Giải thích câu tục ngữ Hùm chết để da người ta chết để tiếng văn mẫu lớp 7 tuyển chọn

Giải thích câu tục ngữ Hùm chết để da người ta chết để tiếng văn mẫu lớp 7 tuyển chọn

Hướng dẫn

Trong cuộc sống chúng ta thường xuyên sử dụng hoặc nghe nhắc đến câu tục ngữ “Hùm chết để da người ta chết để tiếng”. Vậy câu tục ngữ này có ý nghĩa gì? Em hãy viết bài văn giải thích câu tục ngữ “Hùm chết để da người ta chết để tiếng”.

Dưới đây là dàn ý và bài văn mẫu giải thích câu tục ngữ Hùm chết để da người ta chết để tiếng. Các bạn hãy tham khảo để có thêm những thông tin thú vị cho bài viết của mình nhé.

I. Dàn ý cho đề bài giải thích câu tục ngữ “Hùm chết để da người ta chết để tiếng”

1. Mở bài cho đề giải thích câu tục ngữ “Hùm chết để da người ta chết để tiếng”

Giới thiệu khái quát và khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Câu tục ngữ là bài học sâu sắc về giá trị làm người: con người phải sống thật tốt để lưu lại tiếng thơm mai sau.

2. Thân bài cho đề giải thích câu tục ngữ “Hùm chết để da người ta chết để tiếng”

-Giải thích nội dung ý nghĩa câu tục ngữ “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”

– “Hùm chết để da”: Hùm tùy là một động vật hung dữ nhưng khi chết đi vẫn để lại bộ da quý giá.

– “người ta chết để tiếng”: Khi con người chết đi thì tiếng tăm vẫn còn tồn tại về sau.

– Nội dung của cả câu tục ngữ: là bài học đúng đắn về giá trị làm người: phải cố gắng sống thật tốt, thật đẹp để lưu lại tiếng thơm sau khi đã mất và tránh làm điều xấu, điều sai trái để lại tiếng xấu lưu truyền.

-Giải thích vì sao “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”

– Khi con người sống tốt thì khi chết đi sẽ nhận được sự kính trọng, ngưỡng vọng của người đời sau.

-Những vị anh hùng vĩ đại trong lịch sử dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm sẽ sống mãi cùng non sông đất nước: những anh hùng thương binh liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng,…

-Những người tài giỏi có cống hiến to lớn đối với sự phát triển của nhân loại.

– Khi con người ta gây nên tội ác và làm những việc xấu xa, trái với đạo lí thì sẽ bị lên án, phê phán ngay cả khi đã chết.

Xem thêm:  Hình tượng nhân dân anh hùng trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành

-Những nhân vật như mẹ con Cám, Lí Thông,… vẫn luôn bị người đọc lên án.

-Những kẻ gây ra tội ác không chỉ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật mà còn phải đối mặt với tòa án của lương tâm và đạo đức.

-Rút ra bài học và liên hệ bản thân.

– Mỗi một con người cần rèn luyện cho mình lối sống lành mạnh, tích cực.

– Thế hệ thanh thiếu niên học sinh cần xác định mục tiêu, lí tưởng sống cao đẹp, đúng đắn cố gắng đạt được mục tiêu một cách lành mạnh nhất.

3. Kết bài cho đề giải thích câu tục ngữ “Hùm chết để da người ta chết để tiếng”

Khẳng định tầm đúng đắn và ý nghĩa giáo dục của câu tục ngữ, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.

Bài liên quan đến đề bài giải thích câu tục ngữ Hùm chết để da người chết để tiếng:

>>Tìm một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay” và giải thích chứng minh cho câu tục ngữ đấy

>>Giải thích câu tục ngữ Con hơn cha là nhà có phúc văn mẫu lớp 7

>>Giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ hậu học văn bài văn hay của cô Minh Tâm chuyên văn

II. Bài tham khảo cho đề giải thích câu tục ngữ “Hùm chết để da người ta chết để tiếng”

“Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười!”. Câu nói trên đã thể hiện một quan điểm đúng đắn về bài học làm người: phải cố gắng sống thật tốt khi nhắm mắt xuôi tay, sự ra đi của bản thân sẽ để lại sự nuối tiếc trong lòng những người ở lại. Bàn về vấn đề này, ông cha ta từng nói: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Câu tục ngữ là một bài học vô cùng đúng đắn nhắc nhở con người ta sống xứng đáng với giá trị của bản thân, hướng tới lối sống tích cực để tạo được ấn tượng tốt trong lòng mọi người.

Để hiểu rõ nội dung của câu tục ngữ, trước hết chúng ta cần phải hiểu “Hùm chết để da” là gì. “Hùm” là một loài động vật hoang dã, thuộc họ ăn thịt và rất dung dữ khiến cho các loài động vật khác không dám lại gần. Tuy vậy nhưng khi chết đi, loài vật này vẫn để lại bộ da đẹp đẽ và quý hiếm. “Người ta chết để tiếng” diễn tả sự thật sau khi con người chết đi, thể xác trở về với cát bụi nhưng những hành động, việc làm, tiếng tăm lúc còn sống sẽ tồn tại về sau. Hình ảnh cụ thể “hùm chết để da” được đặt cạnh hình ảnh trừu tượng “người chết để tiếng” đã khái quát một cách ngắn gọn bài học về giá trị làm người vô cùng sâu sắc. Con người phải sống đẹp, sống tốt để khi chết đi thì tiếng thơm còn mãi, ngược lại không được có lối sống xấu xa, trái với đạo lí để tránh khi chết đi, tiếng xấu không thể xóa mờ.

Xem thêm:  Giải thích ngắn gọn một sô câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Vậy thì vì sao con người ta cần phải sống tốt để lưu danh muôn đời? Bởi chỉ khi sống tốt đẹp, không làm những việc xấu xa, chúng ta mới tìm thấy được giá trị tồn tại đích thực của bản thân và nhận được sự tôn trọng từ người khác. Và một mai khi không còn trên đời nữa, thì chúng ta vẫn được nhớ đến với những ấn tượng tốt đẹp. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đã có biết bao tấm gương minh chứng cho điều này. Những vị anh hùng như Quang Trung Nguyễn Huệ, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lí Thường Kiệt,… vẫn luôn sống mãi cùng non sông đất nước. Thậm chí bức chân dung của họ còn ngời sáng và trở thành bức tượng đài bất tử để giáo dục con cháu mai sau bài học về tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ đất nước trước hiểm họa xâm lăng. Đến giai đoạn lịch sử hiện đại, trong công cuộc gian khổ chống lại đế quốc Mĩ, thực dân Pháp tàn bạo,… đã có biết bao người chiến sĩ bỏ mạng nơi sa trường nhưng sự hi sinh của họ vẫn luôn được khắc ghi trong hàng triệu trái tim con người Việt Nam. Lòng biết ơn đó còn được thể hiện qua hàng loạt các chương trình đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ gia đình các thương binh liệt sĩ,….

Nếu lối sống tốt đẹp giúp con người nhận được tiếng thơm muôn đời thì lối sống xấu xa, trái với đạo lí sẽ khiến con người bị lên án, phê phán. Những nhân vật phản diện trong thế giới cổ tích như mẹ con Cám, Lí Thông,… vẫn luôn bị bạn đọc từ thế hệ này qua thế hệ khác lên án. Còn trong cuộc sống thực tại, những người gây ra tội ác hoặc làm những điều xấu xa không chỉ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp mà còn phải đối diện với tòa án lương tâm và sự phán xét của người đời. Hàng loạt vụ thảm án đã diễn ra như vụ án của Lê Văn Luyện hay Nguyễn Hải Dương trong những năm gần đây đã gây xôn xao dư luận. Càng xót thương số phận của các nạn nhân thì chúng ta lại càng phẫn nộ trước những hành động phi nhân tính của những kẻ giết người. Những tên tội phạm đó dù nhận bản án tử hình nhưng vẫn còn đó sự chỉ trích của dư luận, để lại vết thương lòng cho người nhà các nạn nhân và cho chính gia đình mình.Như vậy, mỗi một chúng ta cần rèn luyện cho bản thân lối sống tích cực, lành mạnh sao cho khi không còn tồn tại nhưng vẫn được nhớ đến với những điều tốt đẹp nhất. Đối với thế hệ thanh thiếu niên học sinh- thế hệ mầm măng tương lai của đất nước, để hình thành lối sống lành mạnh thì các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu, lí tưởng đúng đắn và vạch ra con đường để đạt được mục tiêu thành công.

Xem thêm:  Tả một danh lam thắng cảnh mà em biết

Câu tục ngữ “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” tuy ngắn gọn, hàm súc nhưng đã ẩn chứa một bài học sâu sắc thông qua lối nói giàu hình ảnh. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, khi đồng tiền và chủ nghĩa vị kỉ lên ngôi thì bài học đó càng trở nên có giá trị. Mỗi một chúng ta cần phải rèn luyện lối sống, lành mạnh để nhận được sự kính trọng từ người khác và khẳng định được giá trị bản thân, tránh xa lối sống nhỏ nhen, ích kỉ, trái với luân thường đạo lí.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

7142 1494911290049 1014 310x165 - Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Vốn sống của nhân dân ta một phần dựa vào kinh nghiệm được đúc kết …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *