Vụ thảm án lớn nhất đời vua Lê Hiển Tông xảy ra vào tháng 12-1771. Xuất phát từ việc ghen tức, chúa Trịnh Sâm đã ra tay sát hại thái tử Lê Duy Vỹ, trong khi nhà vua bất lực không thể làm gì để cứu con.
Sử sách chép rằng, khi chúa Trịnh Tùng giúp vua Lê Thế Tông lấy lại kinh thành Thăng Long năm 1592, bắt giết cha con Mạc Mậu Hợp và đuổi dư đảng họ Mạc chạy lánh lên Cao Bằng thì thanh thế Nam triều nổi lên rất mạnh và cũng từ đó, vua Lê bị họ Trịnh quản chế, bức bách rất ngặt; mọi chuyện đều không được tự quyết, nhà vua chỉ khoanh tay rủ áo ngồi giữa triều đình như bù nhìn giữ dưa ngoài ruộng.
Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa, liền lập mưu với gia thần là viên quan hoạn Thiều quận công Nguyễn Kim Đĩnh (chính tên là Phạm Huy Đĩnh, người xã Cao Mỗ, nay là xã Kim Bôi, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình), vu cho thái tử Vỹ thông dâm với cung nữ của Trịnh Doanh, rồi đem tội đó tâu lên hoàng thượng để bắt thái tử bỏ ngục.
Trước đó, trong giếng Tam Sơn ở mé sau điện bỗng có tiếng nổ như sấm. Thái tử dùng thuật số để bói, biết mình sắp gặp nạn, bèn đến nói với nhà vua. Vua Lê Hiển Tông cũng lấy làm lo, vẫn phải luôn luôn cầu nguyện cho con. Kịp tới ngày bị bắt, thái tử biết tai nạn xảy ra đến nơi, liền vào ẩn trong điện ngủ của nhà vua. Thiều quận công dẫn toán lính trước tiên xông thẳng vào Đông cung, định bắt thái tử, rồi mới tâu vua nhưng tìm khắp nơi không thấy. Thiều quận công liền vào điện, kể tội thái tử cho vua nghe, rồi nói rằng: Tôi nghe nói thái tử náu ở chỗ ngủ của bệ hạ, xin hãy bắt giao cho tôi.
Vua Lê Hiển Tông ôm mãi lấy thái tử không nỡ rời ra. Thiều quận công cũng cứ quỳ mãi ở giữa sân điện. Thái tử tự biết mình không thể thoát được, liền lạy trước mặt nhà vua, sau đó ra cho quân lính trói. Sách Đại Việt sử ký tục biên có đoạn viết về việc này như sau: Thiều quận công Nguyễn Kim Đĩnh đưa thái tử về phủ chúa. Trịnh Sâm sai giam lại rồi tra xét và kết thành án, bắt vua ký tên vào. Sau đó, Trịnh Sâm ép vua phải phế thái tử làm dân thường. Rồi Trịnh Sâm lại ép nhà vua lấy người con thứ tư là Lê Duy Cận làm hoàng thái tử.
Ít lâu sau, Thiều quận công sai tay chân vu cáo cho hai nho sinh thi đỗ ở làng Đan Luân là Nguyễn Huy Sưởng (chính là Vũ Bá Sưởng, người làng Đan Luân, nay thuộc Bình Giang (Hải Dương) và Lương Giản (người xã Tào Sơn, huyện Ngọc Sơn, nay là Tĩnh Gia, Thanh Hóa), rằng hai người này âm mưu cướp thái tử ra khỏi ngục để cùng dấy quân làm loạn. Việc này được đưa xuống các quan bàn bạc và bắt Sưởng để tra xét. Giản khi ấy đã kịp bỏ trốn. Còn Sưởng bị đánh đau quá, không chịu nổi roi vọt, đành phải nhận liều. Thế là thái tử phải ghép vào tội thắt cổ.
Sự việc xảy ra thật đáng tiếc cho vua Lê thời bấy giờ. Dường như mọi thứ đều chống lại ông. Vì thế sự mà chính ông phải chứng kiến cảnh con đẻ của mình bị ghép vào tội thắt cổ mà chết. Nguyên cớ gì mà ông lại không điều tra cặn kẽ sự việc để rồi buộc tội thái tử một cách oan uổng.
Xét sâu xa của sự việc trên thì thấy rõ rằng, người trực tiếp gây ra cái chết oan cho thái tử chính là Thiều quận công Nguyễn Kim Đĩnh. Chính Nguyễn Kim Đĩnh đã vu cáo cho thái tử phạm vào một trong những trọng tội không thể dung thứ, đó là tội thất đức.
Lời bàn:
Xét trong lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ đến kim cho thấy sự nhẫn nhịn là bài học tất yếu của mỗi người. Vì từ nhẫn mà con người có thể tinh lọc nhân tâm, hóa giải mâu thuẫn và thậm chí là xung đột. Và trong cuộc sống đời thường thì những việc làm khoan dung, độ lượng cũng được xem là một loại biểu hiện của sự nhẫn nhịn. Và trong thực tế cuộc sống từ xưa đến nay đã có biết bao người nhờ nhẫn mà đã có được đại nghiệp và hóa giải sự thù hận. Vì thế người xưa quan niệm rằng, với bậc đế vương vì nhẫn mà được thiên hạ, tướng lĩnh vì nhẫn mà được lâu dài, thương nhân vì nhẫn mà được giàu sang phú quý và với người dân thường vì nhẫn mà có được tri kỷ. Vì thế, sự nhẫn nhịn luôn là một đức tính truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay của con người. Thế nhưng sự nhẫn nhịn như vua Lê Hiển Tông lại là sự nhẫn nhịn hoàn toàn khác.
Các nhà sử học đời sau đánh giá Lê Hiển Tông là một vị vua điển hình thời trung hưng về sự nhẫn nhịn chịu nhục, nhẫn nhịn khoanh tay rủ áo để được yên vị. Và nhẫn tới mức nhìn kẻ khác vô cớ hãm hại con trai của mình thì quả là nhu nhược chứ không phải là nhẫn nhịn. Khổng Tử có nói rằng: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” và câu này có nghĩa là: Không nhịn được điều nhỏ nhặt sẽ làm hỏng chuyện đại sự. Thế mới hay rằng, sự nhẫn nhịn xưa nay cũng có dăm bảy đường, với nhiều cách hiểu và cách làm khác nhau. Thế nhưng sống như vua Lê Hiển Tông ngày xưa thì quả là chịu nhục và nhu nhược chứ không phải là nhẫn.
Theo Tapchivanhoc.com