Khi làm dạng đề này cần làm theo ba bước. Bước thứ nhất là giải thích: Bám sát tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu, tránh suy diễn chủ quan, tùy tiện, chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa, phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh trước, rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu. Bước thứ hai là bàn luận. Đầu tiên bàn luận về mức độ đúng đắn, chính xác, sâu sắc của tư tưởng, đạo lí. Khi bàn luận nội dung này, cần lưu ý: Phân tích, chia tách tư tưởng đạo lí thành các khía cạnh để xem xét, đánh giá, dùng lí lẽ, lập luận và dẫn chứng để chứng minh tính đúng đắn, đồng thời bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề tư tưởng, đạo lí. Tiếp theo là bàn luận về mức độ đầy đủ, toàn diện của tư tưởng, đạo lí. Khi bàn luận nội dung này, cần lưu ý: Người viết nên tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Tư tưởng đạo lí ấy đã đầy đủ, toàn diện chưa? Có thể bổ sung thêm điều gì? Người viết cần lật đi lật lại vấn đề, xem xét từ nhiều góc độ, nhiều quan hệ để đánh giá và bổ sung cho hợp lí, chính xác. Bước cuối cùng là rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống. Dưới đây là các bài văn mẫu nghị luận về một tư tưởng đạo lí lớp 9.
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có vô vàn những kinh nghiệm, những lời dạy bổ ích mà ông cha ta để lại. Trong đó những câu tục ngữ nói về ý chí, nghị lực, niềm tin của mỗi con người được nhắc đến rất nhiều, và điển hình là câu tục ngữ: “Có chí thì nên”
Câu tục ngữ “có chí thì nên” có kết cấu ngắn gọn mà hàm súc. Ở đây “chí” có nghĩa là chí hướng, là mục tiêu. Nó còn có nghĩa là nghị lực, niềm tin, ý chí để đạt được mục tiêu mà mình để ra. Còn “nên” có nghĩa là kết quả, là thành công, là điều mình mong ước trở thành hiện thực. Cả câu tục ngữ có ý nghĩa: có chí, có nghị lực, niềm tin thì cho dù công việc có khó khăn, gian khổ đến đâu cũng sẽ vượt qua.
Câu tục ngữ mang ý nghĩa hoàn toàn đúng đắn. Thật vậy, thử hỏi trong cuộc sống có mấy ai không có chí hướng, mục tiêu mà dễ dàng đạt được thành công. Nếu không có chí hướng, con người sẽ làm được gì, sẽ đi đến đâu? Cũng giống như khi đi đường vậy, nếu như không biết được nơi bạn cần đến, mục đích đến thì liệu bạn có đi được không. Ai cũng có một ước mơ. Mọi người ước mơ từ khi còn bé đến lúc sắp từ giã cõi đời. Thời bé, ta hay mơ được trở thành siêu nhân hay cô tiên để giải cứu thế giới. Lớn lên một chút, mục tiêu xác định rõ hơn, ước được học trường chuyên, lớp chọn, được vênh mặt lên với bạn bè. Đến khi trưởng thành lại ước có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc. Khi về già, ta ước con cháu hòa thuận, gia đình sum vầy. Ước mơ thì có rất nhiều nhưng nếu thiếu ý chí, nghị lực và niềm tin thì ước mơ vẫn chỉ là mơ ước. Nếu không có ý thức học, không có niềm tin vào chính mình, khi gặp nghịch cảnh rất dễ nản chí, thất bại thì liệu có được vào những ngôi trường mà mình mơ ước. Nếu không cố gắng làm việc, xây đắp hạnh phúc gia đình thì liệu có được cuộc sống đầy đủ, viên mãn, tròn đầy. Đó chỉ là một vài trong vô vàn ước mơ trong cuộc sống nhưng đã đủ thấy tầm quan trọng của mục tiêu, chí hướng, nghị lực, niềm tin.
Câu tục ngữ có tầm ảnh hưởng lớn đối với xã hội của chúng ta. Đã có biết bao nhiêu người tự đặt mục tiêu cho mình và cố gắng, phấn đấu để đạt được mục tiêu ấy. Câu tục ngữ “Có chí thì nên” còn khẳng định một suy nghĩ, quan niệm đúng đắn: không được ngã lòng, nản chí, luôn sống có ý chí, nghị lực và biết kiên trì, nhẫn nại. Có rất nhiều những tấm gương có ý chí, nghị lực đã làm nên thành công. Như thầy giáo nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ký, mặc dù đã liệt cả hai tay, bằng ý chí và nghị lực, thầy đã tập viết và làm mọi việc bằng hai chân của mình. Hay như Nick Vujicic bị liệt cả tứ chi nhưng luôn lạc quan vui sống, anh là một diễn giả nổi tiếng luôn truyền động lực sống cho mọi người. Câu nói mà anh phát biểu có ý nghĩa vô cùng to lớn: “Tôi là một điều kì diệu. Bạn cũng là một điều kì diệu”.
Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn không thiếu những kẻ thiếu ý chí, nghị lực, niềm tin, làm việc gì cũng hời hợt, không có trách nhiệm, tinh thần trong công việc của mình. Rồi còn có những người mặc dù có ý chí nhưng lại đem điều đó vào những công việc xấu xa, bỉ ổi chỉ để phục vụ cho nhu cầu vật chất tầm thường, những dục vọng xấu xa của bản thân. Những con người quyết tâm giàu có cho dù việc làm tốt hay xấu, quyết tâm phá hỏng công việc của người khác vì trả thù hoặc đem lợi cho mình.
Ý chí đưa ta đến thành công vì thế ngay từ bây giờ chúng ta cần phải rèn luyện bản thân mình có ý chí và nghị lực. Chúng ta cần phải học tập thật tốt, rèn luyện bản thân mình. Đồng thời chúng ta cần phải đề ra các mục đích cao đẹp và quyết tâm thực hiện. Đồng thời không được nản chí trước khó khăn, tìm ra các phương pháp để thực hiện và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Câu tục ngữ “có chí thì nên” bao hàm ý nghĩa sâu xa. Qua đó, ông cha ta đã khuyên nhủ chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại để đạt được thành công.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ
Louisa May Alcott từng nói: “Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ để dệt nên, và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến ước mơ trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin.” Quả đúng như vậy. Niềm tin là một yếu tố vô cùng quan trọng đưa con người đến với thành công.
Niềm tin là chìa khóa vàng mở cánh cửa ước mơ, lí tưởng của mỗi chúng ta. Trong cuộc sống, sẽ có những lúc ta cảm thấy thật yếu lòng, thật mệt mỏi, sẽ có lúc ta vấp ngã tưởng chừng như không thể đứng dậy nổi. Khi bóng tối bủa vây, niềm tin chính là nguồn ánh sáng mạnh mẽ soi đường chỉ lối cho chúng ta, tạo cho con người nguồn năng lượng dồi dào để đứng dậy và bước tiếp. Khi bạn có niềm tin vào một điều gì đó, bạn sẽ nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó, thúc đẩy hành động của bạn. Trái lại, mất niềm tin lại dễ dàng hủy hoại hành động. Thiếu đi niềm tin, con người dễ “rơi tự do” trong một trạng thái mất cân bằng, mất động lực sau mỗi lần thất bại, bị nhấn chìm trong nỗi sợ hãi sau những lần vấp ngã. Steve Jobs, một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, đã đủ dũng khí để tin rằng mình có thể thay đổi cả thế giới, và cùng với tài năng, ông đã biến điều đó thành sự thật khi “định nghĩa lại cả ngành công nghệ và tạo nên một trong những thành tựu hiếm thấy nhất trong lịch sử nhân loại: Thay đổi cách mỗi người nhìn nhận thế giới.” Ông cũng khẳng định rằng: “Đôi khi cuộc đời sẽ ném gạch vào đầu bạn. Đừng đánh mất niềm tin.”
Niềm tin cũng là tiền đề cho niềm lạc quan, niềm vui sống của con người. “Lạc quan là hạt giống gieo trồng trên mảnh đất của niềm tin; bi quan là hạt giống cất giữ dưới căn hầm ngờ vực.” (William Arthur Ward). Tin rằng cuộc đời đáng sống, và rồi chính niềm tin ấy sẽ giúp cuộc đời trở nên “dễ thở” và đáng sống hơn. Niềm tin khơi nguồn những khả năng phong phú nhất tiềm tàng trong bản thân chúng ta. Nó nhen lên trong lòng người những niềm tin tưởng, khát khao tốt đẹp vào bản thân. Có thể tài năng của bạn không quá nổi trội, nhưng nếu bạn có niềm tin và chí tiến thủ, bạn hoàn toàn có thể vươn xa hơn nhiều so với những người có tài năng vượt trội hơn nhưng lại tư ti và hoài nghi chính mình. Bởi để có thể làm được những điều to tát, thì trước hết bạn phải tin vào nó.
Trong tình cảm, đặc biệt là tình yêu lứa đôi, thì niềm tin càng trở nên cần thiết mà thiếu nó, tình yêu không thể tồn tại. Niềm tin kết nối trái tim, làm cho con người yêu thương nhau hơn, gần gũi nhau hơn và tin tưởng nhau hơn. Nhờ đó, thế giới cũng trở nên gắn kết hơn trong một vòng tay lớn.
Tuy nhiên, cũng thật sai lầm, thật mù quáng khi cứ ngờ nghệch tin vào bất cứ thứ gì khi không đủ bằng chứng. Một niềm tin bị đổ vỡ có thể gây ra rất nhiều tổn thương. Khi bạn quyết định chọn tin tưởng, cũng là lúc bạn dám đối đầu với nguy cơ sụp đổ niềm tin. Bởi vậy, đừng vội vàng đặt vào ai đó hay một việc gì một niềm tin tuyệt đối mà hãy giữ lại chút ít cho riêng mình. Để ngay cả khi mất niềm tin vào những gía trị mà ta đã từng vô cùng tin tưởng, ta vẫn còn có thể tin vào chính bản thân mình. “Niềm tin, phải được gia cố bằng lí lẽ. Khi niềm tin mù, nó sẽ chết đi.” (Mahatma Gandhi).
Bạn ơi, xin đừng quên rằng: “Niềm tin tạo ra hiện thực” (William James). Từ lúc này đây, đừng ngại trao đi niềm tin, tin vào chính bản thân mình, tin vào con người, tin vào cuộc đời. Khả năng của chúng ta vẫn lớn hơn nhiều so với những gì ta nghĩ. Niềm tin là điều mà chúng ta cót thể tạo dựng và bồi đắp hằng ngày bằng những hành động hết sức đơn giản, chẳng hạn, bạn có thể bắt đầu ngày mới của mình bằng cách mỉm cười thật tươi trước gương, dũng cảm đảm nhận những công việc mà bạn cho là có thể, không ngừng tự nhắc nhở bản thân rằng: “Tôi có thể”. Thật đáng thương thay cho những trái tim không biết hi vọng, không biết tin tưởng, để rồi giam hãm bản thân trong những nỗi buồn ủ dột mà quên mất rằng cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp biết bao.
Nguồn Internet