Hiểu và nghĩ về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hiểu và nghĩ về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bài làm

Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc với nhiều tập thơ cả bằng chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó “Nhàn” là một bài thơ tiêu biểu cho quan niệm sống đồng thời cũng thể hiện vẻ đẹp nhân cách của tác giả.

Rời xa chốn quan trường tranh giành quyền lợi, Nguyễn Bỉnh Khiêm về ở ẩn với cuộc sống của một lão nông thực thụ:

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Mai, cuốc, cần câu là những dụng cụ lao động cần thiết phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đó  là cuộc sống ung dung, tự tại, tự cung, tự cấp khiến nhà thơ cảm thấy rất thoải mái. Mặc kệ người ta có những thú vui, sở thích khác, tác giả vẫn luôn trung thành với lối sống của mình. Từng nhịp thơ chậm rãi tựa như nhịp sống thanh bình của chính nhà thơ vậy.

Hai câu thực của bài thơ đã thể hiện rõ quan điểm của tác giả về dại, khôn ở trong cuộc sống:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”

Đó là một quan điểm sống khác người, “nơi vắng vẻ” là nơi yên bình, nơi không có sự tranh giành địa vị, danh lợi, “chốn lao xao” chính là chốn người ta tranh giành thậm chí giẫm đạp lên nhau để có được lợi danh. Cái dại của ta thực chất là cái khôn, cái khôn của người thực ra lại là cái dại. Phép đối được sử dụng trong hai câu thơ đã làm câu thơ trở nên nhịp nhàng hơn và cũng thể hiện triết lí nhân sinh của tác giả.

Cuộc sống nơi thôn dã khiến cái tâm của ông được nhàn hạ theo đúng nghĩa.

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”

Cuộc sống hòa hợp với tự nhiên và thưởng thức những sản vật đặc trưng của núi rừng cho thấy sự thanh cao, thoát tục của Nguyến Bỉnh Khiêm. Ông sống thuận theo quy luật tự nhiên, mùa nào thức đó và mùa xuân thì tắm hồ, mùa hạ thì tắm ao. Cuộc sống ấy thật đạm bạc và yên bình biết mấy.

“Rượu, đến cội cây,ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Tác giả đã lấy điển tích Thuần Vu Thần say đến lú lẫn, nằm mê man dưới gốc cây hòa mà ngỡ tưởng mình đang ở nước Hòe An, được hưởng công danh phú quý, tỉnh dậy thì hóa ra đó là giấc mộng, dưới cành hòe phía nam chỉ có tổ kiến mà thôi để làm bài học cho chính mình và cho người đời. Rượu sẽ làm cho con người lú lẫn, mơ tưởng. Nhưng phải giữ được sự tỉnh táo nhất định để nhận ra phú quý vinh hoa cũng chỉ là phù du dễ được dễ mất. Thứ ta cần trong cuộc sống này chính là sự an yên ở tâm hồn mình. Tâm có nhàn thì thân mới nhàn.

Bài thơ “Nhàn” đã thể hiện một triết lí sống mới mẻ, khác người, khác đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhàn ở đây nghĩa là sống hòa hợp với tự nhiên và rời xa chốn quyền quý để giữ cốt cách thanh cao, sống cuộc đời của kẻ “an bần lạc đạo”. Bài thơ ra đời cách chúng ta hàng mấy trăm năm nhưng giá trị của bài thơ vẫn vẹn nguyên và mang tính thời sự. Bởi lẽ bon chen, giành giật rồi cũng dẫn đến những hành động xấu xa, bất nhân bất nghĩa. Vậy nên, ông lựa chọn cuộc sống thôn dã để giữ cái tâm mình trong sạch.

Check Also

7293 1494911290065 1020 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *