Di chúc thành di sản

Nguyễn Hoàng là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương Nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 vua; nhưng cũng là người mở đầu cho cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn sau này. Nguyễn Hoàng sinh tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa và là con trai thứ 2 của Chiêu Huân Phụ Tiết Tĩnh Công Nguyễn Kim. Theo Phả hệ họ Nguyễn ở Gia Miêu, ông là hậu duệ của Nguyễn Bặc.

Theo sách “Đại Nam thực lục”, Nguyễn Hoàng là con trai thứ hai của Nguyễn Kim, sinh vào tháng 8 năm Ất Dậu -1525. Năm 1545, cha ông là Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc, quyền lực trong triều rơi vào tay anh rể ông là Trịnh Kiểm, anh cả là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, do lo sợ bị anh rể lúc đó đang kiểm soát binh quyền của nhà hậu Lê sát hại nên ông đã cho người tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin lời khuyên. Trạng Trình đã nhìn hòn non bộ và ngâm rằng: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Sao đó, ông nhờ chị ruột mình là bà Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ ở Thuận Hóa. Trịnh Kiểm thấy Thuận Hóa là nơi xa xôi, đất đai cằn cỗi nên Trịnh Kiểm đã đồng ý, bèn tâu vua Lê Anh Tông nên cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được nhận chức Trấn thủ xứ Thuận Hóa và đến năm 1570 thì kiêm luôn cả chức Trấn thủ xứ Quảng Nam. Năm 1593, Nguyễn Hoàng được phong làm Thái úy, tước Đoan Quốc công. Từ cuối năm Canh Tý – 1600, Nguyễn Hoàng quyết định ở hẳn Thuận Hóa, không về chầu vua Lê – chúa Trịnh nữa. Bình sinh, Nguyễn Hoàng thường được người đương thời xưng là chúa Tiên.

Xem thêm:  Thầy tu dỏm

Ông trấn trị đất Thuận Hóa và Quảng Nam đến tháng 6 năm Quý Sửu -1613 thì mất, thọ 88 tuổi. Nguyễn Hoàng có 8 người con trai nhưng 4 người con đầu là Nguyễn Phúc Hà, Nguyễn Phúc Hán, Nguyễn Phúc Thành và Nguyễn Phúc Diễn đã qua đời sớm. Năm 1600, khi Nguyễn Hoàng vào ở hẳn tại Thuận Hóa, ông có gửi người con trai thứ 5 là Nguyễn Phúc Hải ở lại đất Bắc làm con tin, theo ông vào Nam lúc đó chỉ còn người con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên, con trai thứ 7 là Nguyễn Phúc Hiệp và con trai thứ 8 là Nguyễn Phúc Trạch. Trong 3 người con này, Nguyễn Phúc Nguyên được Nguyễn Hoàng tin cậy, giao phó cho việc trấn giữ đất Quảng Nam. Cũng theo sách trên, khi biết mình không thể sống được nữa, Nguyễn Hoàng đã cho gọi Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về, lại sai gọi những quan lại thân tín đến và dặn dò như sau:

– Ta với các ông từng đồng cam cộng khổ đã lâu, một lòng gây dựng nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên dốc lòng giúp đỡ, quyết thành cơ nghiệp mới thôi. Nói rồi, chúa cầm tay Nguyễn Phúc Nguyên và dặn rằng: Đạo làm con thì phải hiếu, làm tôi thì phải trung, cho nên anh em trước hết phải thương yêu nhau. Con mà nhớ được lời dặn này thì ta không còn ân hận gì.

Xem thêm:  Hiếu nghĩa xưa và nay

Nói xong lời ấy rồi ngừng một lát và chúa lại nói tiếp: Đất Thuận Quảng, phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang, tức sông Gianh hiểm trở, phía Nam có Hải Vân và Thạch Bi, tức núi Bia Đá ở Phú Yên rất vững bền. Núi sẵn vàng, sẵn sắt, biển lắm cá, lắm muối, thật đúng là chỗ dụng võ của người anh hùng. Nếu biết luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì có thể xây dựng cơ nghiệp đến muôn đời. Ví bằng thế lực không chống nổi, thì cứ cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, đừng bỏ qua lời dặn của ta.

Nguyễn Phúc Nguyên và các quan lại thân tín đều khóc lạy mà vâng mệnh. Ngay ngày hôm ấy, Nguyễn Hoàng qua đời, như vậy, ông ở ngôi 56 năm, thọ 88 tuổi. Ban đầu, thi hài của Nguyễn Hoàng được an táng ở núi Thạch Hãn, thuộc huyện Hải Lăng (nay thuộc tỉnh Quảng Trị), sau cải táng đưa về núi La Khê, huyện Hương Trà (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên đây thì chúa Nguyễn Hoàng với chúa Trịnh tuy một người là anh rể, một người là em vợ, nhưng quả là có mối hận thù đến mức không thể đội trời chung. Và điều này được thể hiện rõ qua lời trăn trối trước khi chết của Nguyễn Hoàng với con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên. Và điều đáng để hậu thế phải suy ngẫm là lời tâm nguyện cuối cùng của ông cũng là giải pháp duy nhất, sách lược đúng nhất để con ông và quần thần làm nên nghiệp lớn. Đó là việc anh em phải hòa thuận, bách quan trong triều phải biết giữ lòng trung nghĩa.

Nghiêm dạy con mình là việc xưa nay nhiều người làm được, nhưng biết khéo léo kết hợp giữa động viên với răn đe những người thân tín như Nguyễn Hoàng trước lúc nhắm mắt xuôi tay thì quả là không phải ai cũng làm được. Chính nhờ vậy mà di chúc của Nguyễn Hoàng đã trở thành di sản của Nguyễn Phúc Nguyên và các chúa Nguyễn về sau là con cháu của ông đã thực hiện khá trọn vẹn. Và từ thượng cổ cho đến nay, ai đã từng được sinh ra trên cõi đời này thì tất thảy đều biết rằng sẽ có ngày phải chết và trong mỗi chúng ta ai ai cũng biết như vậy, bởi đó là quy luật của tạo hóa. Thế nhưng thật đáng buồn thay, vì sự thật là như vậy, không phải ai cũng tin, vì nếu tin thì đã chẳng có người sống chỉ biết đố kỵ với người khác, rồi lại còn lấy oán báo ơn...

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

7142 1494911290049 1014 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *