Phân tích bài Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

Đề bài: Phân tích bài Cảnh ngày hè

Nguyễn Trãi – một nhân vật lịch sử nổi tiếng được nhiều người nhắc đến với vai trò vừa là một vị quan thanh liêm, đạo đức, có nhân cách cao đẹp, vừa là một nhà thơ tài hoa với nhiều tác phẩm để đời. Thơ ông thường thể hiện tấm lòng yêu nước, thương dân, yêu thiên nhiên, gắn bó thiết tha với thiên nhiên. Và một trong những bài thơ thể hiện dòng tư tưởng ấy chính là tác phẩm “Cảnh ngày hè” (bài số 43 trong “Bảo kính cảnh giới”).

Nếu như Xuân Diệu cũng từng ngập tràn trong cảnh sắc của mùa xuân đang mơn mởn tuôn trào sức sống qua bài thơ “Vội vàng”, thì ở đây Nguyễn Trãi cũng hòa mình vào thiên nhiên đang rực rỡ khoe sắc giữa mùa hè:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương,

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.

Nhịp điệu từng vần thơ như tiếng reo lên hối hả của Nguyễn Trãi trước một “mâm cỗ” đầy đặn của thiên nhiên. Trong đó có hòe lục, có thạch lựu, có hồng liên trì. Điều đặc biệt là tất cả đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ và mãnh liệt đến nỗi tác giả phải sử dụng những động từ rất mạnh: “đùn đùn”, “phun” và sau cùng là “tiễn”. Những từ ngữ ấy cho thấy thiên nhiên đang dồi dào sức sống, và dường như mọi thứ đang tuôn trào từ trong thân cây mà không có bất kỳ một vật cản nào. Giống như tình yêu thiên nhiên đang sôi sục trong lòng tác giả, tuôn trào ra khỏi đầu cây bút và viết lên thành những vần thơ độc đáo này. Phải là người yêu thiên nhiên lắm, và gắn bó tha thiết với thiên nhiên mới có thể có được những cảm nhận tuyệt vời như vậy.

Xem thêm:  Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi và trở về được miêu tả một cách chân thực và đầy ấn tượng. Phân tích để làm sáng tỏ nhận định ấy

Không những thế, Nguyễn Trãi còn là một vị quan rất quan tâm đến cuộc sống của nhân dân. Ông đã có một cái nhìn rất bao quát về cảnh sinh hoạt của mọi người xung quanh mình, qua đó Nguyễn Trãi cũng thể hiện nỗi niềm tâm tư của bản thân:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương”

Cảnh dân làng thu về những mẻ cá đang lao xao buôn bán, trao đổi với nhau, trông thật nhộn nhịp, vui mắt. Cảnh ấy rất yên bình, chân quê và chất phác, gợi lên một cuộc sống giản dị mà êm ấm. Cộng thêm tiếng ve kêu gọi hè càng làm cho không gian buổi chợ thêm náo nhiệt. Nhưng đằng sau những cảnh ấy lại là nỗi lòng của tác giả khi ông nhắc đến “Ngu cầm”. Theo thần thoại Trung Quốc kể rằng hai triều vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn là hai triều đại lí tưởng, xã hội thanh bình, nhân dân hạnh phúc. Riêng vua Ngu Thuấn có khúc hát Nam phong, trong đó có câu: Nam phong chi thì hề khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề (Gió nam thuận thì có thể làm cho dân ta thêm nhiều của). Ngu cầm là đàn của vua Ngu Thuấn. Ý cả câu là: Hãy để cho ta có đàn của vua Thuấn để đàn một khúc Nam phong.

Chẳng phải vô tình Nguyễn Trãi nhắc đến hai triều đại thần thoại của Trung Quốc, mà đó chính là nỗi niềm mong ước của chính ông. Ông mong rằng đất nước mình cũng được hòa bình, thịnh trị, ấm êm và hạnh phúc. Một lý tưởng rất cao đẹp thể hiện nhân cách cao cả của nhà thơ. Cũng như Phạm Ngũ Lão từng hổ thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu. Cả hai vị quan đều sống rất anh minh và luôn ấp ủ nỗi niềm mong mỏi về một non sông giàu đẹp, một đất nước hòa bình, êm ấm.

Nguyễn Trãi đã trực tiếp thể hiện niềm mong ước của mình qua câu thơ cuối:

“Dân giàu đủ khắp đòi phương”

Cuộc đời ông vì sống thanh liêm, vì luôn yêu nước, thương dân nên đã không ít lần lận đận, gian truân vì âm mưu của những kẻ phản nghịch. Nhưng trong lòng của vị quan hiền tài ấy vẫn chưa bao giờ bị lung lay, chưa một lần nào ông thay lòng đổi dạ để thoát thân khỏi những tai ương. Ngược lại, càng khó khăn càng khổ cực bao nhiêu, Nguyễn Trãi lại càng quyết tâm bấy nhiêu. Ông luôn hướng lòng mình đến những điều tốt đẹp, ông sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình cho nhân dân chứ không bao giờ lấy dân để chuộc lợi cho mình. Một vị quan như vậy rất đáng được tôn kính và nể trọng. Nhưng chốn quan trường luôn là vậy, luôn đầy rẫy những hiểm nguy, những gian tà xảo trá, khiến cho người thanh liêm như Nguyễn Trãi gặp phải không ít những tai ương.

Xem thêm:  Phân tích ý nghĩa của hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tấm lòng trong sạch và tình yêu ca cả, thiêng liêng của ông dành cho nhân dân, cho đất nước và cho thiên nhiên vẫn luôn còn mãi, luôn được thế hệ sau trân trọng và noi theo. Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… chính là hai trong số nhiều người đã tiếp bước thực hiện niềm mong mỏi của các thế hệ đi trước về việc xây dựng một đất nước hòa bình, hạnh phúc. Còn ngày nay, cũng không ít những bạn trẻ đang ngày ngày cố gắng học hành để xây dựng tương lai vững chắc, góp phần vào việc làm giàu đẹp cho đất nước.

Bài thơ tuy không có nhiều từ ngữ hoa mĩ, mà chỉ giản dị đúng như tác giả Nguyễn Trãi nhưng vẫn truyền tải tới người đọc những thông điệp ý nghĩa, sâu xa. Đồng thời thể hiện tâm tư, tình cảm của nhà thơ đối với nhân dân, với đất nước, với thiên nhiên. Cho đến nay, tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị và đang được các thế hệ học sinh tìm tòi, học hỏi.

Nguồn: Tài liệu văn mẫu

Check Also

nu sinh 20181115 040157 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *