Phân tích Độc Tiểu Thanh kí để thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà thơ Nguyễn Du đối với những người tài hoa bạc mệnh
Hướng dẫn
Đề bài: Độc Tiểu Thanh kí là tiếng khóc đầy xót xa cho số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh, qua tác phẩm Nguyễn Du cũng thể hiện được tấm lòng nhân đạo sâu sắc khi cảm thông, trân trọng giá trị tài năng của con người. Anh chị hãy phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí để thấy được tấm nhân đạo của Nguyễn Du trước những thân phận tài hoa mà bạc mệnh trong xã hội cũ.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ: Thông qua bài thơ Độc Tiểu Thanh kí, người đọc cảm nhận được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du khi đồng cảm, bênh vực đối với những thân phận bất hạnh trong xã hội xưa.
2. Thân bài
– Độc Tiểu Thanh kí được Nguyễn Du sáng tác dựa trên câu chuyện có thật về nàng Tiểu Thanh, người con gái tài hoa bạc mệnh sống dưới thời nhà Minh của Trung Quốc
– Tây Hồ là một cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Hoa, trong khung cảnh tươi đẹp, hữu tình như vậy hình ảnh nàng Tiểu Thanh hiện lên càng trở nên đáng thương đến ám ảnh.
–> sự rộng lớn đến tịch mịch nơi đây đã chôn vùi tuổi xuân, tự do của người con gái.
– “Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”, câu thơ gợi ra rất nhiều liên tưởng
– hình ảnh “son phấn” và “văn chương” như để hình tượng hóa cho những đau đớn, dày vò cả về thể xác cũng như tinh thần của nàng Tiểu Thanh.
–> “son phấn”, văn chương bỗng chốc trở nên có thần và có số mệnh mà số mệnh của nó gắn liền với chủ nhân của nó, tức chỉ nàng Tiểu Thanh.
– Số phận bất hạnh, nỗi oan kim cổ của nàng Tiểu Thanh không chỉ phải của riêng nàng mà là số phận chung của rất nhiều con người tài hoa vạc mệnh khác nữa.
3. Kết bài
Qua bài thơ tác giả Nguyễn Du không chỉ mang đến cho độc giả câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của Tiểu Thanh mà còn thể hiện nỗi đồng cảm sâu sắc, sự trân trọng giá trị, tài năng của những con người bị chà đạp bởi số phận.
II. Bài tham khảo
Độc Tiểu Thanh kí là sự thương xót, cảm thông của tác giả Nguyễn Du đối với nàng Tiểu Thanh, người con gái bạc mệnh, nạn nhân đáng thương của chế độ phong kiến xưa.Thông qua bài thơ, người đọc cũng cảm nhận được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du khi đồng cảm, bênh vực đối với những thân phận bất hạnh trong xã hội xưa.
Độc Tiểu Thanh kí được Nguyễn Du sáng tác dựa trên câu chuyện có thật về nàng Tiểu Thanh, người con gái tài hoa bạc mệnh sống dưới thời nhà Minh của Trung Quốc, cách Nguyễn Du 300 năm. Tiểu Thanh là cô gái xinh đẹp, tài hoa nhưng số phận bất hạnh khiến nàng phải sống trong cảnh chung chồng. Người vợ cả vì quá ghen tuông mà đã đầy đọa, chà đạp nàng cả về thể xác và tinh thần. Nàng phải sống cô độc những ngày cuối cùng của cuộc đời ở ngôi nhà nhỏ tại núi Cô Sơn.
Khi nàng chết đi, những tập thơ nàng viết cũng trở thành đối tượng bị hủy diệt. Những bài thơ bị đốt chỉ còn xót lại một phần dư. Hai câu thơ đầu gợi ra khung cảnh rộng lớn, hoang tàn của Tây Hồ, nơi Tiểu Thanh đã từng sống cô độc, đau khổ:
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”
Dịch:
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”
Tây Hồ là một cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Hoa, trong khung cảnh tươi đẹp, hữu tình như vậy hình ảnh nàng Tiểu Thanh hiện lên càng trở nên đáng thương đến ám ảnh. Đúng như Nguyễn Du đã từng viết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, Tây Hồ vốn mang trong mình cái tình, nơi gây xúc động lòng người bởi khung cảnh thiên nhiên tuyệt bích. Tuy nhiên nay bỗng hóa gò hoang, bởi chính sự rộng lớn đến tịch mịch nơi đây đã chôn vùi tuổi xuân, tự do của người con gái.
“Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”, câu thơ gợi ra rất nhiều liên tưởng, đó có thể là hình ảnh đơn độc của nàng Tiểu Thanh bên song cửa, bên cạnh là mảnh giấy tàn, là tiếng lòng thổn thức của nàng về số phận. Đó cũng là những tâm sự của chính nhà thơ, thể hiện sự xót xa, đau đớn của Nguyễn Du trước những di vật của Tiểu Thanh và những suy ngẫm về cuộc đời và số phận bất hạnh của nàng.
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”
Dịch:
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)
Trong hai câu thơ này, tác giả Nguyễn Du đã sử dụng hai hình ảnh “son phấn” và “văn chương” như để hình tượng hóa cho những đau đớn, dày vò cả về thể xác cũng như tinh thần của nàng Tiểu Thanh. Từ những vật vô tri vô giác nhưng qua ngòi bút của NGuyễn Du, “son phấn”, văn chương bỗng chốc trở nên có thần và có số mệnh mà số mệnh của nó gắn liền với chủ nhân của nó, tức chỉ nàng Tiểu Thanh.
Từ số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã thể hiện quan niệm đầy chua xót của mình về thân phận của những người phụ nữ, người nghệ sĩ trong xã hội xưa:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Dịch:
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang)
Số phận bất hạnh, nỗi oan kim cổ của nàng Tiểu Thanh không chỉ phải của riêng nàng mà là số phận chung của rất nhiều con người tài hoa vạc mệnh khác nữa.
Như vậy, qua bài thơ tác giả Nguyễn Du không chỉ mang đến cho độc giả câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của Tiểu Thanh mà còn thể hiện nỗi đồng cảm sâu sắc, sự trân trọng giá trị, tài năng của những con người bị chà đạp bởi số phận.
Theo Tapchivanhoc.com