Phân tích bài thơ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ – Văn mẫu lớp 10 đặc sắc nhất

Phân tích bài thơ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ – Văn mẫu lớp 10 đặc sắc nhất

Hướng dẫn

Đề bài: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ là tâm trạng cô đơn, sầu muộn của người chinh phụ ngày ngày trông ngóng tin tức của người chinh phu nơi chiến trường xa xôi. Anh chị hãy phân tích bài thơ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để thấy hết được những đặc sắc về nội dung của tác phẩm.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Trích đoạn Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ rút từ “Chinh Phụ Ngâm” viết về tình cảm và tâm trạng người chinh phụ phải sống cô đơn, mòn mỏi trong thời gian dài người chồng đi đánh trận, không có tin tức, không rõ ngày trở về đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc.

2. Thân bài

Mở đầu đoạn trích, tác giả đã khắc họa bức chân dung tâm trạng của người chinh phụ trong tình cảnh cô đơn, lẻ loi, ngày qua ngày mong ngóng tin chồng.

+ Giữa một không gian tịch mịch “vắng” và “thưa”, người chinh phụ hiện lên như hiện thân của nỗi cô đơn.

+ Nhịp thơ trầm, buồn, kéo dài như ngưng tụ cả không gian, thời gian.

+ Đêm tối tịch mịch cùng với ngọn đèn khuya leo lét càng đẩy con người ta rơi vào nỗi cô đơn

Con người bây giờ chỉ còn là “bóng người” trống trải, vừa đối xứng, vừa tương đồng và là hiện thân của kiếp hoa đèn tàn lụi.

– Sống trong không gian cô đơn ấy, nàng chỉ biết nhớ về người chồng nơi biên ải xa xôi kia với một tấm lòng thủy chung, sắt son.

Hình ảnh ước lệ “non Yên” đã gợi sự xa cách muôn trùng giữa người chinh phu và người chinh phụ

Xem thêm:  Cảm nghĩ sau khi đọc Sự tích Hồ Gươm

Tâm trạng của người chinh phụ đã lẫn khuất trong hình ảnh, âm điệu của tự nhiên, âm thanh của tiếng trùng hay cũng chính là âm thanh của một cõi lòng tan nát.

–> kết hợp linh hoạt nhiều biện pháp nghệ thuật như so sánh, điệp từ, điệp ngữ, ước lệ với bút pháp tả cảnh ngụ tình tác giả đã thể hiện được tâm trạng cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ khi chồng đi đánh trận không rõ ngày trở về.

3. Kết bài

Dù rằng những vần thơ đã khép lại nhưng nỗi đau của người chinh phụ vẫn còn đó. Niềm khao khát về một hạnh phúc từ đây mà trở thành niềm khao khát của cả một thời đại và thúc giục con người hành động để đạt dành được hạnh phúc mà mình đáng có.

II. Bài tham khảo

Ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVIII, “Chinh Phụ Ngâm” (được diễn nôm từ nguyên tác Hán văn của Đặng Trần Côn) được đánh giá là kiệt tác hàng đầu của văn học cổ điển Việt Nam. Trích đoạn Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ rút từ “Chinh Phụ Ngâm” viết về tình cảm và tâm trạng người chinh phụ phải sống cô đơn, mòn mỏi trong thời gian dài người chồng đi đánh trận, không có tin tức, không rõ ngày trở về đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc.

Mở đầu đoạn trích, tác giả đã khắc họa bức chân dung tâm trạng của người chinh phụ trong tình cảnh cô đơn, lẻ loi, ngày qua ngày mong ngóng tin chồng:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?”

Xem thêm:  Bình giảng đoạn thơ Trao Duyên trong Truyện Kiều

Giữa một không gian tịch mịch “vắng” và “thưa”, người chinh phụ hiện lên như hiện thân của nỗi cô đơn. Ta có thể hình dung hình ảnh một người phụ nữ đang hướng ra xa xăm, hướng về nơi xa xôi kia để mong ngóng tin của người đi xa nhưng không hề có chút hồi đáp. Nhịp thơ trầm, buồn, kéo dài như ngưng tụ cả không gian, thời gian. Và rồi đêm tối tịch mịch cùng với ngọn đèn khuya leo lét càng đẩy con người ta rơi vào nỗi cô đơn:

“Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiếp mà thôi

Buồn rầu chẳng nói nên lời

Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Rõ ràng, người chinh phụ trong đoạn trích hầu như đã mất hết sức sống, số phận con người tựa như tàn đèn cháy kết đỏ đầu sợi bấc. Con người bây giờ chỉ còn là “bóng người” trống trải, vừa đối xứng, vừa tương đồng và là hiện thân của kiếp hoa đèn tàn lụi. Sống trong không gian cô đơn ấy, nàng chỉ biết nhớ về người chồng nơi biên ải xa xôi kia với một tấm lòng thủy chung, sắt son:

“Lòng này gửi gió đông có tiện

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”

Hình ảnh ước lệ “non Yên” đã gợi sự xa cách muôn trùng giữa người chinh phu và người chinh phụ. Dường như nỗi nhớ trong lòng người chinh phụ đã tràn ra cả không gian và thời gian rộng lớn. Trong hình ảnh khoa trương “Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời” có thời gian thương nhớ “đằng đẵng” mà chỉ không gian chia li rộng lớn chỉ kích thước của vũ trụ “đường lên bằng trời” mới sánh kịp. Từ tâm trạng lan ra ngoại cảnh, câu thơ: “Cảnh buồn người thiết tha lòng/ Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun” đã hoàn toàn phơi bày nỗi nhớ thương của người chinh phụ. Khi “tiếng trùng mưa phùn” rung lên ta không còn nghe thấy tiếng của “lòng này” nữa mà là tâm trạng của người chinh phụ đã lẫn khuất trong hình ảnh, âm điệu của tự nhiên, âm thanh của tiếng trùng hay cũng chính là âm thanh của một cõi lòng tan nát.

Xem thêm:  Bình luận về gương, noi gương và nêu gương

Có thể thấy, bằng việc kết hợp linh hoạt nhiều biện pháp nghệ thuật như so sánh, điệp từ, điệp ngữ, ước lệ với bút pháp tả cảnh ngụ tình và ngòi bút miêu tả nội tâm tinh tế tác giả đã thể hiện được tâm trạng cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ khi chồng đi đánh trận không rõ ngày trở về. Đồng thời tác phẩm vừa gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa vừa thể hiện sự đồng cảm của tác giả với khao khát hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ.

Dù rằng những vần thơ đã khép lại nhưng nỗi đau của người chinh phụ vẫn còn đó. Niềm khao khát về một hạnh phúc từ đây mà trở thành niềm khao khát của cả một thời đại và thúc giục con người hành động để đạt dành được hạnh phúc mà mình đáng có.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

hoaphuong 27 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *