- “Mùa xuân là Tết trồng cây
- Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”
Bài văn dưới đây là bài nghị luận giải thích câu nói của Bác. Để làm được bài văn này các em cần chú ý giải mã các từ khóa, nêu những cơ sở để trả lời câu hỏi vì sao Bác lại nói như vậy, cần ngắn gọn và chính xác trong cách dung từ để bài văn được sắc bén hơn.
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 GIẢI THÍCH:”MÙA XUÂN LÀ TẾT TRỒNG CÂY/LÀM CHO ĐẤT NƯỚC CÀNG NGÀY CÀNG XUÂN”
Bác Hồ là vị cha già của dân tộc, Người luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống con người kể cả những việc nhỏ nhặt nhất. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà nhà người người đều nô nức đón xuân, ai ai cũng đều nghĩ đến lời Bác đã dặn:
- “Mùa xuân là tết trồng cây
- Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”
Câu nói của Bác đã gieo vào lòng người đọc nhiều suy ngẫm. “Xuân” trong câu thơ đầu tiên là mùa xuân của đất trời, là mùa thuộc về thế giới tự nhiên, còn “xuân” trong câu thơ tiếp theo lại là mùa xuân của sức sống mãnh liệt, của sự trẻ trung nơi lòng người hay trong lòng Tổ quốc? “Tết” ở đây không phải là cái Tết nguyên đán ta đón mỗi dịp năm mới đến, mà dung cách nói ẩn dụ, bác đặc biệt nhấn mạnh mùa xuân, mọi người cùng nhau trồng cây vui như Tết. Bằng cách nói hình ảnh, kết hợp với những câu thơ rất mộc mạc, giản dị, tự nhiên, Bác đã nhắc nhở mọi người rằng hãy trồng cây xanh để tô đẹp cho đất nước, để gìn giữ vẻ đẹp xuân sắc cho tổ quốc ngày nay.
Mùa xuân là mùa thích hợp để trồng cây, vì đó là mùa trăm hoa đua nở, chồi non lộc biếc thi nhau nảy mầm. Mùa xuân là khi cơn gió trời thổi nhẹ làm rung rinh từng ngón cỏ, là cái nắng nhẹ nhàng xua tan hơi lạnh và gọi các mầm cây cùng đứng lên tận hưởng và làm đẹp cuộc sống. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Người chọn mùa xuân là mùa của việc trồng cây. Thiên thời, địa lợi, cây cối sinh sôi trong những tháng ngày này mới mang một sức sống mãnh liệt vô cùng. Cây xanh là lá phổi của thiên nhiên, nó giúp ta điều hòa không khí, hấp thụ thán khí và nhả ra dưỡng khí khiến bầu trời của ta thanh sạch hơn. Cây xanh ở đầu những con nước lớn sẽ ngăn chặn lũ mỗi khi mùa mưa về, tránh nguy cơ sạt lở và xói mòn đất đai. Không những vậy, trồng cây còn là việc tô điểm cho sắc xanh của đất nước, khoác lên một bộ cánh mới đầy tươi trẻ cho tổ quốc thân yêu. Vì vậy, trồng cây là việc của muôn nhà, của muôn người.
Bác Hồ nói, mùa xuân là “Tết trồng cây”, không đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ trồng cây vào những ngày tết mà trong cả mùa xuân ta cần trồng cây. Chữ “Tết” gợi nên một không khí sôi động, vui vẻ, khiến công việc trồng cây vốn mang đầy ý nghĩa bỗng trở nên vui vẻ như một hội xuân. Và từ ấy, ta lại có thêm một truyền thống mới, phong tục trồng cây trong mỗi dịp tết đến xuân về. Bác nói rõ mục đích của việc trồng cây là điểm tô cho đất nước để đem lại sinh khí cho một vùng đất vốn có truyền thống lâu đời. Thời gian trôi đi, đất nước ngày một hiện đại, những nhà máy mọc lên như nấm cũng đồng nghĩa với việc bầu không khí của ta đang bị ô nhiễm nặng nề. Vì vậy, trồng cây xanh không chỉ là để làm đẹp, mà còn để giữ gìn cho sự trong sạch của trời đất, để đem lại một luồng sinh khí vĩnh cửu, đem lại sức sống và mùa xuân mãi mãi cho dân tộc. Thế mới đấy vị chủ tịch kính yêu của chúng ta biết nhìn xa trông rộng cỡ nào. Không chỉ có ý nghĩa với lúc bấy giờ mà cho cả hôm nay và mai sau nữa, câu nói và lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị nhận thức cho cả một lớp người.
Câu thơ của Bác đã đề ra yêu cầu và trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là lớp trẻ chúng ta rằng phải biết trồng cây gây rừng để gìn giữ sự trong lành, bảo vệ môi trường sống. Bài học ấy, lời nhắc nhở ấy sẽ âm vang mãi trong lòng người đọc như một bức thông điệp sống có ý nghĩa ngàn đời.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 GIẢI THÍCH:”MÙA XUÂN LÀ TẾT TRỒNG CÂY/LÀM CHO ĐẤT NƯỚC CÀNG NGÀY CÀNG XUÂN”
Cứ mỗi khi đào mai khoe sắc thắm,mọi người lại háo hức vì Tết cổ truyền – khởi đầu của một năm mới. Không chỉ thế còn khiến nhà nhà hào hứng vì phong trào tết trồng cây mà Bác kính yêu đã từng có lời căn dặn:
- Mùa xuân là Tết trồng cây
- Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Trong bốn mùa của đất nước, mùa xuân có khí hậu ấm áp, ôn hòa làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở, khác hẳn với mùa đông khắc nghiệt. Đây là mùa thích hợp cho việc trồng cây. Bác đã nhắc nhở mọi người phải trồng cây để quanh ta có bầu không khí trong lành để chúng ta sống khỏe mạnh hơn. Trồng cây để chúng ta tô điểm cho cuộc sống trở nên xanh tươi hơn, gần gũi, hòa hợp với thiên nhiênTừ đó, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của dân tộc ta trong những ngày xuân. Ở câu thơ thứ hai, Bác Hồ nêu rõ mục đích của Tết trồng cây là làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Từ xuân ở câu thơ này không giống như từ xuân ở câu thơ đầu. Nó không còn là tên của một mùa trong năm (danh từ) mà đã chuyển thành tính từ chỉ sự tươi trẻ và sức sống tràn đầy của đất nước đang trên đường phát triển.
Vậy vì sao chúng ta lại phải cần tham gia phong trào tết trồng cây? Xét về tác dụng của cây xanh đối với môi trường thì có thể ví cây xanh là lá phổi thiên nhiên kì diệu. Cây xanh trong quá trình quang hợp đã thải ra khí ô xi – một loại khí rất cần thiết cho sự sống của con người và thu vào khí các bô níc – một loại khí gây ô nhiễm môi trường nhờ vậy mà vai trò to lớn của cây xanh là giúp điều hòa khí hậu, con người luôn được sống và làm việc trong một bầu không khí trong lành. Không những thế cây xanh còn giúp ngăn ngừa những thảm họa thiên nhiên.Thực tiễn cho thấy những nơi nào việc chặt phá rừng xảy ra phổ biến thì những nơi đó hay xảy ra các thiên tai như lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất…ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người dân vùngđó. Vì vây việc trồng nhiều cây xanh, đặc biệt là những nơi hay xảy ra lũ quét có ý nghĩa vô cùng to lớn, làm hạn chế các thiên tai vào đất liền. Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên. Đất nước xanh tươi, con người khỏe mạnh… là cơ sở vững chắc để chúng ta học tập, lao động và sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, bảo vệ môi trường sống là vấn đề cấp thiết được nhân loại đặt lên hàng đầu. Ta càng thấm sau câu nói của Bác: “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích chăm năm trồng người”. Trồng cây,gây người đều là những việc quan trọng.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhân dân ta đã trồng được thêm nhiều rừng cây mới ở miền núi, trung du; tạo ra nhiều công viên xanh trong lòng đô thị. Nếu mỗi người tự giác đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc phủ xanh đất nước thì chúng ta sẽ được sống trong môi trường xanh-sạch-đẹp. Hiện nay, điều đáng buồn là vẫn còn có một số người đi ngược lại lợi ích chung. Họ chỉ biết cái lợi của cá nhân mà không cần biết đến cái thiệt hại của cộng đồng cho nên môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng vì khí thải công nghiệp, vì rừng phòng hộ bị chặt phá và đốt cháy quá nhiều. Vì thế lời Bác Hồ dạy hơn bốn mươi năm trước giờ đây lại càng tỏ rõ ý nghĩa thiết thực và quý báu.
Là một học sinh, chúng ta phải làm theo lời Bác dạy. Chúng ta trồng một cây xanh nghĩa là chúng ta đã thắp một nén hương thơm để tưởng nhớ tới Bác Hồ kính yêu.
Nguồn Internet