Một nhân vật lịch sử có những điều khá lý thú nhưng ít được sử sách nhắc tới, đó là bảng nhãn Nhữ Trọng Thai, còn có tên khác là Nhữ Trọng Đài, người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Nhữ Trọng Thai xuất thân trong gia đình khoa bảng có tiếng ở huyện Đường An, ông nội là Nhữ Tiến Dụng đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1664, chú ruột là Nhữ Đình Hiền đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1680, em họ là Nhữ Đình Toản đỗ tiến sĩ năm 1736…
Nhữ Trọng Thai đỗ Đình nguyên đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (bảng nhãn) khoa thi năm 1733, đời Lê Thuần Tông. Trên văn bia khắc tóm lược về khoa thi này như sau: Lúc bấy giờ sĩ tử đăng tên dự thi gần 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Hồ Quýnh 18 người. Tháng 5 triệu vào thi Điện, ban cho Nhữ Trọng Đài đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh; Trần Trọng Liêu, Nguyễn Hồ Quýnh đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, 15 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Gọi loa xướng tên ở thềm rồng, treo bảng vàng tại nhà Thái học, ban mũ áo triều phục, cho hoa bạc yến Quỳnh, thứ lớp ban ơn đều theo điển chương phép cũ, mà việc khắc đá đề tên theo đúng lệ xưa.
Sau khi đỗ đạt, Nhữ Trọng Thai làm quan trải nhiều chức vụ, dần được thăng lên chức Hiến sát sứ. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, bấy giờ, khởi nghĩa nông dân nổ ra nhiều nơi, triều đình Lê – Trịnh phải thường xuyên cho quân tướng đi đánh dẹp. Trong số các lực lượng chống đối triều đình, mạnh nhất là lực lượng của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá; không ít lần quân tướng triều đình bị đánh cho đại bại.
Năm Tân Dậu – 1741, triều đình sai Đặng Đình Luận làm Đốc lãnh thượng đạo Hải Dương, Trần Trọng Liêu và Nhữ Trọng Thai giữ chức Hiệp đồng, đem quân đi đánh. Lúc đó, Tuyển sai người xin hàng, Đình Luận tin lời, không phòng bị. Đêm đến, Tuyển đánh úp doanh trại. Đình Luận, Trọng Liêu và Trọng Thai đều bị bắt, Tuyển cho ở riêng một chỗ. Sau này Tuyển bị thua, bọn Đình Luận trốn về, đều bị lột hết quan chức và tước phẩm. Tính từ khi đỗ đạt đến khi bị cách chức, Nhữ Trọng Thai làm quan chưa đầy 8 năm. Sau khi bị tước hết các chức vụ, ông về quê sống ẩn dật.
Tương truyền rằng vào khoa thi Tân Hợi – 1731, Nhữ Trọng Thai về kinh ứng thí. Theo thông lệ, trước kỳ thi các sĩ tử thường rủ nhau đến Chân Vũ quán ngủ đêm tại đó để cầu mộng. Đêm ấy, thần báo mộng cho Nhữ Trọng Thai biết ông sẽ đỗ trạng nguyên. Khi tỉnh dậy, nghĩ tới giấc mộng mà vui mừng, ông nói với đầy tớ: Sau khi đỗ trạng, ta sẽ cưới con gái nhà quyền quý kia và lấy thêm đất của hàng xóm để xây dinh thự cho rộng rãi. Nghe vậy, người đầy tớ mới hỏi: Cô gái nhà quyền quý kia liệu có chấp nhận để ông lấy về làm vợ lẽ hay không? Còn bà nhà ông sẽ phải giải thích thế nào? Nhữ Trọng Thai đáp: Bà nhà là người phụ nữ quê mùa, thô tục. Ta thấy không cần phải bàn tới làm gì. Người đầy tớ lại hỏi: Vậy còn đất đai của hàng xóm, làm sao ông có thể lấy của họ được? Nhữ Trọng Thai trả lời luôn: Khi đã đỗ trạng nguyên rồi, ta muốn gì mà chẳng được!? Người đầy tớ cho lời ấy là không phải, nhưng biết không khuyên can được nên cũng im lặng. Khoa thi năm ấy, chẳng những không đỗ trạng nguyên mà Nhữ Trọng Thai còn không đỗ đạt gì cả. Ông buồn bã trở về và nhận ra rằng, trong lòng mình chứa đầy những điều thất đức, lời nói của mình vô lễ, ngạo mạn vậy dẫu đã có sự sắp đặt người đỗ trong khoa thi ấy, nhưng vì người được chọn không có đức nên trời giận đổi ý.
Tới khoa thi năm 1733, Nhữ Trọng Thai rất nỗ lực phấn đấu, trước hôm thi ông lại đi cầu mộng, lần này nhiều sĩ tử được thần báo rằng bảng tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) chỉ có duy nhất một người và người đó tên là Thái Công. Bấy giờ ai cũng cho rằng thần báo mộng sai vì khoa thi năm ấy không có ai tên là Thái Công cả, nhưng Nhữ Trọng Thai liền nói rằng đó là điềm ứng vào bản thân ông: Thái Công là tôi chứ ai nữa, khi nói lái sẽ thành Cống Thai, tôi là cống sĩ có tên là Thai. Thái Công là Cống Thai, đích thị là tôi rồi!
Lời bàn:
Hải Dương ngày nay hay xứ Đông ngày xưa nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, được coi là cái nôi của nền văn hóa Việt, là “trấn thứ nhất trong tứ trấn” ở phía đông của kinh thành Thăng Long. Đây là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống lịch sử. Từ xa xưa, xứ Đông đã được coi là “địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao hiền tài – nguyên khí quốc gia, và bảng nhãn Nhữ Trọng Thai là một trong số ấy.
Tiếc rằng, ông sinh ra không gặp thời, vì khi đó triều đình nhà Lê đã ở phần cuối của giai đoạn suy tàn. Các vua Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông đều là vua thiếu niên và mất sớm. Các vua Thế Tông, Thần Tông, Dụ Tông, Hy Tông, Thuần Tông và nhất là Hiển Tông (Cảnh Hưng) sau này là những ông vua “khoanh tay rủ áo”. Mọi chính sách từ ngoại giao, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa đều do họ Trịnh quyết định. Đã vậy, quan lại từ cung vua đến phủ chúa đều ra sức vơ vét của dân. Vì thế, trăm họ lâm vào cảnh lầm than. Một khi đất nước lâm vào loạn lạc, trên cao không còn vua sáng, thì hiền tài như Nhữ Trọng Thai không có đất dụng võ và phải về quê sống ẩn dật cũng là điều dễ hiểu.
Theo Tapchivanhoc.com