Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, khi bị quân Pháp vây bắt tại một căn nhà gần núi Thiên Thai, vua Duy Tân vẫn rất bình tĩnh, sẵn sàng nhận mọi sự đối xử tàn bạo của kẻ thù. Lúc đó, bọn giặc thấy một vật gì cồm cộm giắt bên hông trong áo nhà vua, chúng loay hoay muốn lục soát. Nhà vua hiểu ý, chỉ cái vật ấy và nói với tên khâm sứ và tên chánh mật thám Xô-nhi rằng:
– Mấy ông tưởng cái ni là súng lục hả? Không phải mô. Tui mà có súng thì tui bắn mấy ông chết hết rồi. Đây là cục lương khô thôi!
Bọn giặc tuy bị hạ nhục, nhưng khi ấy chúng cũng được yên tâm. Tên khâm sứ đưa vua Duy Tân về giam trong đồn Mang Cá. Trên đường đi, bọn chúng hỏi nhà vua rằng:
– Nhà vua có ân hận gì về cuộc phiêu lưu vừa rồi không?
Vua Duy Tân đáp một cách thản nhiên: Có chớ!
Tên khâm sứ mừng rỡ hỏi tiếp: Thế nhà vua ân hận như thế nào?
Vua Duy Tân đáp không một chút ngại ngùng rằng:
– Vì ta chưa đánh được người Pháp mà đã bị bắt!
Không khuất phục được ý chí của vua Duy Tân, chúng đem nhà vua về giam ngay sau đó. Chưa hết, bọn thực dân Pháp còn làm áp lực, bắt triều đình và gia tộc nhà Nguyễn phải thay nhau vào trại giam thuyết phục nhà vua bỏ ý chí cứu nước thì chúng sẽ đưa nhà vua trở lại ngai vàng. Nhưng ngay khi đó vua Duy Tân nói rõ ý muốn của mình rằng:
– Ta sẵn sàng trở lại ngai vàng, nhưng muốn ta trở lại, nước Pháp phải thi hành những điều khoản tự chủ của Việt Nam trong hòa ước 1884, nước Pháp bảo trợ cho nước Việt Nam chứ không phải bảo hộ nước Việt Nam. Pháp phải coi ta là một ông vua trưởng thành, trên ta không có hội đồng phụ chánh, Pháp không được nhân danh ta làm những điều thuộc quyền của ta! Điều kiện của vua Duy Tân đưa ra quá cao đối với bọn thực dân, vì thế chúng đã quyết định đày ông đến một nơi xa xứ là đảo Réunion, châu Phi.
Trước lúc nhà vua lên đường, bọn giặc lại cho người đến ban một “ơn huệ” cuối cùng. Tên tay sai Pháp nói:
– Thưa ngài, chúng tôi biết trong nội khố, ngài còn một số tiền lớn, ngài lại có một tủ sách tiếng Pháp rất nhiều. Ngài có cần lấy một ít tiền cầm tay và một số sách để đọc dọc đường không?
Vua Duy Tân đáp:
– Ta làm gì có tiền. Tiền trong nội khố là tiền của dân. Ta là người tù của Pháp, nước Pháp không nuôi được một người tù hay sao mà cần phải cầm tiền theo. Còn nếu người Pháp biết điều, muốn để cho tù nhân đọc sách thì nhà ngươi hãy về lấy cho ta bộ sách Cách mạng Pháp 1783, phải lấy cho đủ bộ!
Tên tay sai đi gặp vua Duy Tân về trình bày lại với quan Pháp, bọn Pháp ngao ngán thở ra:
– Không thể nào khuất phục được con người này.
Sau đó, nhà vua vào Nam xuống tàu đi đày cùng một chuyến với vua cha sang đảo Réunion. Ba mươi năm sau, vua Duy Tân chết một cách bất ngờ khi ông đã được nhận đầy đủ tin tức nước nhà hoàn toàn độc lập sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Lời bàn:
Vua Duy Tân lên ngôi trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, vua cha là Thành Thái đang bị lưu đày. Tuy là vua nhưng thực tế cái ngai vàng ấy chẳng có một chút xíu quyền lực nào. Còn quan lại trong triều đình phần lớn đều là tay sai của thực dân Pháp hoặc có tư tưởng phó mặc cuộc đời cho số phận, miễn sao được yên thân như quan thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Trong hoàn cảnh ấy, tư tưởng chống Pháp manh nha từ lúc còn nhỏ đã ngày càng nảy nở trong lòng vị vua trẻ. Giai thoại trên đã phần nào cho hậu thế thấy rõ tấm lòng yêu nước cũng như khí tiết và khí phách của vua Duy Tân.
Cuộc khởi nghĩa của tổ chức Quang Phục Hội do lãnh tụ Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo tuy không thành công, nhưng đã giúp cho nhiều người thành nhân. Điều đáng quý hơn là cuộc khởi nghĩa đã để lại cho hậu thế bài học cứu nước, giữ nước không thể theo con đường cải lương của một nhóm người nào đó, mà phải bằng sức mạnh của cả dân tộc với đường lối đúng đắn. Và cũng thật đáng mừng là vì trước khi rời khỏi thế gian này, cựu hoàng Duy Tân được biết Việt Nam đã trở thành quốc gia độc lập sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Theo Tapchivanhoc.com