Một tâm hồn lớn

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Thánh Tông là hoàng đế thứ 5 của triều Lê nước Đại Việt. Ông trị vì từ tháng 6-1460 đến tháng 3- 1497, tổng cộng 38 năm, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời Hậu Lê – giai đoạn Lê sơ. Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, là con thứ tư của Lê Thái Tông. Cuối năm 1442, hoàng đế Thái Tông mất, thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi (tức Lê Nhân Tông), phong Tư Thành làm Bình Nguyên vương.

Năm 1459, người con cả của Thái Tông là Lê Nghi Dân giết vua Nhân Tông cướp ngôi. Nghi Dân chỉ ở ngôi được 6 tháng. Ngày 6-6-1460, các tể phụ Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm làm binh biến, bức tử Nghi Dân. 2 ngày sau, họ thấy Tư Thành có năng lực nên bàn nhau lập ông làm vua. Lê Thánh Tông lên ngôi hoàng đế, xưng làm Thiên Nam động chủ, đặt niên hiệu là Quang Thuận (sau đổi là Hồng Đức).

Trong 38 năm trị quốc, Lê Thánh Tông đã ban bố rất nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, giáo dục, luật pháp, kinh tế, xã hội, giúp Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và vận hành theo Tân Nho giáo. Thánh Tông còn cải tổ quân đội, trực tiếp chỉ huy các cuộc bành trướng về phía Nam và Tây, mà cụ thể là cuộc xâm chiếm Chiêm Thành năm 1471, Lào và Bồn Man năm 1478. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã cho vẽ bản đồ lãnh thổ Đại Việt, bộ Hồng Đức bản đồ được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, đã bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Xem thêm:  Nhà cải cách thuế

Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Thánh Tông đã giúp Đại Việt quật khởi thành một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có lời nhận định của sử gia Nho thần đời sau về ông: Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được… Tuy nhiên, các nhà biên soạn quốc sử phê phán ông vì xây dựng nhiều công trình, cung điện vượt quá quy mô xưa, khắc bạc với anh em và nhiều phi tần quá nên mắc bệnh nặng dẫn đến cái chết ở tuổi 56.

Ở thời kỳ đầu của nhà Hậu Lê, bộ máy quản lý tại xã, thôn đã được định hình rõ nét với những quy định cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực của bộ máy quản lý cấp cơ sở đã nảy sinh một bộ phận những kẻ có quyền thế lợi dụng địa vị của mình để đè nén, áp bức nông dân cả một vùng. Chúng câu kết với một số địa chủ nhằm lũng đoạn toàn bộ đời sống làng xã, tình trạng này nghiêm trọng nhất ở giai đoạn chính quyền phong kiến suy thoái.

Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã viết: “Cái họa quan lại là một, cái họa cường hào là hai. Chúng làm cho vợ con người ta thành góa bụa, con người ta thành mồ côi”. Thời suy thoái đã vậy nhưng ngay cả khi chế độ phong kiến phát triển cực thịnh thì nạn cường hào vẫn hoành hành khiến triều đình lo lắng, Lê Thánh Tông chính là vị vua đầu tiên tìm cách hạn chế tình trạng xấu này. Theo sách “Thiên Nam dư hạ tập”, vua đã răn rằng: “Nếu cậy chức quyền, âm mưu kiếm lời, những lo đơn độc mưu gian chẳng thành, mà lôi kéo bè đảng làm hại người làm cho phong tục đồi bại. Nếu ai vi phạm vào điều này thì cho phép người biết rõ nộp đơn tố cáo. Nếu tội nhẹ thì phạt trượng, tội nặng thì bị biếm. Nếu xã trưởng làm việc không đúng pháp luật cũng cho phép chọn cử người khác”.

Xem thêm:  Chuyện về Trần Quốc Khang

Tháng 11-1471, Lê Thánh Tông lệnh cho các quan ở Thừa tuyên Sơn Nam đi tra xét tình hình tại các phủ, huyện, xã, nhất tấu trình về tình trạng “cường hào thao túng, xúi giục kiện tụng, phong tục kiêu bạc, dân sinh đau khổ”. Ngày 14-11-1485, vua ban lệnh: “Nếu các cường hào cậy thế đánh người bị thương, chiếm đoạt ruộng đất, tài sản, cày phá phần mộ của người khác từ 3 lần trở lên thì rõ ràng là cường hào lộng hành thì phải trừng trị và nghị tội theo luật”. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” gọi đây là nạn “cường hào hoành hành” và cho biết vua ban lệnh trên theo lời tâu của Tả đô đốc Trung quân phủ, tước Kinh Dương bá Lê Quyền.

Lời bàn:

Đọc lại lịch sử dân tộc, chúng ta thấy rõ tên tuổi và sự nghiệp của Lê Thánh Tông gắn chặt với một giai đoạn cường thịnh của Việt Nam ở nửa sau thế kỷ XV. Ông không những là vị vua anh minh nhất của nhà Hậu Lê mà còn được các sử gia đương thời cũng như hậu thế đánh giá là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Vì chỉ có Lê Thánh Tông mới dám canh tân mọi mặt xã hội một cách căn bản trên nền tảng luật pháp. Đặc biệt với tầm nhìn của vị vua vĩ đại, ông đã thấy rõ nạn tham nhũng là thứ giặc lớn nhất cần phải tiêu diệt. Và với phương cách trị nước “thượng tôn pháp luật”, vua Lê Thánh Tông đã xây dựng được một quốc gia Đại Việt hùng mạnh toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Xem thêm:  Hãy tưởng tượng nghe thấy cuộc cãi vả và dàn xếp của xe đạp, xe máy, xe ô tô

Và hậu thế ngày nay phải kính cẩn tôn vinh Lê Thánh Tông là nhà văn hóa kiệt xuất của nước Việt. Và trên hết, bao trùm tất cả là tấm lòng, là ý thức trách nhiệm của ông trước dân tộc và đất nước. Ước vọng và hoài bão của thiên tài Lê Thánh Tông là “Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại”. Mặc dù bài thơ Lê Thánh Tông đã viết cách đây hơn 500 năm về trước, song chắc chắn sẽ còn rung động mãi lòng người hậu thế, bởi thơ ấy mang khẩu khí của một bậc đế vương hiền tài và chan chứa xúc cảm nhân văn của một tâm hồn lớn!

ND

Check Also

5247396 image 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *