Giới thiệu về Đoàn Thị Điểm – Dịch giả của bài thơ Chinh phụ ngâm khúc
Hướng dẫn
Đoàn Thị Điểm là một trong những gương mặt nhà thơ nữ tài năng bậc nhất của nền văn học Trung đại Việt Nam. Cùng với những sáng tác có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, bà còn là dịch giả của bài thơ Chinh phụ ngâm khúc. Bài giới thiệu về Đoàn Thị Điểm dưới đây sẽ mang đến những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của bà.
I. Tiểu sử tác giả
Đoàn Thị Điểm (1705 – 1749) có hiệu là Hồng Hà Nữ Sĩ, là nữ sĩ Việt Nam thời Lê trung hưng. Quê bà ở làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà được mệnh danh là một phụ nữ nổi tiếng: “Đẹp người, đẹp nết, giỏi văn chương”.
Đoàn Thị Điểm là con gái ông Đoàn Doãn Nghi, bà gốc họ Lê, đến đời phụ thân mới chuyển sang họ Đoàn. Từ nhỏ, bà đã có tiếng thông minh, đẹp người, đẹp nết, chăm học, có tài văn và giỏi cả việc nữ công. Cho nên năm 16 tuổi, bà được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi để sau dâng lên chúa Trịnh, nhưng bà không chịu.
Đoàn Thị Điểm sống với cha và anh ở nơi cha dạy học là làng Lạc Viên (huyện An Dương, tỉnh Kiến An, nay thuộc thành phố Hải Phòng) cho đến khi cha mất mới cùng gia đình của anh dời đến ngụ ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Đến khi anh mất (năm 1735), bỏ lại một đàn con nhỏ, một mình Đoàn Thị Điểm phải vừa làm thuốc, vừa dạy học để có tiền nuôi mẹ và giúp đỡ chị dâu nuôi các cháu. Đến năm 33 tuổi bà trở thành vợ ông Nguyễn Kiều – văn hào nổi tiếng ở làng Phú Xá (nay thuộc xã Phú Thượng, Từ Liêm, Hà Nội).
2. Sự nghiệp sáng tác
– Đoàn Thị Điểm – Dịch giả của Chinh phụ ngâm khúc
Dù tình duyên muộn màng, nhưng đã mang lại cho nữ sĩ một gia đình hạnh phúc. Đây cũng là cơ sở cho sự nghiệp sang tác văn thơ của bà. Lấy chồng được một tháng, năm 1743 ông Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ Trung Quốc. Đến năm 1745, trong khoảng thời gian xa chồng đằng đẵng, nhận được bản Chinh phụ ngâm khúc viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn, đồng cảm với tâm trạng của người chinh phụ đó, bà đã dịch Chinh phụ ngâm ra thơ Nôm. Đây được xem là tác phẩm ưu tú nhất của nền thi văn trung đại Việt Nam và chính tác phẩm này đã đưa tên tuổi của bà lên đến đỉnh cao trong nền văn học nước nhà.
– Đoàn Thị Điểm là tác gia lớn của văn học Trung đại Việt Nam
Tên tuổi của Đoàn Thị Điểm đã được xếp vào vị trí là một tác gia lớn của nền văn học thời trung đại với bút pháp đa dạng, vừa giỏi văn Hán, lại cũng vừa giỏi thơ Nôm. Ngoài bản dịch Chinh phụ ngâm, bà còn là tác giả tập truyện ký, Truyền Kỳ Tân Phả và một ít thơ văn câu đối chữ Hán, chữ Nôm được lưu giữ trong Hồng Hà phu nhân di văn. Đó đều là những tác phẩm chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, tư tưởng lớn lao vì dân vì nước của một người phụ nữ tài hoa.
Có thể nói, Đoàn Thị Điểm là một ngôi sao sáng trong hàng ngũ nữ sĩ tại Việt Nam. Và các tác phẩm của bà đã góp phần không nhỏ cho sự đa dạng của nên văn học nước nhà.
Theo Tapchivanhoc.com