Lưỡng quốc thám hoa

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, Phan Kính sinh năm 1715 và mất năm 1761, tự là Dĩ Trực, hiệu Tĩnh Trai, quê làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Vốn thông minh, sáng dạ, khi tuổi nhỏ Phan Kính đã nổi tiếng “thần đồng”. Năm 1722, trong kỳ sát hạch của xã Lai Thạch, bài văn của Phan Kính được xếp thứ nhất. Mùa đông năm 1730, sĩ tử ghi tên trình văn ở Quốc Tử Giám lên tới 400 người mỗi kỳ, cả 2 kỳ năm đó Phan Kính đều đứng đầu, được suy tôn là người đứng đầu “Nghệ An ngũ tuyệt”. Sau nhiều năm lưu học ở Thăng Long, lận đận nơi trường ốc, Phan Kính trở về quê tiếp tục học, lấy vợ, sinh con và tiếp tục dùi mài kinh sử.

Mãi đến năm 1743, Phan Kính trở lại Thăng Long tham dự kỳ thi hội với hơn 3.000 sĩ tử, xuất sắc vượt qua các kỳ thi và bước vào hội thi đình. Quyển thi của Phan Kính được nhà vua ngự phê “Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (đỗ đầu khoa thi với danh vị thám hoa) là học vị cao nhất của khoa thi năm Quý Hợi (do nhà vua không lấy trạng nguyên, bảng nhãn).

Sau lễ xướng danh, dự yến tiệc trong cung vua, Phan thám hoa được vua Cảnh Hưng ban cho áo mũ khôi nguyên, cành hoa bằng vàng, đai lưng bằng bạc khảm đồi mồi, hốt ngà bọc gấm. Tết Nguyên đán 1744, Phan Kính được nhà vua cấp ngựa và tiền về quê vinh quy bái tổ. Các văn thân người huyện La Sơn đang tại chức ở triều đến tiễn chân, các văn thân bản huyện (La Sơn) thì có bức trướng bằng lụa mừng do Xuân Quân công Nguyễn Nghiễm người làng Tiên Điền (là cha đại thi hào Nguyễn Du) soạn văn và Lễ bộ tư vụ Hải thượng thạch trai Lê Tán viết. Nội dung bức trướng ca ngợi, chúc mừng và hy vọng “Ngày nay hầu là vị tân khoa đứng hàng thứ nhất ở sân triều, ngày sau hầu sẽ là đại thần có công bậc nhất, hầu hãy gắng lên”.

Xem thêm:  Một nhân cách đáng kính

Sau 3 tháng nghỉ ngơi, thu xếp việc nhà, tháng 6-1744, Phan thám hoa ra kinh đô Thăng Long và được vua Cảnh Hưng sắc phong cho giữ chức Hàn lâm viện đãi chế chuyên việc cung phụng từ lệnh ở bên vua. Năm 1745, Phan Kính được cử làm Tuyên úy phó sứ đi kinh lý trấn Nghệ An. Đầu năm 1748, triều đình bổ dụng ông giữ chức Hiệp đồng trấn Sơn Tây giúp việc ổn định, trấn an bản xứ. Năm 1749, Phan Kính nhận phụng chỉ làm Tham mưu Sơn Tây đạo, đồng thời kiêm Nhung vụ sự ở xứ Thái Nguyên. Tháng 2-1751, quan nội giám Hầu Bật Trực sau khi kiểm tra miền thượng du về đã bẩm lại với chúa Trịnh Doanh: Từ khi dẹp được giặc đến nay đã 8 tháng, trên rừng thì không nghe tiếng tù và, thanh la, trong nhà thì nghe tiếng đàn, tiếng sáo, từ con trẻ tới cụ già… đều ca tụng công đức của Phan thám hoa như một chúa công.

Năm 1752, nhà vua ban chiếu thăng cho Phan Kính hàm “Đông các đại học sĩ” và điều đi nhậm chức Đốc đồng trấn thủ sự vụ xứ Thanh Hóa. Đầu năm 1756, Phan Kính nhậm chức Thự đốc thị Nghệ An; năm 1759, triều đình tiếp tục cử làm Đốc đồng Tuyên Quang kiêm thừa Chánh sứ. Thời gian này có xảy ra sự lộn xộn của dân chúng ở hai bên biên giới Việt – Trung, triều Lê cử Phan Kính làm Kinh lược sứ, đem theo 500 quân hộ tống lên biên giới hội khám cùng Thống đốc Vân Nam là Kinh lược sứ của nhà Thanh để lập lại kỷ cương, ổn định tình hình miền biên giới giữa hai nước.

Xem thêm:  Thái hậu nhân từ

Cuối tháng 9-1760, triều đình cử Phan Kính sang Yên Kinh yết kiến triều Thanh để nhất trí ký kết văn kiện chính thức về biên giới. Vua Càn Long rất mến phục tài trí của Phan Kính nên đã gia phong cho ông danh vị “Lưỡng quốc đình nguyên thám hoa”, quà tặng có 1 chiếc áo cẩm bào và 2 bức trướng, có ghi 2 dòng chữ “Thiên triều đặc tứ Bắc Đẩu dĩ Nam nhất nhân nhi dĩ” (về phía Nam sao Bắc Đẩu chỉ có một người mà thôi). Do làm việc quá sức, trải qua nhiều gian lao vất vả, lại bị nhiễm chướng khí nơi biên ải, Phan Kính qua đời tại nhiệm sở Hưng Hóa ngày 7-7-1761, khi 47 tuổi, lúc tài năng đang độ phát triển.

Lời bàn:

Theo sử cũ, trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và các triều đại ở phương Bắc đã xuất hiện rất nhiều nhân tài kiệt xuất. Và Phan Kính là một trong số đó – Đốc đồng Tuyên Quang kiêm tham mưu Nhung vụ đạo Hưng Hóa, cai quản cả vùng biên cương rộng lớn. Trên cương vị là Đốc đồng Tuyên Quang kiêm tham mưu Nhung vụ đạo Hưng Hóa, ông đã đấu tranh quyết liệt, không nhượng bộ, bảo vệ chủ quyền biên giới khiến nhà Thanh phải nể phục. Năm 1783, tức 23 năm sau ngày Phan Kính qua đời, để tỏ lòng mến mộ tài năng và đức độ của công thần, vua Lê Hiển Tông đã viết về ông như sau:…Tướng công văn tài đứng hàng đầu nho sĩ, võ lược xếp vào loại tướng giỏi, được trong triều ngoài quận kính trọng, là người có danh vọng cao như sao Bắc Đẩu trong số các bậc sĩ phu ở trời Nam. Chốn miếu đường cũng như nơi chiến địa đều lẫy lừng tiếng thơm, một miền biên thùy phía Bắc đều khen tài lạ. Từng được ban khen vinh hiển. Sống vẻ vang, chết cũng vẻ vang…

Xem thêm:  Tấm gương muôn đời

Vâng, chỉ với bấy nhiêu từ cũng đã là quá đủ để người đương thời cũng như hậu thế khẳng định rằng Phan Kính là một con người tài hoa, ông đã làm rạng rỡ cho dòng họ, quê hương, cống hiến trí tuệ, tài năng và sức lực cho quốc gia, dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cuộc đời và sự nghiệp của Phan Kính là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập. Và người xưa lưu lại giai thoại này không phải để hậu thế xem cho vui trong những lúc trà dư tửu hậu, mà là để người đời sau phải biết sống như thế nào cho xứng với tổ tiên và các bậc tiền hiền.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

thay co1 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *