Phân tích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và nói lên cảm nghĩ của em

Phân tích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và nói lên cảm nghĩ của em

Gợi ý

“Đất nước” là bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ được sáng tác và hoàn thành trong thời gian khá dài (1948-1955) theo hành trình và phát triển đi lên của đất nước và dân tộc.

“Đất nước” in trong tập thơ “Người chiến sĩ” của tác giả.

Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi thể hiện những cảm nhận vế đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam hiền hoà, đẹp tươi, trong đau thương đã quật khởi đứng lên anh dũng chiến đấu và chiến thắng với sức mạnh phi thường.

1. Vẻ đẹp đất nước khi mùa thu về

Hai câu thơ đầu nói về vẻ đẹp của đất nước khi mùa thu về:

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới.

Nguyễn Đình Thi chỉ gợi sắc thu, khí thu (mát trong), về gió thu về hương thu (hương cốm mới). Một cách viết hàm súc mở ra bao liên tưởng về bầu trời thu trong xanh, bao la và khí thu mát mẻ mơn man hồn người, về gió thu nhè nhẹ thổi từ những cánh đồng lúa mang theo hương cốm mới phả vào lòng người lâng lâng. Đó là vẻ hiền hoà, tươi đẹp của đất nước đã bao đời nay.

Đoạn thơ tiếp theo là hoài niệm của "người ra đi" và "những ngày thu đã xa" – thu Hà Nội:

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

"Chớm lạnh" là cái lành lạnh đầu thu; chỉ có sáng và chiều thu trong buổi thu sơ mới "chớm lạnh” như thế. Hà Nội như mở rộng lòng đón nhận cái "chớm lanh" đầu thu. Hơi may toả khắp mọi nơi. Lá thu, lá vàng rụng bay bay, xoay xoay theo chiều gió, để lại tiếng thu xao xác trên những phố dài.

Cảnh giã biệt phố cũ của "người ra đi" buồn lẳng lạng. Khách chinh phu cùa thời đại "ôm chí nhớn" ra đi, cố nén lại bao tâm tư trĩu lòng. "Đầu không ngoảnh lại” là một tâm thế của li khách. "Người ra đi” xa dần, xa dần năm cửa ô, chốn cũ yêu thương, tuy "đầu không ngoảnh lại”nhưng vẫn cảm thấy có bao nhiêu nắng thu, lá thu “rơi đầy" trên hè phố, thềm đường ở phía sau lưng mình. Nhà thơ tả ít mà gợi nhiều. Tâm trạng của người ra đi buổi sáng sớm đầu thu ngày xưa ấy như vương vấn mang theo một mảnh trời thu Hà Nội với nắng vàng và lá thu rơi. Có nhiều người đã đưa ra các cách ngắt nhịp cảm thụ vẻ đẹp câu thơ cuối đoạn: ngắt nhịp 3/4 hoặc 4/3; lại có người cho rằng nên ngắt nhịp 2/5 để làm rõ chủ thể trữ tình với không gian nghệ thuật:

Xem thêm:  Viết Bài Tập Làm Văn Số 6 Lớp 8 Văn Nghị Luận

Sau lưng/ thềm nắng lá rơi đầy.

Qua đoạn thơ, ta thấy ngòi bút nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi thật là tài hoa. Lời thơ trong sáng, dịu buồn, vẻ đẹp và hồn thu đất nước, hồn thu Hà Nội như được tinh lọc trong tâm hồn tác giả, trở thành hành trang của “người ra đi”.

Cuộc đời đã đổi thay, đất nước đã đổi thay nên vẻ đẹp mùa thu đất nước cũng đổi thay kì lạ. Câu thơ bảy tiếng bỗng co ngắn lại, giọng thơ như một tiếng reo cất lên náo nức:

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Không gian nghệ thuật được nói đến là núi đồi chiến khu, là "rừng tre phất phới" trong gió thu. Cả một trời thu bao la, xao động, tươi sáng lên, ánh lên tươi thắm như “thay áo mới”. Đất nước buổi thu về đẹp tươi lạ thường và dào dạt sức sống. Có sắc thu tiếng thu là âm thanh "nói cười thiết tha" xôn xao. Hình ảnh "tôi đứng vui nghe" biểu lộ một tâm thế, một tư thế, một cảm xúc nhiều thơ mộng, nhiều tự hào trước vẻ đẹp và niềm vui khi đất nước vào thu. Đó là mùa thu chiến khu Việt Bắc, mùa thu kháng chiến thời chống Pháp.

Những câu thơ bảy tiếng, năm tiếng đan xen vào nhau hoà quyện vào nhau tạo nên giọng thơ mạnh mẽ, hào hùng. Hình ảnh đất nước hiện lên tráng lệ hùng vĩ với “trời xanh", với "núi rừng", với những cánh đồng, những ngả đường, những dòng sông… Các tính từ: "xanh, thơm mát, bát ngát, đỏ nặng" là những nét vẽ, những gam màu tô đậm cái hồn đất nước, không chỉ là một giang sơn gấm vóc mà còn biểu lộ biết bao yêu mến tự hào về sự bén vững của đất nước bốn nghìn năm. Các điệp ngữ " là của chúng ta", "những" (cánh đồng, ngả đường, dòng sông) như những nốt nhấn, lúc bổng, lúc trầm của bài ca Tổ quốc, thể hiện ý chí tự lập tự cường và tinh thần làm chủ đất nước của quân và dân ta. Ngọn gió thời đại, ngọn gió của cách mạng và kháng chỉến đã làm cho những vần thơ viết về mùa thu, về đất nước của Nguyễn Đình Thi cất cánh bay lên. Đây là đoạn thơ đẹp nhất trong bài thơ "Đất nước”, trở thành câu thơ trong trí nhớ của hàng triệu con người Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

Khổ thơ tiếp theo, tác giả nói lên những suy ngẫm về đất nước và đân tộc. Lời thơ vang lên như một tuyên ngôn về Tổ quốc và dáng đứng Việt Nam trong trường kì lịch sử:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Câu thơ thất ngôn bỗng rút ngắn lại còn ba tiếng; vần trắc (khuất – đất) như dồn nén lại, thắt lại, làm cho âm điệu thơ trầm hùng thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Tiếng nói của tổ tiên ông cha, tiếng gươm khua trên sông Bạch Đằng, "Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi,… vẫn "đêm đêm rì rầm trong tiếng đất", vẫn "vọng nói về” nhắn nhủ con cháu ngẩng cao đầu đi tới để bảo vệ và xây dựng đất nước hùng cường bền vững đến muôn đời.

2. Đất nước trong máu lửa

Phần thứ hai bài thơ nói về đất nước trong máu lửa. Một chữ "ôi” cảm thán cất lên đau đớn nghẹn ngào:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Các từ ngừ "chảy máu", "đâm nát" gợi tả cảnh đau thương của đất nước đang bị quân thù chiếm đóng, dân ta đang bị quân giặc tàn sát dã man. Luống cày, cánh đồng "chảy máu". Đồn giặc dựng lên khắp nơi. Bầu trời quê hương đang bị "đâm nát” bởi trùng trùng dây thép gai đồn giặc. Người chiến sĩ hành quân ra trận với sức mạnh của lòng căm thù giặc và tinh yêu thiết tha quê hương. Các từ láy “nung nấu”,"bồn chồn” diễn tả thật hay quyết tâm và tình cảm mãnh liệt, sâu sắc ấy.

Trong chiến đấu gian lao và đau thương càng thấy vẻ đẹp quê hương "ngời lên", lòng căm thù giặc càng thêm "sôi sục". Các chữ "bay, thằng, đứa” thể hiện lòng căm thù, sự khinh bỉ của nhân dân ta đối với quân xâm lược:

Thằng giặc Tây, thằng chúa đất

Đứa đè cổ, đứa lột da.

Độc lập tự do là lí tưởng chiến đấu, là niềm tin “đi tới và làm nên thắng trận”. Tác giả phủ định: quân thù "không khoá được", “không bắn được” để từ đó khẳng định sức sống bền vững của đất nước ta, tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Câu thơ như một chân lí lịch sử được cô đúc mà thành:

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Lòng dân ta yêu nước thương nhà.

Cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) là một cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, mang tính chất toàn dân, toàn diên, trường kì, nhất định thắng lợi. Cả đất nước, cả dân tộc quật khởi đứng lên. Cảnh tượng thật hào hùng đang diễn ra khắp mọi miền đất nước, từ rừng núi chiến khu đến khắp các cánh đồng làng quê:

Khói nhá máy cuộn trong sương núi

Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng.

Anh bộ đội Cụ Hồ là người nông dân mặc áo lính. Người anh hùng thời đại là "những người áo vải" là La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, Nguyên Thị Chiên, Bế Vãn Đàn, Tô Vĩnh Diện… là hàng ngàn, hàng vạn thanh niên yêu quý của dân tộc:

Xem thêm:  Phân tích nhân vật ông Tám trong truyện “Đất” của nhà văn Anh Đức

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng.

Con đường ra trận kéo dài hơn ba ngàn ngày khói lửa. Có biết bao máu đổ xương rơi. Trong "nắng đốt" và "mưa giội", trong chiến đấu và hi sinh, niềm tin vào một ngày mai chiến thắng, về đất nước độc lập, hoà bình toả sáng tâm hồn quân và dân ta như ngọn lửa "cháy rực", như ánh bình minh "bát ngát”:

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh

3. Đất nước chiến thắng

Khổ cuối được viết theo thể thơ lục ngôn:

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Namg từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Tác giả đã vận dụng thành ngữ, tục ngữ "tức nước vỡ bờ” để ca ngợi tư thế và sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta. Tác giả cho biết ”Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” là hình ảnh của người chiến sĩ Điện Biên từ các chiến hào dũng mãnh xông lên trong những ngày tổng công kích đầu tháng 5-1954.

"Đất nước” là hồn thơ chiến sĩ, tiêu biểu cho hồn thơ Nguyên Đinh Thi. Viết về chủ đề quê hương đất nước trong chiến tranh; thơ Nguyễn Đình Thi mang tính khái quát, chất trữ tinh đằm thắm kết hợp hài hoà với chất chính luận sâu sắc, để lại một số câu thơ, đoạn thơ đẹp, đầy ấn tượng. Ngôn ngữ thơ tinh luyện, sắc nét, chan chứa nồng độ xúc cảm. Câu thơ biến hoá: thất ngôn, lục ngôn, có lúc đan xen vào câu thơ ba tiếng, năm tiếng đã làm cho giọng thơ biến hoá: lúc man mác, bồn chồn, lúc dồn dập, mạnh mẽ.

Hình tượng đất nước vừa mang vẻ đẹp hiền hoà trong sắc thu, hương thu, mang cái bát ngát hùng vĩ của sông dài, núi cao, đồng rộng, vừa mang tư thế lẫm liệt, hiên ngang của quân và dân ta trong những năm dài kháng chiến.

"Đất nước" là bài thơ kiệt tác, mà người đoc lúc nào cũng cảm thấy mới mẻ, niềm tự hào dân tộc cứ lâng lâng mãi tâm hồn mỗi chúng ta.

Hocvanvanhoc.com

Check Also

top 10 anh hot girl hoc sinh cap 2 viet 6 310x165 - Nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là bạn tốt của con người, con người cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên

Nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là bạn tốt của con người, con người cần yêu mến và bảo vệ thiên nhiên

Đề bài: Anh chị hãy viết bài nghị luận về luận điểm: Thiên nhiên là …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *