Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Sư Hồi sinh ngày 26-5-1444. Ông là con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, quê gốc ở làng Thượng Xá, huyện Chân Lộc, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cha ông là một đại thần được vua Lê tin sủng, được lịch sử tôn vinh là người “hai lần khai quốc” và mẹ là bà Lê Thị Ngọc Lân, một phụ nữ dòng dõi tôn thất thông minh, xinh đẹp. Được sinh ra trong một gia đình dòng dõi nhà quan lại hết lòng trung hiếu nên Nguyễn Sư Hồi đã sớm thừa hưởng truyền thống danh giá của gia đình.
Ngay từ nhỏ, ông đã biểu lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, lại được cha mẹ mời nhiều thầy đồ giỏi về tư dinh dạy học. Cùng với cuộc sống sung túc của một gia đình quan lớn, thường giao lưu tiếp xúc với con cháu nhà vua và quan lại triều đình, lại theo học tại các võ đường nổi tiếng của đất Thăng Long, ở trường ông chăm chỉ học chữ, học võ, học lễ, còn ở nhà dưới sự kèm cặp của cha và các thầy đồ nho, ông đọc thông kinh sách của đạo Nho, đạo Phật, có kiến thức uyên sâu về văn học, giỏi cả chữ Hán, phong thủy và y học cổ truyền.
Năm 15 tuổi, Nguyễn Sư Hồi đã có thân hình tráng kiện, dáng vẻ oai phong như một võ tướng. Với sự thông minh và khổ luyện, ông đã tiếp thu các bộ sách binh thư, binh pháp của nhiều nhà quân sự lỗi lạc như: Trần Hưng Đạo, Thái Công Vọng, Ngô Khởi, Lý Trình… So với bạn cùng thời, cùng trường, Nguyễn Sư Hồi nổi lên như một ngôi sao ở đất Thăng Long trong các môn như: đấu kiếm, lăn khiên, cưỡi ngựa… Dù sớm là người nổi tiếng với tài văn võ song toàn nhưng dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của gia đình, Nguyễn Sư Hồi vẫn luôn giữ được phong cách, phẩm chất giản dị và có hiếu với mẹ cha.
Rồi trong những chuyến du xuân về quê nội ở làng Thượng Xá, cùng cha bái yết tổ tiên đã dạy cho ông về đạo lý “cây có gốc, nước có nguồn”. Hay những chuyến đi kinh lý tuần du cùng cha đã khiến ông mở mang đầu óc và thấu hiểu được cuộc sống và gần gũi với nhân dân. Chính những điều đó đã tôi luyện, giúp Nguyễn Sư Hồi trở thành vị tướng có tài và yêu dân như con sau này.
Thần phả đền Vạn Lộc và nhiều tài liệu lịch sử địa phương còn lưu truyền đến ngày nay, cho biết: Vào khoảng năm 1469, Thái úy, Đô đốc Nguyễn Sư Hồi được giao chỉ huy lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía Nam quốc gia Đại Việt, gồm 12 cửa lạch kéo dài từ cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào đến Cửa Tùng (Quảng Trị). Ông đã chọn vùng Cửa Xá cạnh làng Thượng Xá quê hương làm đại bản doanh.
Cửa Xá là nơi sông Cấm đổ ra biển. Từ Cửa Xá, theo đường thủy, thuyền đi ngược dòng sông Cấm lên phía tây nam là kênh Kẻ Gai, kênh Chính Đích, rồi gặp sông Lam; từ đó, ngược dòng sông Lam đi lên nữa là các huyện miền Tây Nghệ An. Bao bọc Cửa Xá, ba bề, bốn bên là núi. Phía hữu ngạn Cửa Xá là dãy Tượng Sơn cao trên 200m; phía tả ngạn là ngọn Kiếm Sơn; sau lưng là hòn Động Đình; phía trước mặt là dãy Hoàng Lao… Các ngọn núi này như những bức tường thành tự nhiên che chắn cho Cửa Xá. Cửa Xá cũng từng là địa giới giữa hai huyện Chân Lộc và Hưng Nguyên trong lịch sử. Và câu chuyện mà Thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi lập ra làng Vạn Lộc đến nay nhân dân vẫn lưu truyền với lòng tôn kính ngưỡng vọng.
Tại đây, ông chăm lo công việc tuần tra, xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dài từ Mũi Gươm đến đồn tiền tiêu. Tuyến phòng thủ này không chỉ có tác dụng chắn sóng mà còn là bức tường thành giúp cho sự phối hợp giữa thủy binh và bộ binh được tốt hơn mỗi khi có giặc Chàm sang xâm phạm. Trải qua thời gian, biến đổi dấu tích của kè đá vẫn còn, tuy không nguyên vẹn nhưng đã ghi dấu chứng tích về công lao to lớn của ông đối với nhân dân Vạn Lộc. Bên cạnh mở mang, bảo vệ sự bình yên cho vùng đất, Nguyễn Sư Hồi còn quan tâm phát triển kinh tế, chiêu tập dân cư, dùng các tù binh để khai phát đất đai, đắp đê ngăn mặn.
Lời bàn:
Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì có thể khẳng định, Nguyễn Sư Hồi là người đã có công khai sinh ra làng Vạn Lộc và là một trong những người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi khai lập ra vùng Cửa Lò ngày nay. Và không những thế, bằng kiến thức và tài năng của mình, ông đã truyền dạy cho dân chúng hai nghề chính là nông nghiệp và ngư nghiệp. Nông nghiệp để nhân dân mở mang bờ cõi, đất đai, biết trồng trọt, chăm bón trên chính mảnh đất của mình. Song mạnh nhất là đánh bắt hải sản, bởi nơi đây là một vùng biển hoang sơ với nguồn hải sản phong phú, dồi dào.
Tuy nhiên, người đương thời cũng như hậu thế ngày nay tôn vinh ông không phải vì điều đó mà là ở tấm lòng trung nghĩa, yêu dân như con của ông. Chính ông đã dồn hết tâm sức để xây dựng, phát triển vùng đất Cửa Xá, biến mảnh đất cằn cỗi, hoang sơ thuở ban đầu thành một địa bàn dân cư sầm uất, có tên gọi là làng Vạn Lộc – muôn lộc đổ về đây. Với những đóng góp lớn lao cho quê hương, đất nước nên dù ông đã mất cách đây 510 năm nhưng tên tuổi và công lao khai cơ lập làng Vạn Lộc, nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò mãi mãi được lưu truyền trong sử sách.
Theo Tapchivanhoc.com