Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Hướng dẫn
Bằng tài năng nghệ thuật bậc thầy trong xây dựng nhân vật, đại thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều đã khắc họa vô cùng thành công những nét đặc trưng cho từng nhân vật, dù là nhân vật chính hay tuyến nhân vật phụ để khi nhắc đến một nét tính cách nào đó người ta có thể nhận diện điểm tên chính xác từng nhân vật. Thông qua việc tìm hiểu Truyện Kiều, anh chị hãy phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư.
I. Dàn ý chi tiết cho đề bài phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư
1. Mở bài cho đề phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư
Không ai có thể phủ nhận là tài nghệ miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật sắc sảo của tác giả Nguyễn Du trong Truyện Kiều, một trong sốđó có thể kể đến nhân vật Hoạn Thư.
2. Thân bài cho đề phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư
– Nhân vật Hoạn Thư được coi là một hình mẫu trong nghệ thuật xây dựng hình tượng của Nguyễn Du.
– Nhân vật Hoạn Thư được Nguyễn Du miêu tả với những chi tiết vô cùng đặc biệt, và nổi bật lên những tính cách vô cùng tạo ấn tượng mạnh mẽ.
– Hoạn Thư một nhân vật có thể nói là được tác giả xây dựng rất thành công với rất nhiều những tính cách nổi bật, bề ngoài luôn nói cười vui vẻ, nhưng bản chất bên trong của nhân vật này thì vô cùng nguy hiểm.
– Hoạn Thư là Một người rất khéo léo nhưng bên trong con người này vô cùng nham hiểm
– Hoạn Thư là một người phụ nữ cực kì thông minh và có bản lĩnh
-Trong mỗi việc làm của mình, Hoạn Thư đều tỏ ra chín chắn, quyết đoán và nắm chắc phần thắng.
– Hoạn Thư biết làm chủ được cảm xúc, giải quyết sự việc hết sức bình tĩnh, thấu tình đạt lí và đặc biệt rất hiệu quả.
3. Kết bài cho đề phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư
Trong cái nhìn của người đời sau, Hoạn Thư hiện lên như là nhân vật tàn độc, xấu xa, nham hiểm với những độc chiêu đánh ghen không ai dám nghĩ tới. Tên gọi Hoạn Thư ngày nay đã vượt ra khỏi giới hạn một danh từ riêng, như là trở thành một “điển tích” cho hạng phụ nữ ghen tuông đến mức mù quáng.
II. Bài tham khảo cho đề phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư
Trong bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”, Chế Lan Viên từng viết: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. “Truyện Kiều” quả thực là niềm tự hào lớn lao của con dân đất Việt qua bao thế hệ. Xanh Bơ-vo đã nói, đại ý: nếu chọn nhà văn tiêu biểu cho từng nước, nước Anh sẽ không ngần ngại chọn Secxpia, nước Pháp – Molie và nước Đức – Gớt. Còn tôi, nếu có quyền được chọn, tôi sẽ không đắn đo nêu tên Nguyễn Du cùng kiệt tác “Truyện Kiều”. Tất nhiên để làm nên kiệt tác, nó là sự nỗ lực kết hợp của nhiều yếu tố nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận là tài nghệ niêu tả và khắc họa tính cách nhân vật sắc sảo của tác giả Nguyễn Du, trong đó có nhân vật Hoạn Thư.
Nhân vật Hoạn Thư được coi là một hình mẫu trong nghệ thuật xây dựng hình tượng của Nguyễn Du. Với tài năng của mình, ông đã vẽ ra những chi tiết vô cùng đặc sắc và tiêu biểu ẩn chứa trong mỗi nhân vật của mình. Nhân vật Hoạn Thư được Nguyễn Du miêu tả với những chi tiết vô cùng đặc biệt, và nổi bật lên những tính cách vô cùng tạo ấn tượng mạnh mẽ, những tình cảm chân thành và da diết của tác giả đối với nhân vật của mình được miêu tả rõ nét và nó đậm tính chất của nhân vật. Mỗi nhân vật mang một hình dáng riêng và nó biểu lộ những tính cách rất điển hình. Hoạn Thư một nhân vật có thể nói là được tác giả xây dựng rất thành công với rất nhiều những tính cách nổi bật, bề ngoài luôn nói cười vui vẻ, nhưng bản chất bên trong của nhân vật này thì vô cùng nguy hiểm.
Nhà nghiên cứu Đông Hồ từng nhận xét, nếu không có Hoạn Thư thì Đoạn trường tân thanh sẽ “sụt đi hết nửa phần giá trị”. Ông khẳng định Hoạn Thư là “một nhân vật lạ lùng kì tuyệt phi thường” và “ví phỏng không có vai trò của Hoạn Thư thì quyển Truyện Kiều là một câu chuyện nhạt quá”.
Trước hết nói về nghệ thuật miêu tả của cụ Tiên Điền thì ngoại hình một con người bao giờ cũng là cái đập vào mắt, đến với nhận thức chúng ta đầu tiên nên Nguyễn Du luôn chọn điểm nhìn khắc họa đầu tiên là ngoại hình nhân vật. Một điều rất dễ nhận thấy là sự khác biệt trong cách miêu tả nhân vật chính điện và nhân vật phản diện của Nguyễn Du. Hoạn Thư được xếp vào dạng nhân vật phản diện, nhưng đây là nhân vật đặc biệt – đa tính cách nên cũng có cách miêu tả khá khác lạ. Một người rất khéo léo nhưng bên trong con người này vô cùng nham hiểm, Nguyễn Du đã miêu tả điều đó qua câu thơ:
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao
Chính từ những cách xây dựng hình tượng điển hình mà nhân vật này hiện lên với hàng loạt những chi tiết và những hình mẫu mang đậm giá trị của phong cách nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, khi mỗi chúng ta đều có thể khám phá và phát hiện ra những chi tiết được bộc lộc hình tượng về nhân vật này, một con người gian xảo, và những phép ăn nói khôn ngoan, Hoạn Thư đã làm cho người đọc thửng thờ trước cách giao tiếp và thu phục lòng người của cô.
Ai cũng phải thừa nhận, Hoạn Thư là một người phụ nữ cực kì thông minh và có bản lĩnh. Ngay trong phần giới thiệu nhân vật, sau khi trình bày gia cảnh quyền uy của Hoạn Thư (Vốn dòng họ Hoạn danh gia / Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư), Nguyễn Du viết “Ở ăn thì nết cũng hay / Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Trong Truyện Kiều, có hai người phụ nữ thuộc vào dạng “Thông minh vốn sẵn tính trời” là nàng Kiều và Hoạn Thư. Trong truyện, chính Kiều là nạn nhân bị Hoạn đày đọa “cho đau đớn, ê chề” cũng phải thừa nhận Hoạn Thư “cao tay” hơn mình. Cụ thể, trong màn báo ân báo oán, Kiều đã khẳng định: “Khen cho: thật đã nên rằng / Khôn ngoan tới mực nói năng phải lời”.
Thật vậy, trái với người chồng là Thúc Sinh bản tính nhu nhược, nửa vời, trong mỗi việc làm của mình, Hoạn Thư đều tỏ ra chín chắn, quyết đoán và nắm chắc phần thắng. Trong màn Kiều đền ân trả oán, lúc được giải đến, vừa nghe lời “chào thưa” của Kiều, quả Hoạn Thư có phần sợ hãi (Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu). Nhưng rồi bằng những lời lẽ có tình, có lí của một người đủ bản lĩnh, Thư đã “lội ngược dòng” một cách ngoạn mục, được Kiều “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay” cùng với lời khen không thể khác “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”.Rõ ràng, khác với một Hoạn Thư trong Kim Vân Kiều truyệncủa Thanh Tâm Tài Nhân chỉ biết trả thù mù quáng để rồi nhận kết cục thảm hại trong màn Kiều báo oán, Hoạn Thư trong Truyện Kiều ở một tầm cao hơn nhiều.
Nàng không hề bị sự ghen tuông làm cho mất lí trí như trong suy nghĩ của không ít người. Trái lại, trong những tình huống quan trọng, Hoạn Thư biết làm chủ được cảm xúc, giải quyết sự việc hết sức bình tĩnh, thấu tình đạt lí và đặc biệt rất hiệu quả. Nếu trong kế hoạch trả thù Thúc Sinh, Hoạn Thư chiếm phần chủ động thì trong màn báo ân báo oán, dù ở thế bị động, Thư vẫn có thể lật ngược tình huống, làm chủ tình thế, tự cứu nguy cho mình mà không cần đến người chồng vừa được đền ơn rất hậu đang ở cạnh bên mình. Một người phụ nữ khôn ngoan, sắc sảo, bản lĩnh như vậy đâu dễ gặp, nhất là trong xã hội phong kiến, người nữ luôn ở trong thế thụ động, bị coi thường. Đây là một trong những phẩm chất đáng quý nơi Hoạn Thư, dù rằng hành động trả thù của nhân vật này có phần nặng tay.
Hoạn Thư đã dựa vào tâm lí thường tình của người phụ nữ để gỡ tội “rằng tôi chút phận đàn bà – ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Lí lẽ này đã xoá đi sự đối lập giữa Kiều và Hoàn Thư, đưa Kiều từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung “chút phận đàn bà”. Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung của giới nữ. “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Từ tội nhân, Hoạn Thư đã biện bạch để mình trở thành nạn nhân của chế độ đa thê.
Tiếp theo, Hoạn Thư lại gợi chút “ân tình” ngày xưa: một là, đã cho Kiều xuống Quan Âm các “giữ chùa chép kinh”, không bắt làm thị tì nữa; hai là, khi Kiều bỏ trốn mang theo chuông vàng khánh bạc, Hoạn Thư cũng không cho người đuổi bắt. Cách nói rất khéo chỉ gợi sự thật và chuyện cũ ra, chỉ người trong cuộc mới biết.
“Nghĩ cho” là nhớ lại cho, suy nghĩ lại cho:
“Nghĩ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”.
Đối với Kiều, Hoạn Thư đã từng nói với Thúc Sinh:
“Rằng: tài lên trọng mà tình lên thương”.
Tuy “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”, nhưng trong thâm tâm, Hoạn Thư rất “kính yêu” Thuý Kiều. Cuối cùng Hoạn Thư tự nhận tội của mình và xin Kiều rộng lòng tha thứ:
“Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”
Trước những lời kêu ca của Hoạn Thư, Kiều đã phải thừa nhận đây là con người “khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”. Hoạn Thư đã đưa Kiều tới chỗ khó xử “tha ra thì cũng may đời – làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen”. Nàng có răn đe Hoạn Thư nhưng rồi lại khoan dung độ lượng “đã lòng tri quá thì nên”. Hoạn Thư đã biết lỗi, đã xin tha thì Kiều cũng cư xử theo quan điểm triết lý dân gian “đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”!
Qua cách lí lẽ để gỡ tội, có thể thấy Hoạn Thư “sâu sắc nước đời” đến “quỷ quái tinh ma”. Sự việc diễn ra quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Vốn là một người phụ nữ trung hậu, đã từng nếm trải bao cay đắng và ngang trái trong cuộc đời, vả lại Kiều cũng tự biết rằng mình đã xâm phạm đến hạnh phúc của người khác. Tha tội cho Hoạn Thư, Kiều tỏ ra vô cùng cao thượng nhưng điều đó cũng không thể phủ nhận được sự khôn ngoan sắc sảo đến độ của Hoạn Thư.
Lời thoại rất gọn mà sắc đã làm nổi bật tâm lý, tính cách nhân vật Thúc Sinh lành mà nhát sợ; Hoạn Thư thì khôn ngoan, sắc sảo; Kiều rất trung hậu, cao thượng, bao dung. Nguyễn Du đã sáng tạo lên những lời thoại biến hoá đã nói lên chuyện ân oán, cái lẽ đời xưa nay, ca ngợi sự thuỷ chung tình nghĩa, lên án bọn bạc ác tinh ma. Cảnh báo ân, báo oán là một tình tiết rất đậm làm nổi bật tinh thần nhân đạo của “Truyện Kiều”.
Trong cái nhìn của người đời sau, Hoạn Thư hiện lên như là nhân vật tàn độc, xấu xa, nham hiểm với những độc chiêu đánh ghen không ai dám nghĩ tới. Tên gọi Hoạn Thư ngày nay đã vượt ra khỏi giới hạn một danh từ riêng, như là trở thành một “điển tích” cho hạng phụ nữ ghen tuông đến mức mù quáng. Chúng tôi cho rằng, đó là cái nhìn có phần ác cảm và phiến diện. Không phải ngẫu nhiên mà khi viết về nhân vật này, “thái độ của Nguyễn Du đối với Hoạn Thư cũng không đơn giản… Duy chỉ có Hoạn Thư là nhân vật phản diện duy nhất Nguyễn Du không sử dụng bút pháp trào phúng” (Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế lỷ XVIII-hết thế kỷ XIX), tái bản lần thứ 5, Nxb Giáo Dục, H., 2004, tr. 410). Ở một phương diện nào đó, Hoạn Thư cũng đáng thương hơn là đáng trách, và nhân cách nhân vật này vẫn còn những “hạt ngọc lầm lũi” để ta trân trọng.
Theo Tapchivanhoc.com