Phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa | Văn mẫu
Hướng dẫn
(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy Phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
(Bài văn phân tích một bạn chuyên văn trường THPT chuyên Bắc Ninh).
BÀI LÀM
Trong hành trình kiếm tìm “viên ngọc ẩn sâu trong tâm hồn” con người, hẳn Nguyễn Minh Châu đã thấy gì đó? Đọc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhà văn đã phát hiện ra vẻ đẹp khuất lấp trong một bóng dáng người đàn bà hàng chài xấu xí, bất hạnh, ít học. Đây cũng là nhân vật làm nên mạch chuyện và tạo ra nhiều kịch tích bất ngờ.
Nguyễn Minh Châu (1930-1989) được đánh giá là “người mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học” hiện nay. Hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu đi từ thời chiến tới thời bình. Văn Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau năm 1975 chủ yếu tập trung ở mảng đề tài đời tư thế sự bằng cái nhìn cá thể hóa, thấu đáo và đa góc độ. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (1983) của Nguyễn Minh Châu cũng thuộc mảng đề tài này. Nhà văn đã dùng cái nhìn đời sâu sắc và quan niệm sống tiến bộ để xây dựng chân dung nhân vật người đàn bà hàng chài. Nhân vật này vừa là hiện thân cho cuộc sống cơ cực của con người sau chiến tranh, vừa điển hình cho vẻ đẹp phẩm chất người phụ nữ Việt Nam.
>>>Xem thêm: Phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài
Trước hết, chân dung người đàn bà hàng chài có sức bao quát cho toàn bộ kiếp sống cơ cực của người phụ nữ miền biển. Đọc tới cuối tác phẩm, ta vẫn không rõ nên gọi người đàn bà ấy là gì, là “thị”, “chị ta”, “mụ”…? Tác giả đã cố ý mờ hóa tên gọi để từ đó tô đậm lên số phận nhân vật. Chị ta cũng như hàng nghìn người phụ nữ vô danh miền biển, vừa nhọc nhằn, nghèo đói vừa đầy bi phẫn, nghịch lí. Chi tiết cuối truyện “Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất, hòa lẫn trong đám đông” thể hiện một người đàn bà tuy hòa lẫn trong đám đông nhưng lại là nhân vật không lẫn trong bất kì thời đại nào.
Về ngoại hình, người đàn bà hàng chài có vẻ như còn thiếu thốn hơn so với nhiều người cùng cảnh ngộ. Nhân vật được miêu tả bằng những chi tiết đến là thảm hại: “trạc ngoài 40, một thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch”, “tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng”, “đưa một cánh tay lên định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống đưa cặp mắt nhìn xuống chân”… Những chi tiết khắc họa đường nét một người phụ nữ xấu, thô kệch, như sự ghét bỏ mà đóng tạc sơ sài của tạo hóa.
Người đàn bà hàng chài mang số phận bất hạnh. Chị ta cũng từng là con nhà khá giả, có tương lai tốt đẹp. Nhưng cơn bạo bệnh khi đó khiến chị ta bị rỗ mặt thành ra xấu xí về ế chồng. Sau, chị ta có bầu với một người đàn ông lạ và rồi lấy ông ta làm chồng. Sống trong cảnh nghèo đói, con cái nheo nhóc đã đủ vất vả, chị ta còn bị chồng đánh đập. Cứ 3 ngày trận nhẹ, 5 ngày trận nặng, cứ khi nào khổ quá là chồng chị lại “xách” chị ra đánh, nguyền rủa với lời lẽ cay độc “Mày chết đi cho ông nhờ”. Người đàn bà là điển hình cho nạn nhân của đói nghèo và tệ nạn bạo lực gia đình.
Cuối cùng, nhân vật này chính là điển hình cho vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ. Chị ta giàu tình thương và đức hi sinh, luôn biết nhẫn nhục và chịu đựng vì con cái. “Vui nhất là khi nhìn thấy các con mình ăn no”. Chị ta chắt chiu những hạnh phúc nhỏ nhặt đời thường làm niềm vui cho mình. Chị ta thô kệch nhưng cũng có lòng tự trọng khi thấy thằng con trai Phác và nghệ sĩ Phùng chứng kiến mình bị đánh. Chị ta ít học nhưng lại hiểu sâu sắc lẽ đời. Ý thức về sự cần thiết của một người đàn ông khi cả con thuyền lênh đênh giữa biển khơi bão tố khiến chị phải nhẫn nhục mà giữ lấy gia đình. Ý thức về nguyên nhân của nỗi đau và sự biến chất của người chồng là do đói nghèo, nó thúc đẩy chị biết vị tha và thông cảm. Và chính chị cũng ý thức được thiên chức của người phụ nữ: giữ lấy gia đình dù có bất hạnh, đói khổ.
Tóm lại, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đã thể hiện chân dung người đàn bà tuy nghèo hèn, ít học, vô danh nhưng có lòng bao dung, vị tha và đức hi sinh cao thượng. Thông qua đó, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nghệ thuật: cái Chân – Thiện – Mỹ nằm ngay trong những điều tưởng chừng tầm thường, xấu xí nhất.
>>> XEM THÊM:
-
phân tích nhân vật a phủ
-
phân tích bài thơ tây tiến của quang dũng
-
phân tích nhân vật mị trong truyện ngắn vợ chồng a phủ
Theo Tapchivanhoc.com