Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội đầy đủ, chi tiết nhất

Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội đầy đủ, chi tiết nhất

Hướng dẫn

Đoạn trích Ra-ma buộc thuộc hồi thứ 6, chương 79 của sử thi Ra-ma-ya-na kể về cuộc hội ngộ đầy xúc động nhưng không kém phần đau khổ của Ra-ma và Xi-ta. Anh chị hãy phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội để thấy rõ nhất những nội dung chủ đạo này.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội

1. Mở bài

Giới thiệu về đoạn trích “Ra-ma buộc tội”:

– “Ra-ma buộc tội” là trích đoạn thuộc hồi thứ 6, chương 79 của thiên sử thi “Ra-ma-ya-na” nổi tiếng của dân tộc Ấn Độ.

– Đoạn trích này đã thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp của những nhân vật lí tưởng như Ra-ma và Xi-ta.

2. Thân bài

– Tóm tắt nội dung đoạn trích

+ Hoàng tử Ra-ma sau khi đánh bại quỷ vương Ra-va-na đã cứu được người vợ Xi-ta quay về.

+ Đứng trước đông đảo công chúng, Ra-ma buộc lòng phải dùng những lời lẽ cứng rắn để ruồng bỏ Xi-ta.

+ Nàng Xi-ta đau khổ và tuyệt vọng đã quyết định nhảy vào dàn lửa mong thần lửa sẽ chứng giám cho tình yêu và đức hạnh của nàng.

– Phân tích lời buộc tội của Ra-ma

+ Lời buộc tội của Ra-ma được mở đầu bằng cách xưng hô “ta- phu nhân” đầy trang trọng cùng thái độ lạnh lùng và xa cách.

+ Ra-ma đã trình bày bổn phận, danh dự của người anh hùng khi cứu vợ mình bị bắt cóc là để trả thù sự lăng nhục.

+ Tuy dùng những lời lẽ sắc lạnh để nói với Xi-ta nhưng lòng Ra-ma lại “đau như dao cắt”.

+ Chàng đã từ chối vợ vì rằng nàng đã ô uế và không xứng đáng với dòng dõi vương giả.

– Phân tích thái độ, hành động của Xi-ta sau lời buộc tội của Ra-ma

+ Xi-ta ngạc nhiên tột độ, đau khổ: “mở tròn đôi mắt đẫm lệ”, “đau đớn đến nghẹt thơ, như một dây leo bị vòi voi quật nát”, “Nước mắt nàng đổ ra như suối”.

+ Tuy nhiên, nàng vẫn bình tĩnh chỉ trích những lời lẽ của Ra-ma:

  • Xem lời buộc tội của Ra-ma là “lời lẽ của một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thập hèn”.
  • Khẳng định tình yêu thủy chung đối với chồng: “…nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng”.

+ Nàng yêu cầu Lắc-ma-na lập đàn hỏa thiêu rồi bước vào lửa với lời nguyện cầu hi vọng thần Lửa A-nhi sẽ làm chứng cho nàng.

– Nhận xét và giải thích hành động của các nhân vật.

+ Ra-ma là người anh hùng, đức vua mẫu mực.

  • giữa lời nói và hành động của Ra-ma hoàn toàn mâu thuẫn.
  • Sở dĩ có sự mâu thuẫn này vì chàng bị đặt vào vị thế buộc phải lựa chọn giữa việc cai trị vương quốc một cách mẫu mực và tình yêu, hạnh phúc cá nhân.
Xem thêm:  Giới thiệu về tác phẩm An Dương Vương – Mị Châu, Trọng Thủy

+ Xi-ta là mẫu phụ nữ lí tưởng của Ấn Độ với những phẩm chất cao quý.

3. Kết bài

Khái quát lại về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích: Thông qua việc sử dụng những phương tiện như ngôn ngữ, cử chỉ để khắc họa tính cách nhân vật, đoạn trích “Ra-ma buộc tội” đã xây dựng những nhân vật lí tưởng mang tính sử thi là Ra-ma và Xi-ta với những phẩm chất cao đẹp, cho thấy mẫu hình người anh hùng và người phụ nữ lí tưởng trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại.

II. Bài tham khảo

Ra-ma buộc tội” là trích đoạn thuộc hồi thứ 6, chương 79 của thiên sử thi “Ra-ma-ya-na” nổi tiếng của dân tộc Ấn Độ. Đoạn trích này đã thể hiện rõ phẩm chất của những nhân vật lí tưởng như Ra-ma- người anh hùng làm tròn bổn phận một người chồng sẵn sàng vào sinh ra tử kể cứu vợ mình cũng như một đức vua mẫu mực dám hi sinh tình yêu vì danh dự và bổn phận và nàng Xi-ta, dù ở trong hoàn cảnh bị quỷ vương bắt cọc nhưng vẫn kiên định giữ gìn tình yêu đối với chồng và đức hạnh cao quý của bản thân.

“Ra-ma buộc tội” kể về câu chuyện sự kiện hoàng tử Ra-ma sau khi đánh bại quỷ vương Ra-va-na đã cứu được người vợ xinh đẹp mà chàng hết mực thương yêu là Xi-ta quay về. Nhưng đứng trước đông đảo công chúng bao gồm anh em, bạn hữu của Ra-ma, đội quân của loài khỉ Va-na-ra và quan quân, dân chúng của loài quỷ Rắc-sa-xa, vì bảo vệ danh dự của một người anh hùng nên Ra-ma buộc lòng phải dùng những lời lẽ cứng rắn để ruồng bỏ Xi-ta. Nàng Xi-ta đau khổ và tuyệt vọng sau khi thanh minh không được, đã quyết định nhảy vào dàn lửa mong thần lửa sẽ chứng giám cho tình yêu và đức hạnh của nàng. Cảnh tượng này đã khiến cho thần dân chứng kiến xúc động và kêu khóc.

Lời buộc tội của Ra-ma được mở đầu bằng cách xưng hô “ta- phu nhân” đầy trang trọng: “Hỡi phu nhân cao quý! Ta đưa nàng đến đây sau khi đã đánh bại kẻ thù” cùng thái độ lạnh lùng và xa cách. Ra-ma đã trình bày bổn phận, danh dự của người anh hùng khi cứu vợ mình bị bắt cóc là để trả thù sự lăng nhục. Tuy dùng những lời lẽ sắc lạnh để nói với Xi-ta nhưng lòng Ra-ma lại “đau như dao cắt” thể hiện mâu thuẫn giữa suy nghĩ và lời nói của chàng. Chàng đã từ chối vợ vì rằng nàng đã ô uế và không xứng đáng với dòng dõi vương giả: “Nay ta phải nghi ngờ tư cách của nàng, vì nàng đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ” và coi vợ chàng giống như “ánh sáng đối với người bị đau mắt” và đưa ra hình phạt là xử nàng án lưu đày: “Nàng muốn đi đâu tùy ý. Hỡi phu nhân cao quý, ta nói cho nàng hay, chẳng chút quanh co, ngập ngừng: nàng có thể để tâm đến Lắc-ma-na, Bha-ra-ta, Xa-tru-na, Xu-gri-va,…”.

Xem thêm:  Tả về ngôi nhà của em

Sau lời buộc tội của Ra-ma, Xi-ta đứng lặng, không thốt nên lời, “mở tròn đôi mắt đẫm lệ”, cho thấy sự ngạc nhiên tột độ của nàng trước những lời lẽ sắc lạnh của Ra-ma. Nàng còn chưa kịp tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc đoàn tụ với người chồng mà nàng một lòng một da thủy chung thì tâm hồn đã bị giày vò, “đau đớn đến nghẹt thơ, như một dây leo bị vòi voi quật nát”. Mỗi một lời nói từ miệng Ra-ma đều “xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên” và rồi “Nước mắt nàng đổ ra như suối”. Nàng cảm thấy nghẹn ngào, nức nở như muốn chôn vùi hình hài của mình vì xấu hổ tột độ. Tuy nhiên, nàng vẫn bình tĩnh chỉ trích những lời lẽ của Ra-ma và xem đó là “lời lẽ của một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thập hèn”. Nàng tiếp tục phản biện những lời nói của chồng bằng việc nêu bằng chứng hùng hồn chứng minh sự thủy chung và cho rằng việc nàng bị Ra-va-na bắt đi chỉ có thể trách số mệnh của nàng. Lúc lí trí tỉnh táo, nàng vẫn một mực bảo vệ danh tiết. Nếu như Ra-ma cho rằng: “Thấy nàng yêu kiều xinh đẹp như vậy, lại có được nàng trong nhà hắn, Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu” thì Xi-ta đã dùng những lời lẽ thấu tình đạt lí để thanh minh: “…nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng”. Và rồi để bảo vệ đến cùng phẩm hạnh cao quý của bản thân, nàng đã hành động một cách quyết liệt, yêu cầu Lắc-ma-na lập đàn hỏa thiêu rồi bước vào lửa với lời nguyện cầu hi vọng thần Lửa A-nhi sẽ làm chứng cho nàng. Hành động của Xi-ta khiến cho công chúng cảm động và kêu khóc thảm thương.

Qua đoạn trích, chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp mang tính lí tưởng của Ra-ma và Xi-ta. Họ trở thành một cặp nhân vật “sánh đôi tri kỉ” làm nên vẻ đẹp của anh hùng ca. Xuyên suốt đoạn trích, chúng ta có thể thấy giữa lời nói và hành động của Ra-ma hoàn toàn mâu thuẫn. Dù bề ngoài chàng tỏ ra mạnh mẽ khi dùng thái độ lạnh lùng và những lời nói xa cách để nói với vợ nhưng trong lòng chàng lại cảm thấy buồn bã, thể hiện qua những hành động: “Ra-ma đức hạnh nghe người nọ kẻ kia thì thào bàn tán ngồi suy nghĩ ủ ê, thầm rỏ nước mắt” hay “ngồi, mắt dán xuống đất”. Sở dĩ có sự mâu thuẫn này vì chàng bị đặt vào vị thế buộc phải lựa chọn giữa việc cai trị vương quốc một cách mẫu mực và tình yêu, hạnh phúc cá nhân. Theo quan niệm trong văn hóa Ấn Độ cổ đại, một vị vua muốn cai trị tốt vương quốc thì trước hết, bản thân vị vua phải là một mẫu mực, trong khi đó, sau khi Xi-ta bị quỷ vương Ra-va-na bắt cóc thì mẫu mực của gia đình Ra-ma hiện đang bị dân chúng nghi ngờ. Ra-ma buộc phải ruồng bỏ Xi-ta để khôi phục lòng tin của thần dân vào sự mẫu mực của gia đình Ra-ma nhằm cai trị tốt vương quốc. Và Xi-ta quả thật đã bảo vệ được sự mẫu mực mà Ra-ma mong muốn. Nàng trở thành một mẫu phụ nữ lí tưởng của Ấn Độ với những đức tính cao đẹp gắn với yêu chồng, thủy chung, nhẫn nại chịu đựng, dũng cảm và vị tha.

Xem thêm:  Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ thích sống "sành điệu". Em hiểu thế nào là "sành điệu"? "Sành điệu" có phải là hư hỏng? Hãy viết bài văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của bản thân

Như vậy, thông qua việc sử dụng những phương tiện như ngôn ngữ, cử chỉ để khắc họa tính cách nhân vật, đoạn trích “Ra-ma buộc tội” đã xây dựng những nhân vật lí tưởng mang tính sử thi là Ra-ma và Xi-ta với những phẩm chất cao đẹp, cho thấy mẫu hình người anh hùng và người phụ nữ lí tưởng trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

thay co1 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *