh giác và đề phòng đối với kẻ thù.
II. Bài tham khảo cho đề phân tích nhân vật An Dương Vương
“Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” là một trong những truyền thuyết đặc sắc trong kho tàng lịch sử văn học nước ta về chủ đề đấu tranh giữ nước. Câu chuyện là sự sáng tạo mang đậm yếu tố thần kì của dân gian xung quanh cốt lõi lịch sử có thật về nhân vật An Dương Vương. Qua đó, chúng ta có thể thấy được An Dương Vương là vị vua có công vĩ đại trong việc xây thành đắp lũy, yêu nước thương dân nhưng vì chủ quan nên khinh địch nên khiến đất nước rơi vào tay kẻ thù.
An Dương Vương trước hết là một vị vua yêu nước thương dân, có tầm nhìn xa trông rộng, có công lớn trong việc xây thành đắp lũy. Ông xuất hiện với những sứ mệnh lịch sử mới; thống nhất đất nước về phương tiện dân tộc, lãnh thổ; xây dựng nhà nước sơ khai và chống giặc ngoại xâm. Ông là một trong những biểu tượng anh hùng của người Việt cổ. Việc cho xây thành Cổ Loa cho thấy tầm nhìn của một nhà quân sự tài bà và tấm lòng của một ông vua lo lắng cho vận mệnh đất nước và sự bình yên của nhân dân, chứng tỏ nhà vua đã có ý thức thiết lập một nhà nước phong kiến sơ khai với kinh thành là trung tâm, điều hành, giải quyết những công việc trong đại của đất nước. Đây là một công lao to lớn vì trước đây, ở thời đại vua Hùng, nước ta chỉ mang tính chất tổ chức của những thị tộc, bộ lạc và chưa hề có thành lũy.
An Dương Vương còn là vị vua một lòng muốn xây dựng, bảo vệ đất nước và biết trọng dụng người tài. Việc xây thành gặp nhiều khó khăn nên nhà vua lo lắng và lập đàn cầu đảo bách thần. Khi có cụ già xuất hiện từ phương đông nói về việc xây thành, nhà vua mừng rỡ, tiến hành nghi thức chào đón Sau đó, khi Rùa Vàng xuất hiện, nhà vua dùng xe bằng vàng rước vào thành. Khi thành được xây xong và ba năm sau, Rùa Vàng từ biệt ra về, An Dương Vương lại lo lắng đến nguy cơ đất nước bị xâm lăng và hỏi Rùa Vàng cách chống lại quân thù. Câu hỏi “Nay có giặc ngoài lấy gì mà chống?” cho thấy ông là vị vua một lòng vì nước vì dân và luôn lắng lo cho vận mệnh dân tộc.
Tuy nhiên, sau đó, nhờ vào nỏ thần dễ dàng đánh lui quân xâm lược của Triệu Đà nên nhà vua trở thành người chủ quan khinh địch. Sai lầm đầu tiên gián tiếp dẫn đến việc mất nước Âu Lạc xuất phát từ việc nhà vua gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy- con trai Triệu Đà và cho Trọng Thủy ở rể. Nhà vua không hề hay biết đằng sau việc cầu hôn chứa đựng âm mưu chính trị thôn tính đất nước. Sai lầm thứ nhất của ông chính là nguyên nhân dẫn đến sai lầm của Mị Châu. Bởi sau khi trở thành vợ của Trọng Thủy, nàng nhẹ dạ cả tin đặt hết tình yêu và sự tin tưởng vào chồng mà không hề hay biết rằng mình bị lợi dụng và chỉ là một quân cờ trong bàn cờ chính trị. Sai lầm thứ hai của ông là khi Triệu Đà đem quân tấn công lần thứ hai, ông vì cậy có nỏ thần mà điềm nhiên đánh cờ, cho tới khi quân giặc tiến sát thì vua mới phát hiện ra lẫy nỏ bị đánh cắp, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc mất nước. Vì cậy vào nỏ thần nên ông đã quên đi việc xây dựng quân đội và kêu gọi, đoàn kết nhân dân chống giặc ngoại xâm.
Tuy nhiên, đến cuối cùng, An Dương Vương vẫn là một vị vua đặt lợi ích quốc gia lên trên tình thân. Dù cho Mị Châu là con gái ruột duy nhất của mình nhưng trước lời buộc tội của Rùa Vàng, cho rằng Mị Châu là giặc, nhà vua đã rút gươm ra chém, thể hiện ông có lập trường dứt khoát, đứng về phía vận mệnh dân tộc. Chi tiết này thể hiện sự thức tỉnh muộn màng của nhà vua. Đồng thời cũng là cái giá mà ông phải trả cho sự chủ quan của chính mình.
Thông qua những chi tiết thần kì, nhân dân ta đã thể hiện thái độ, tình cảm và cách đánh giá đối với An Dương Vương. Trước hết đó là sự cảm phục, biết ơn, tự hào đối với vị vua đầu tiên tiến hành việc xây thành đắp lũy bảo vệ dân tộc, là minh chứng điển hình cho sự trưởng thành về mặt ý thức của thời đại An Dương Vương. Sự giúp đỡ thần kì của Rùa Vàng là ẩn dụ cho sự ủng hộ của nhân dân, đồng thời biểu trưng cho sức mạnh thần bí của dân tộc. Và khi đất nước rơi vào tay giặc, An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc rẽ sóng xuống biển khơi. Nhân dân đã bất tử hóa người anh hùng để thể hiện tình cảm, thái độ đối với người anh hùng. Họ đính chính lại lịch sử theo quan điểm của mình, xây dựng người anh hùng lí tưởng, có công với dân tộc để biến họ trở thành những tấm gương tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho các thế hệ sau.
Như vậy, nhân vật An Dương Vương hiện lên với vị thế là một người anh hùng có công lớn trong việc xây thành đắp lũy, bảo vệ đất nước nhưng cũng là vị vua vì chủ quan dẫn đến bi kịch mất nước. Thông qua việc xây dựng nhân vật cùng những chi tiết thần kì, truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” đã để lại bài học giáo dục vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về việc xây dựng đất nước phải đi đôi với việc bảo vệ đất nước, luôn phải nêu cao cảnh giác và đề phòng đối với kẻ thù.
Theo Tapchivanhoc.com