Kể lại một câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà em thấy xúc động nhất. Hãy nêu ý nghĩa và bài học rút ra – Bài văn hay lớp 8

Kể lại một câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà em thấy xúc động nhất. Hãy nêu ý nghĩa và bài học rút ra – Bài văn hay lớp 8

Hướng dẫn

Câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Bài làm

Gió trở mình len vào khung cửa sổ mang chút hơi lạnh của mùa heo may. Mưa vẫn rơi đều đều trên gác mái… Trời đã về khuya, tôi vẫn ngồi lặng lẽ bên khung cửa sổ nghe những mẩu chuyện về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ” trên đài buổi tối. Em gái tôi ngồi bên cạnh, tự dưng lại ngâm nga hai câu thơ trong bài Bác ơi! của Tố Hữu:

“ Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người! ”

– Ái chà! Cảm hứng thơ văn dâng trào rồi hả! – tôi cố ý trêu.

Nó không nhìn tôi, phớt lờ câu hỏi và yêu cầu:

– Chị ơi, kể cho em một câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác đi!

– Chuyện của Bác Hồ thì nhiều lắm.

– Chuyện nào mà chị thấy xúc động nhất ấy!

– Ừ, chị sẽ kể cho em nghe câu chuyện Quả táo của Bác Hồ.

Mưa đã ngừng, tiếng gió chạy va vào lá cây xào xạc. Không gian im lặng…

Bác Hồ – người Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam ta – là một người rất yêu các cháu nhi đồng. Người thương nhớ các cháu nhỏ mỗi dịp Trung thu, còn tặng vở cho các cháu nhân ngày khai trường,… Người gần gũi, ân cần với tất cả thiếu niên nhi đồng trong nước và quốc tế.

Tôi ngừng lời ngước mắt nhìn cô em gái nhỏ, đôi mắt mở to như thúc giục, tôi tiếp:

– Hôm ấy, tháng tư năm 1946, đất nước vừa trải qua nạn đói khủng khiếp năm 1945. Bác – với danh nghĩa là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – sang Pháp để đàm phán với chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Vẫn áo ka ki bạc màu, vẫn đôi dép cao su đã mòn đế, Bác đi với hình tượng người Việt Nam. Khi Bác đến, ông Đốc lí thành phố Pa-ri mở tiệc long

Xem thêm:  Những stt yêu xa Facebook hút triệu like của giới trẻ

trọng thết đãi Bác Hồ. Và khi chia tay, em biết Người đã làm gì không?

– Em không biết! -nó rụt rè thưa, đầu cúi xuống xấu hổ…

– Không sao em ạ! – tôi an ủi.

Tôi ngước mắt nhìn ra ngoài, nhìn gió uốn lá tre mà lòng bâng khuâng nhớ Bác.

– Ơ kìa, chị không kể nữa à! – em tôi gọi với.

Tôi mỉm cười:

– Có chứ, nghe tiếng gió, chị lại nhớ Người thôi. À, kể tiếp nhé. Lúc ra về, Người đã chọn lấy một quả táo đỏ tươi đẹp nhất, bỏ vào túi.

Em tôi tròn mắt ngạc nhiên làm tôi vô cùng thích thú.

– Ngạc nhiên phải không? Mọi người, kể cả ông Đốc lí hôm ấy đã rất kinh ngạc, trong đầu đặt ra hàng trăm câu hỏi khác nhau: “Bác lấy quả táo về làm gì nhỉ”, “Chủ tịch nước Việt Nam khi đi dạ tiệc về, lại lấy một quả táo bỏ vào túi ư?…”. Không giấu được sự tò mò, xen lẫn ngạc nhiên, mọi người đi theo Bác ra ngoài cửa…

Em tôi nhìn ra ngoài, lắc nhẹ mái tóc, nói một câu bâng quơ:

– Để làm gì nhỉ?

Tôi đằng hắng giọng:

– Đấy, khi ra đến cửa, mọi Việt kiều sinh sống ở đây và cả người Pháp nữa đứng chờ Bác ngoài cửa. Mọi người, ai nấy đều mong được gặp Bác – vị Cha già thân yêu của dân tộc với tất cả nỗi nhớ mong của người con xa xứ… Và… cánh cửa hé mở, Bác bước ra. Nhìn thấy bà con Việt kiều và một số người Pháp, Bác mỉm cười, vẫy tay chào mọi người. Và… trong đám đông ấy, Bác trông thấy một bà mẹ bế con đang cố lách qua đám đông để tiến lại gần Bác… Bác liền giơ tay bế ngay cháu nhỏ. Bất ngờ hơn nữa, Người lấy quả táo trong túi ra, tặng ngay cho em.

– Ồ, thì ra là vậy! Bất ngờ quá. Mọi người có mặt ở đây bắt đầu hiểu ra, lòng rộn ràng vui mừng và thêm cảm phục Bác. Vị Chủ tịch nước có một tấm lòng bao la rộng lớn, là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại mà vẫn luôn luôn dành một vị trí quan trọng cho các em thiếu nhi, đủ thấy Bác yêu trẻ đến mức độ nào.

– Câu chuyện này thật ý nghĩa, phải không chị?

– Đúng đấy! Em còn nhớ không, nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài Theo chân Bác:

” Ô vẫn còn đây, của các em

Chồng thư mới mở, Bác đang xem

Chắc Người thương lắm lòng con trẻ

Nên để bâng khuâng gió động rèm… ”

Trọn một cuộc đời dành cho Đảng, cho nhân dân, Người đến với thiếu nhi như đến với góc bình yên nhất của đời mình. Người luôn quan tâm đến những người già, những cảnh ngộ éo le, các em bé lang thang không nơi nương tựa: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”. Và câu chuyện trên càng cho ta thấy rõ tấm lòng yêu thương bao la của Bác.

… Lao xao… lao xao… lá cây nhẹ nhàng reo cái khúc nhạc muôn đời, nghe sao trầm lắng thiết tha; thì thầm… thì thầm… gió khẽ lay động những khóm cây cạnh nhà. Hai chị ẹm ngồi lặng im, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng của mình. Tôi tiếp:

– Câu chuyện này cũng chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện kể về Bác nhưng chị rất xúc động vì nó còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Người là một vị Chủ tịch nước mà còn luôn nghĩ tới các em, ngay cả các em sống ở nước khác. Quả táo tuy nhỏ, cử chỉ tuy giản đơn nhưng tấm lòng Bác rộng lớn, hơi ấm tình thương toả ra mênh mông. Ai cũng xúc động, thật vui khi thấy mắt Bác Hồ cười!

– Và em biết không? Bé gái nhận được quả táo của Bác đã mang về nhà, không ăn mà chỉ để ngắm. Em coi món quà của Bác là món quà vô giá, món quà ấp ủ tình yêu thương.

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về nhân vật Dế Mèn trong trích đoạn “Bài học đầu tiên” của Tô Hoài

… Hành động của Bác vừa cao cả, vừa đẹp, xuất phát từ trái tim vì nhân dân, luôn trăn trở, lo lắng cho dân. Hình ảnh Bác tặng quả táo cho em bé không những để lại trong lòng chúng ta mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lồng nhân dân thế giới về một Hồ Chí Minh vĩ đại – một con người Việt Nam chân chính, yêu thương, chan hoà với đồng bào, đồng chí.

– Tình thương yêu của Bác thật cao cả và chúng ta cũng luôn dành tình yêu kính, trân trọng nhất với Bác – em tôi xúc động nói.

– Đúng! Nhân dân ta luôn coi Bác là một người cha, người bác, người anh… Chả vậy mà khi nghe tin Bác mất, nhà thơ Trần Đăng Khoa (lúc ấy mới chỉ là một đứa trẻ) đã bật khóc:

“Con buốt ở trong tim này,

Nhớ thương Bác suốt đêm ngày, Bác ơi! ”

Nhưng yêu kính Bác, chúng ta phải học tập thật tốt, cố gắng làm theo “Năm điều Bác Hồ dạy” để xứng đáng với tình yêu bao la của Bác.

– Vâng! Chắc chắn rồi!

Ngoài kia, tiếng gió lại reo và đài lại vang lên khẩu ngữ: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nguyễn Trọng Tín

(Trường THCS Nguyễn Phong Sắc)

>> Xem thêm Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với con vật nuôi tại đây.

Tags:Bài văn hay lớp 8 · Câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

ao dai2 310x165 - Soạn bài Đi Đường của Hồ Chí Minh

Soạn bài Đi Đường của Hồ Chí Minh

Đi Đường của Hồ Chí Minh là một bài thơ độc đáo và hấp dẫn. …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *