Giải thích hình tượng cây bút thần trong truyện Cây bút thần – Bài văn hay của Huyền Trang đội tuyển văn
Hướng dẫn
Đề bài: Cây bút thần là vật dụng thần kì giúp cho những hình ảnh Mã Lương vẽ ra đều trở thành hiện thực. Bằng những hiểu biết của mình sau khi học xong tác phẩm Cây bút thần, em hãy giải thích hình tượng cây bút thần trong truyện “Cây bút thần”.
I. Dàn ý chi tiết cho đề giải thích hình tượng cây bút thần
-
1. Mở bài
Giới thiệu về hình tượng cây bút thần: Bên cạnh hình tượng nhân vật trung tâm là cậu bé Mã Lương với tài năng hội họa, trí thông minh hơn người cùng tính cách dũng cảm, khảng khái thì cây bút thần cũng là một hình tượng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Cây bút thần đã đồng hành cùng Mã Lương trong hành trình giúp đỡ những người nghèo khổ và chống lại những kẻ tham lam độc ác, trở thành hình ảnh ẩn dụ cho mục đích cao cả của nghệ thuật chân chính và thể hiện mơ ước của nhân dân về công bằng xã hội.
-
2. Thân bài
– Trước hết, cây bút thần là hình ảnh ẩn dụ cho mục đích của tài năng nghệ thuật: nghệ thuật phải được sử dụng cho những việc làm chân chính.
+ Mã Lương là người xứng đáng nhận được cây bút thần và cây bút thần cũng chỉ được sử dụng một cách chân chính trong tay em..
+ Mã Lương đã sử dụng nó một cách chân chính và hiệu quả. Em đã vẽ tặng cho những người nghèo khó trong làng những công cụ lao động cần thiết.
– Cây bút thần còn thể hiện mơ ước của nhân dân về công lí xã hội:
+ Thể hiện qua việc Mã Lương sử dụng cây bút thần để giúp đỡ những người nghèo khó.
+ Thể hiện qua quá trình chống lại cái xấu, cái ác và sự tham lam của tên địa chủ giàu có và ông vua độc ác.
- Vẽ cây cung bắn trúng họng tên địa chủ.
- Vẽ sóng lớn, gió bão nhấn chìm vị hôn quân.
+ Cây bút thần chỉ phát huy tác dụng khi ở trong tay Mã Lương, còn khi ở trong tay những kẻ tham tàn bạo ngược thì không hề phát huy tác dụng..
-
3. Kết bài
Khái quát ý nghĩa của hình tượng cây bút thần: Xuyên suốt câu chuyện “Cây bút thần”, chúng ta có thể thấy được cây bút thần và Mã Lương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong hành trình thực thi công lí xã hội và thể hiện rõ mục đích cao đẹp của nghệ thuật chân chính.
II. Bài tham khảo cho đề giải thích hình tượng cây bút thần
“Cây bút thần” là một trong những câu chuyện cổ tích để lại nhiều bài học sâu sắc và có ý nghĩa. Bên cạnh hình tượng nhân vật trung tâm là cậu bé Mã Lương với tài năng hội họa, trí thông minh hơn người cùng tính cách dũng cảm, khảng khái thì cây bút thần cũng là một hình tượng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Cây bút thần đã đồng hành cùng Mã Lương trong hành trình giúp đỡ những người nghèo khổ và chống lại những kẻ tham lam độc ác. Như vậy, cây bút thần trở thành hình ảnh ẩn dụ cho mục đích cao cả của nghệ thuật chân chính và thể hiện mơ ước của nhân dân về công bằng xã hội.
Trước hết, cây bút thần là hình ảnh ẩn dụ cho mục đích của tài năng nghệ thuật, nghệ thuật phải được sử dụng cho những việc làm chân chính và người nghệ sĩ là người thực hiện sứ mệnh đó. Mã Lương là người xứng đáng nhận được cây bút thần và cây bút thần cũng chỉ được sử dụng một cách chân chính trong tay em. Vốn là một cậu bé nghèo có niềm đam mê mãnh liệt với hội họa, Mã Lương đã không ngừng nuôi dưỡng tài năng bằng bằng cách sử dụng cành cây khô hoặc nước sông để vẽ. Nhờ vậy mà khả năng của em tiến bộ rõ rệt và những sự vật mà em vẽ ra đều sống động như thật. Bởi thế nên ông Bụt mới trao tặng cây bút thần cho Mã Lương và quả thật, em đã sử dụng nó một cách chân chính và hiệu quả.
Em đã vẽ tặng cho những người nghèo khó trong làng những công cụ lao động cần thiết mà họ đang thiếu như cày, cuốc, thùng múc nước,… chứ không phải là những của cải vật chất sẵn có như vàng bạc châu báu để ban phát. Hơn ai hết, Mã Lương hiểu rõ giá trị của sức lao động và muốn mọi người hưởng thụ những thành quả chính đáng do chính đôi tay mình tạo ra. Bởi vậy mà khi Mã Lương bị tên địa chủ giàu có bắt giam, em cũng chỉ sử dụng cây bút để vẽ nên những vật dụng cần thiết như lò lửa và bánh nướng để chống chọi với cái đói, cái rét và sau đó là vẽ nên chiếc thang và ngựa, cung tên để thoát khỏi sự truy đuổi của tên cường hào. Như vậy, cây bút thần và Mã Lương có mối quan hệ khăng khít, thể hiện rõ ý niệm về mục đích của tài năng nghệ thuật, nghệ thuật phải được sử dụng cho những công việc chân chính.
Cây bút thần còn thể hiện mơ ước của nhân dân về công lí xã hội. Điều này không chỉ thể hiện qua việc Mã Lương sử dụng cây bút thần để giúp đỡ những người nghèo khó mà còn thể hiện qua quá trình chống lại cái xấu, cái ác và sự tham lam của tên địa chủ giàu có và ông vua độc ác. Cây bút thần chỉ phát huy tác dụng khi ở trong tay Mã Lương, còn khi ở trong tay những kẻ tham tàn bạo ngược thì không hề phát huy tác dụng. Bởi vậy nên khi ông vua cướp đoạt cây bút thần, hắn ta vẽ núi vàng, từ núi vàng này đến núi vàng khác nhưng kết quả nhận được là những tảng đá lớn từ trên núi rơi xuống và suýt đè gãy chân hắn, khi hắn vẽ ra thỏi vàng thì lại hiện ra một con mãng xà. Cây bút thần là biểu tượng cho công lí xã hội còn thể hiện qua việc nó là công cụ để Mã Lương trừng phạt tên địa chủ và vị vua tham lam. Vốn căm ghét bọn nhà giàu độc ác, bóc lột sức lao động của nhân dân, Mã Lương đã tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí thẳng thắn phản kháng bằng việc trừng phạt. Em đã vẽ cây cung bắn trúng họng tên địa chủ và vã sóng lớn, gió mạnh tạo ra mưa bão, sấm chớp để nhấn chìm vị hôn quân chuyên áp bức dân lành. Như vậy, cây bút thần trở thành phương tiện bênh vực cho kẻ yếu và trừng phạt những kẻ độc ác, tham lam.
Xuyên suốt câu chuyện “Cây bút thần”, chúng ta có thể thấy được cây bút thần và Mã Lương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong hành trình thực thi công lí xã hội và thể hiện rõ mục đích cao đẹp của nghệ thuật chân chính.
Theo Tapchivanhoc.com