Kể về bà mẹ Việt Nam anh hùng mà em biết hoặc được nghe kể
Hướng dẫn
Đề bài: Bà mẹ Việt Nam anh hùng là những bà mẹ có con chiến đấu và hi sinh ngoài chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước. Em hãy kể về bà mẹ Việt Nam anh hùng mà em quen biết hoặc em được nghe kể.
I. Dàn ý chi tiết
1. Dàn ý 1
a. Mở bài
Khẳng định những nỗi đau mà chiến tranh gây ra: Chiến tranh đã qua đi những những nỗi đau về sự mất mát và vết thương để lại thì không thể nào xóa nhòa được
b. Thân bài
- Tuổi tác và hoàn cảnh của bà: Năm nay bà đã ngoài 70 tuổi nhưng may mắn là sức khỏe của bà còn rất tốt
- Sinh hoạt của bà với mọi người: Mỗi lần chúng em sang chơi với bà nghe tiếng chân là bà đã biết chúng em tới
- Sự quan tâm của làng xóm và chính quyền: Cả làng cả xóm ai cũng biết đến hoàn cảnh của bà, thương bà và biết ơn đến sự hi sinh của bà
- Nỗi đau khôn nguôi của bà: bà nhận được tin con trai mình đã hi sinh tại chiến trường miền Nam ấy, bà đã mãi sống trong cô đơn
c. Kết bài
Cảm nghĩ của em về những bà mẹ Việt Nam anh hùng: Em rất thương bà và cảm phục sự hi sinh vĩ đại của bà cũng như của biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng.
2. Dàn ý 2
a. Mở bài
Giới thiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng: Một trong những ngôi nhà tình thương ấy là dành cho bà Nhàn, một người mẹ Việt Nam anh hùng
b. Thân bài
- Hoàn cảnh của bà mẹ trước khi chiến tranh: Khi chiến tranh tới, cả năm cậu con trai của bà lần lượt đều xung phong ra trận
- Sự mất mát và đau thương bà phải chịu khi chiến tranh kết thúc: đất nước đã hòa bình nhưng cả năm người con của bà đã không một ai còn sống sót trở về
- Những năm tháng sống một mình của bà: Năm nay bà Nhàn đã hơn 90 tuổi, bà vẫn một mình cô đơn trong ngôi nhà nhỏ
- Sự quan tâm chăm sóc của địa phương: địa phương đã quyên góp và xây nhà tình nghĩa cho bà
c. Kết bài
Sự biết ơn của thế hệ ngày nay đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng: Họ là những người phụ nữ tuyệt vời và vĩ đại nhất trong lòng mỗi người dân Việt Nam
3. Dàn ý 3
a. Mở bài
Giới thiệu về bà mẹ Việt Nam anh hùng: Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những nỗi đau mà nó để lại thì chẳng thể xóa nhòa nhất là đối với những người mẹ có con hi sinh trong thời chiến. Gần nhà em có một bà mẹ Việt Nam anh hùng tên là Mây.
b. Thân bài
- Hoàn cảnh của bà Mây: Chồng và ba người con trai đều hi sinh ở chiến trường miền Nam.
- Cuộc sống của bà: Năm nay bà đã ngoài 80 tuổi, sống cô đơn, lủi thủi một mình.
- Bà sống trong một căn nhà nhỏ chính quyền và nhân dân trong xóm đóng góp xây dựng.
c. Kết bài
Sự biết ơn sâu sắc với những bà mẹ Việt Nam anh hùng: Những bà mẹ Việt Nam anh hùng như bà Mây thực sự đáng trân trọng vì những hi sinh thầm lặng nhưng hết sức lớn lao.
II. Bài tham khảo
1. Bài tham khảo 1
Chiến tranh đã qua đi những những nỗi đau về sự mất mát và vết thương để lại thì không thể nào xóa nhòa được. Không chỉ là sự day dứt đối với những người trực tiếp ra chiến trường mà còn đối với cả những người ở hậu phương.
Bên cạnh nhà em là nhà của một người mẹ Việt Nam anh hùng, bà chỉ có một người con trai nhưng đã mãi hi sinh trong chiến trường miền Nam ác liệt, nỗi đau đó đối với bà có lẽ cả cuộc đời này không khi nào nguôi ngoai. Năm nay bà đã ngoài 70 tuổi nhưng may mắn là sức khỏe của bà còn rất tốt, chỉ riêng đôi mắt không còn tinh nhanh nữa.
Mỗi lần chúng em sang chơi với bà nghe tiếng chân là bà đã biết chúng em tới, bà rất quý chúng em, thường dành cho em những quả táo, cái bánh. Em và các bạn nhỏ thường đến thăm và phụ giúp việc cho và, có khi là nhặt rau, quét sân và trò chuyện với bà. Cả làng cả xóm ai cũng biết đến hoàn cảnh của bà, thương bà và biết ơn đến sự hi sinh của bà, dù ngày kháng chiến người ta có khuyên bà đừng cho anh đi, nhưng vì Tổ quốc nguy nan, bà vẫn cố gắng động viên con trai, hi vọng vào một ngày kháng chiến thắng lợi, khi đó con lại trở về.
Nhưng đau buồn thay, ngày kháng chiến toàn thắng, bà nhận được tin con trai mình đã hi sinh tại chiến trường miền Nam ấy, bà đã mãi sống trong cô đơn. Mỗi nám, đến ngày thương binh liệt sĩ 27/7, mọi người trong huyện, xã và địa phương tới nhà bà rất đông, mọi người đều hỏi thăm bà và trao cho bà những món quà tình nghĩa thể hiện sự biết ơn lớn lao.
Em rất thương bà và cảm phục sự hi sinh vĩ đại của bà cũng như của biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng khác trên khắp đất nước Việt Nam. Họ đã sẵn sàng hi sinh máu mủ của mình vì nền độc lập hòa bình Tổ quốc, chẳng có sự hi sinh nào vĩ đại và thiêng liêng hơn thế.
2. Bài tham khảo 2
Trong xã em có một số ngôi nhà tình thương được dựng lên để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Một trong những ngôi nhà tình thương ấy là dành cho bà Nhàn, một người mẹ Việt Nam anh hùng.
Em nghe mẹ kể, ngày xưa bà Nhàn đã đẻ được năm anh con trai, chồng bà vì một lần tai nạn mà đã mất từ sớm, bỏ lại bà cùng năm cậu con trai. Khi chiến tranh tới, cả năm cậu con trai của bà lần lượt đều xung phong ra trận để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi đó bà còn làm lụng và một thân một mình tự lo cho cuộc sống. Khi chiến tranh kết thúc, đất nước đã hòa bình nhưng cả năm người con của bà đã không một ai còn sống sót trở về, họ đã ra đi mãi mãi, một mình bà chờ đợi suốt cho tới tận bây giờ.
Năm nay bà Nhàn đã hơn 90 tuổi, bà vẫn một mình cô đơn trong ngôi nhà nhỏ, trước đây năm bà 70 tuổi bà sống trong ngôi nhà rách nát và mưa dột tứ tung, che đậy khắp nơi. Sau đó địa phương đã quyên góp và xây nhà tình nghĩa cho bà, mọi người xung quanh đó ai cũng thường xuyên qua hỏi thăm và tận tình giúp đỡ bà. Ngày 27/7 mọi người lại cùng đỡ bà đi ra nghĩa trang liệt sĩ lau sạch những ngôi mộ và thắp hương cho những đứa con của mình, khi đó bà rất buồn, nước mắt bà vẫn chảy ra, nỗi đau và mất mát ấy chẳng gì có thể làm nguôi đi. Chứng kiến cảnh đó mọi người và cả em đều không kìm được lòng xúc động xót xa.
Ngày nay chúng ta may mắn được sóng trong hòa bình không chỉ nhờ vào sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người lính mà còn phải biết ơn tới sự hi sinh thầm lặng của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Họ là những người phụ nữ tuyệt vời và vĩ đại nhất trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
3. Bài tham khảo 3
Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những đau thương và mất mất mà nó để lại thì chẳng thể xóa mờ nhất là đối với những người mẹ có con hi sinh trong thời chiến. Gần nhà em có một bà mẹ Việt Nam anh hùng tên là Mây. Bà được mọi người yêu mến và trân trọng bởi những hi sinh thầm lặng nhưng lớn lao trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bà ngoại em kể rằng bà Mây lấy chồng và sinh được ba người con trai. Khi chiến tranh xảy ra cả chồng và ba người con trai của bà đều xung phong vào chiến trường miền Nam để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đến khi hòa bình được lập lại, chồng và các con của bà đã ra đi mãi mãi không trở về để lại cho bà một nỗi đau quá lớn mà có lẽ cả cuộc đời bà cũng sẽ chẳng thể nào quên.
Năm nay bà Mây đã ngoài tám mươi tuổi rồi nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Mắt bà vẫn còn sáng lắm. Đôi mắt ấy hàng ngày vẫn có thể đan áo, đan khăn. Bà sống cô đơn, lủi thủi một mình, sớm chiều bầu bạn với những chú mèo và vườn rau xanh mướt. Mọi người trong xóm ai cũng rất yêu mến, quý trọng và biết ơn bởi những hi sinh to lớn của bà nên đã cùng chính quyền địa phương quyên góp xây dựng một căn nhà nhỏ để tặng bà.
Hàng năm, cứ vào ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7, bà Mây lại ra nghĩa trang để làm cỏ, quét dọn sạch sẽ và thắp hương cho những phần mộ của chồng, của các con bà và cho cả những liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến giành lại độc lập cho dân tộc. Lúc ấy, đôi mắt bà trầm buồn, những giọt nước mắt của bà cũng đã lặng lẽ rơi khiến cho mọi người ai cũng xúc động, xót xa.
Những bà mẹ Việt Nam anh hùng như bà Mây thực sự đáng trân trọng vì những hi sinh thầm lặng nhưng hết sức lớn lao. Yêu chồng thương con nhưng cũng yêu Tổ quốc, họ sẵn sàng đau nỗi đau của riêng mình để làm nên nền hòa bình, độc lập dân tộc.
Theo Tapchivanhoc.com