Nguyễn Đình Chiểu có viết: Trai thời trung hiếu làm đầu Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Hãy giải thích câu thơ ấy.

Nguyễn Đình Chiểu có viết: Trai thời trung hiếu làm đầu Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Hãy giải thích câu thơ ấy.

Hướng dẫn

Theo quan niệm của xã hội xưa, nam nhi thì phải lấy chữ trung làm đầu, nữ nhi thì phải quyết giữ tiết hạnh. Đó như một truyền thống quý báu của dân tộc mà ngàn đời cha ông đã truyền lại cho con cháu. Mở đầu tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã viết hai câu thơ, nó như một tựa đề để người đọc có thể hình dung được ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm qua tác phẩm:

“ Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”

Sinh ra và lớn lên tại một gia đình quan lại nhỏ ở đất Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu trưởng thành vào giữa thế kỉ XIX, lúc triều đình phong kiến nhà Nguyễn đang suy vong và thực dân Pháp bước đầu xâm lược Việt Nam. Năm 1845, Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài. Năm 1848, cụ ra thi ở kinh đô Huế thì được tin mẹ mất, trở về quê chịu tang và bị mù lòa. Đời gặp nhiều bất hạnh, cụ vừa làm việc thiện vừa dồn ước mơ cao đẹp của mình vào thơvăn. Lục Vân Tiên xuất hiện trong thời kì này đã thể hiện rõ quan niệm làm người của cụ qua hình ảnh Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

Nhà thơ đã có màn giới thiệu ấn tượng về hình ảnh chàng trai họ Lục khiến người đọc có cảm tình với nhân vật ngay chỉ qua vài câu thơ ngắn:

“Có người ở quận Đông Thành

Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền

Đặt tên là Lục Vân Tiên

Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành

Theo thầy nấu sử sôi kinh

Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao

Văn đà khởi phụng đằng giao

Võ thêm ba lược sáu thao ai bì.”

Như lời giới thiệu của nhà thơ, cả cha mẹ lẫn Lục Vân Tiên đều tốt. Cha mẹ thì tu nhân tích đức còn Lục Vân Tiên thì hiền theo thầy nấu sử sôi kinh – văn võ khó ai bì kịp. Ắt hẳn trong thời gian theo thầy nấu sử sôi kinh tháng ngày bao quản sân Tình lao đao ấy, chàng trai học Lục đã học được Trình Hiệu, Trình Di (hai đại nho đời Tống) những bài học làm trai của đức Khổng Tử! Làm trai phải văn võ song toàn để xứng đáng với phong vị đại nhân quân tử. Văn trong con người Lục Vân Tiên không chỉ là chữ nghĩa tinh thông mà còn là đạo làm người. Lục Vân Tiên trong những tháng năm ở cửa Khổng, sân Trình chắc đã tinh tường nghĩa lí của Tam cương, Ngũ thường: đạo vua tôi, thầy trò, cha con, cùng với nhân, nghĩa, lế, trí, tín để trở thành chàng trai gương mẫu. Thế thì tại sao chỉ có trung hiếu, chỉ có vua cha mẹ trong câu thơ đầu? Và phải hiểu như thế nào cho đúng với quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu khi đặt bút viết hai từ ấy?

Khi miêu tả tỉ mỉ về nhân cách cũng như con người Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu không quên vị trí quan trọng của người thầy trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp của Lục Vân Tiên, bởi trong truyện, trước khi quyết định đi thi, Lục Vân Tiên đã băn khoăn, trăn trở nhiều. Từ câu hai mươi lăm đến câu tám mươi bốn trong truyện là hình ảnh người thầy, người Lục Vân Tiên nhớ trên đường đi thi, trước hết cũng là ngùi ngùi lại nhớ nơi học đường. Như vậy, với chàng trai họ Lục có lẽ thầy là người cha thứ hai nên đã biến Tam cương của Nho giáo thành Nhị cương trung hiếu chăng? Nhưng trung hiếu theo quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu cũng như Lục Vân Tiên là gì? Trung quân phải chăng là tuyệt đối trung thành với vua hay chỉ trung thành với quyền lực của chế độ quân vương dưới thời phong kiến? Cũng may, Sở Vương trong Lục Vân Tiên là một vị minh quân không tham quyền cố vị nên Lục Vân Tiên trung thành. Bởi tâm nguyện lập thân trước lo báo hổ, sau là hiển vang nghĩa là Lục Vân Tiên luôn nghĩ đến việc làm tôi trung để báo hiếu thầy, cha mẹ. Tôi trung ở đây không giới hạn ở khoảng thời gian đã làm quan lớn trong triều. Ngay từ khi còn là anh khóa, chàng trai họ Lục đang thực hiện chặng đầu của con đường ấy. Dù chưa là quan, nhưng khi thấy dân khổ vì bọn cướp Phong Lai chàng cũng ra tay cứu giúp. Bị mù rồi cũng được cứu sáng, sau khi về thăm gia đình, chàng cũng lại đi thi. Quyết tâm được tiến cử theo con đường khoa bảng, chẳng phải Lục Vân Tiên muốn biểu hiện tư tưởng trung quân của mình sao? Và sau này, sau khi thi đỗ quan trạng, Lục Vân Tiên đã thực hiện bước cuối cùng của hành động trung quân là cầm quân đánh giặc Ô Qua bảo vệ biên cương của Sở Vương. Trước khi cầm quân chinh phạt giặc:

Xem thêm:  Cảm nghĩ của em về tình bà cháu trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh

“Trạng Nguyên tấu trước bệ rồng

Xin dâng một tướng anh hùng đề binh.”

Hớn Minh trước đây cùng đi thi với Vân Tiên, cũng là người trung nghĩa, người trên đường đi thi đã bẻ đi một giò của Đặng Sinh, con trai của quan huyện đã ỷ quyền cậy thế cưỡng gian con gái nhà lành, chịu tội án đày nên vượt ngục trốn về chùa tu. Hành động của Hớn Minh cũng là hành động của tôi trung không để người xấu làm ô danh chúa. Sau khi được Lục Vân Tiên dâng sớ xin vua tha, Hớn Minh đã cùng Lục Vân Tiên cầm quân diệt giặc Phiên.

Đối với vua với nước Vân Tiên đã tận trung tận hiếu, còn lòng hiếu thảo với cha mẹ, Lục Vân Tiên cũng đã làm tròn, trên đường từ nhà thầy đi thi, dù đã gặp và biết Hớn Minh thi cùng khoa nhưng Lục Vân Tiên vẫn để Hớn Minh đi trước vì chàng còn phải về thăm cha mẹ rồi sẽ theo sau. Đến kinh đô nghe tin mẹ mất ngay lúc nhập trường, chàng đành bỏ thi về chịu tang mẹ:

“Nhớ câu dưỡng dục, lo ơn sinh thành.”

Cuộc đời của chàng trai vô cùng sóng gió, tai họa cứ liên tiếp ập xuống đầu chàng trai trẻ. Chàng trai còn bị cướp đi đôi mắt, sau này khi được thuốc tiên chữa lành đôi mắt, Lục Vân Tiên cũng đã sớm tạm biệt Hớn Minh trở về cùng cha già, đi viếng mộ mẹ trước khi nghĩ đến chuyện thi cử lập công danh.

Xem thêm:  Nỗi nhớ quê nhà cùa người con gái lấy chồng xa

Có thể thấy Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng lên hai nhân vật tiêu biểu với nhân cách phi thường. Hai nhân vật được coi là hiện thân của Nguyễn Đình Chiểu, mượn nhân vật của mình để thể hiện nhân cách cao đẹp trong con người tác giả. Tiêu chuẩn làm trai của Nguyễn Đình Chiểu chính là trung, hiếu, Lục Vân Tiên và Hớn Minh và những nhân vật trong truyện đã làm rõ quan niệm này qua hành vi của họ.

Với nữ giới, Nguyễn Đình Chiểu cho rằng tiết hạnh là hai nội dung, hai giá trị quan trọng hàng đầu đối với phụ nữ so với các đức tính khác. Vậy tiết hạnh la gì? Nói một cách suôn sẻ hơn thì tiết hạnh là giá trị của con gái, chính là sự nết na, mực thước, ngay thẳng và trong sạch trong cuộc sống. Đây làquan niệm đạo đức mang ảnh hưởng của đạo lí Nho gia, tam tòng tứ đức.

Chữ tiết trong Lục Vân Tiên vẫn nằm trong tam tòng. Nàng đã tại gia tòng phụ (làm con đâu dám cãi cha) nên qua Hà Khê, nơi làm việc của thân phụ nàng để liệu bề nghi gia. Nhưng khi gặp Lục Vân Tiên tài hoa, đứng đắn thì nàng đã tự định đạt nghi gia lấy chồng của nàng. Nàng đã vượt quyền hạn cha mẹ hay sao? Không, nàng đã ngay thẳng, trong sáng trình bày sự việc, nỗi lòng của mình cho cha hay, và Kiều Công đã hứa với nàng là:

“Cha nguyền trả đặng ơn này thì thôi.”

Điều ấy có nghĩa là Kiều Công đã ngầm đồng ý. Chính vì vậy mà Kiều Nguyệt Nga đã đặt bàn hương án chúc nguyền thần linh. Chúng ta có thể xem đây là một lễ cưới không có chàng rể, một lễ cưới lạ lùng nhất trong văn học. Kể từ giây phút ấy, Kiều Nguyệt Nga xem như mình đã xuất giá, nàng đã một lòng chờ đợi chàng trai họ Lục, và khi bị đi tiến cử cống Phiên thì nàng đã âm thầm ra đi rồi quyết trầm mình để thủ tiết thờ người chồng chưa thể làm lễ cưới xin.

Còn hạnh thì quá rõ ràng, nàng đã nết na với cha, giữ mực thước với Lục Vân Tiên, với tất cả mọi người. Tứ đức của Nho gia là công, dung, ngôn, hạnh. Hạnh đứng vào hàng thứ tư. Cụ đồ Chiểu đã xếp lên hạng nhất, trong đời sống người con gái cần công, dung, ngôn lắm nhưng có những thứ ấy mà:

“Không có tiết hạnh thì cũng bằng thừa!”

Cụ Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên vào lúc đất nước đang lâm nguy. Triều đình nhà Nguyễn suy vong. Pháp đang lăm le xâm lược đất nước, có lẽ cụ đã nhìn thấy trước điều ấy nên đã nhắc lại đạo lí làm người cho thanh niên nam nữ đương thời. Quan niệm ấy của cụ có còn phù hợp với xã hội ngày nay không?

Xem thêm:  Những câu nói hay về thanh xuân tươi đẹp và rực rỡ nhất trong đời

Hiện nay ã hội đã phát triển hơn nhiều và có những quan niệm mới nhưng vẫn giữ tính truyền thống. Bài học trung hiếu của người trai giờ đây vẫn còn giá trị. Muôn đời, lòng hiếu thảo với cha mẹ vẫn không trôi theo thời gian, theo dòng tiến bộ dù con người có vươn tới khỏi vòng tính toán lợi danh. Nó vẫn là thứ làm cho giá trị của con người thêm tỏa sáng dù ở cương vị nào trong xã hội. Hiếu thảo với cha mẹ thì trung thành với tổ quốc, dân tộc. Người trai hôm nay, ngoài niềm tin vào tôn giáo nào đó nếu có, họ đã hiểu ra, lực lượng nào đã hết lòng với dân, với nước để xứng đáng với lòng trung thành của họ. Họ không còn mù quáng tuyệt đối trung thành với những hôn quân, trung thành với những ai lừa bịp họ như người trai trong chế độ phong kiến luôn bị vây chặt bởi tinh thần quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu để góp sức cho bọn sâu dân mọt nước. Trong tinh thần bình đẳng, đạo trung hiếu không còn dành riêng cho nam giới mà cho cả mọi người, cũng như tiết hạnh không chỉ dành riêng cho nữ giới. Càng sống xã hội văn minh khoa học, luôn bị cám dỗ bởi những dục vọng thấp hèn, phụ nữ ngày nay càng nhận ra tiết hạnh là phẩm chất đáng quý, dĩ nhiên là không tuyệt đối như phụ nữ ngày xưa. Trước một sự việc có quan hệ trực tiếp đến nhân phẩm của họ, họ luôn suy nghĩ chọn lựa hướng giải quyết thuận lợi nhất để bảo vệ hạnh phúc riêng, giữ danh dự cho gia đình, và truyền thống đạo đức của xã hội.

Từ khi Truyện Lục Vân Tiên ra đời, cũng là thời điểm Nguyễn Đình Chiểu đưa ra khung chuẩn đạo đức cho nam nữ thanh niên qua hai nhân vật chính Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, người ta cứ ngỡ là cổ xưa lỗi thời nhưng kì thực vẫn còn giá trị. Trung hiếu, tiết hạnh vẫn là bản chất truyền thống của dân tộc Việt Nam ở bất cứ nơi đâu và vào thời đại nào đối với những ai tự hào mình là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ vậy.

Lòng trung hiếu và tiết hạnh của con người dù ở thời điểm nào cũng quan trọng và cần thiết. Tuy ở mỗi thời kỳ của xã hội quan niệm này có thay đổi đôi chút, nhưng giá trị của nó còn nguyên vẹn. Nếu trong xã hội ngày nay, cả nam và nữ đều đi theo quan điểm của Nguyễn Đình Chiểu thì xã hội tốt đẹp biết nhường nào.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

anh con gai hoc sinh 310x165 - Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Vốn sống của nhân dân ta một phần dựa vào kinh nghiệm được đúc kết …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *