Cũng theo sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, năm Ất Mão (1795), Nguyễn Đình Đắc lần lượt giao chiến với quân Tây Sơn ở Lò Chum, Tam Hợp, Tam Thắng, giành thắng lợi lớn, thu được 3 khẩu đại bác, truy đuổi quân Tây Sơn chạy đến thành Bàn Xã (tức kinh đô Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành). Tháng 11 năm ấy, chúa trao ông chức Hậu Đồn Chánh Thống, chỉ huy 5 vệ: Hùng uy, Long võ, Uy võ, Phẩm võ và Toán phong. Tháng 11-1797, ông được trao chức Chính thống quân Thần Sách.
Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799), chúa Nguyễn trao chức Phó tướng phủ Nguyên soái Tả quân, theo chúa đi đánh thành Bình Định (còn gọi thành Bàn Xá). Sau khi lấy được thành Bàn Xá, chúa giao ông cầm quân đến đánh quân Tây Sơn ở Tân Quan, Sa Oanh, Miên Khê đều thắng lớn. Tháng 3 năm Canh Thân (1800), chúa Nguyễn tự tay giao cho ông cờ chỉ huy, cầm đầu 50 chiến thuyền tiến đánh Bình Khương, đánh thắng tướng Tây Sơn là Tư đồ Dũng. Tiếp đó, chúa sai ông theo quan Bình tây đại tướng là Nguyễn Văn Thành đi đánh đồn Đồng Nghệ và đồn La Hai, bắt sống tướng Tây Sơn là Đô đốc Hoan. Thừa thắng, đánh tan 12 nơi phục binh của Tây Sơn, tiến thẳng tới Đồng Thị đối địch 6 tháng trời với quân Tây Sơn.
Ngày 12-12-1800, ông chỉ huy quân lính hạ đồn Đồng Tuần. Khi đó hào lũy đồn này chưa kịp củng cố, còn tan hoang thì ngày 20-12-1800 tướng Tây Sơn là Thiếu phó Trần Quang Diệu đem 4 vạn quân và 70 thớt voi đến bao vây đồn. Diệu quận công cậy có quân đông, nhiều voi, cho rằng Nguyễn Đình Đắc không thể địch nổi, bèn sai quân lính mỗi người chỉ cầm một cái dây, đứng ngoài hẹn khi phá đồn sẽ bắt sống hết, không cần vũ khí. Truyền lệnh xong, Diệu quận công đứng trên chòi quan sát tỏ ra chủ quan, kiêu ngạo, còn Nguyễn Đình Đắc thì cứ nói cười như không. Ông cho án binh bất động, lệnh cho quân lính hễ thấy người nào trong quân doanh mà tỏ ra sợ hãi sẽ chém. Đến ngày cuối, khí thế quân địch đã giảm, ông mở cửa thành tung quân ra đánh, quân Tây Sơn phải phá vây rút lui. Ngay sáng hôm sau, Trần Quang Diệu sai người đưa thư tới dụ nhưng ông đem thư này tâu lên chúa Nguyễn để tỏ ý không bao giờ theo Tây Sơn. Chúa sai quan văn ghi chép lại việc này để lưu về sau.
Tháng giêng năm 1801, quân của chúa Nguyễn đẩy lùi quân Tây Sơn tại các lũy Đồng Tuần, Đồng Hiệp, Lò Giấy. Ông được lệnh giữ đồn Cầu Ngõa. Chúa Nguyễn Ánh đích thân đến Úy Lão, sai ông cùng Nguyễn Văn Thành ở lại giữ tuyến này. Còn chúa thân chinh chỉ huy quân thủy bộ ra đánh thành Phú Xuân. Lúc bấy giờ, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Tư đồ Dũng quận công vây hãm, tấn công thành Bình Định của chúa Nguyễn. Thường Hầu Quán Hội quận công Võ Tánh cùng lễ Bộ thượng thư Ngô Tùng Châu đều phải tự vẫn. Sau khi lấy được thành Bình Định, Trần Quang Diệu và Dũng quận công thừa thắng tấn công lũy Lò Giấy. Nguyễn Đình Đắc chỉ huy chống trả, buộc quân Tây Sơn phải lùi về các đồn Bá Hào, Cây Đa.
Tháng 8-1801, tướng Tây Sơn là Thiếu phó Trần Quang Diệu quận công đem quân vây đánh thành. Nguyễn Đình Đắc chỉ huy đánh mạnh phá vòng vây, khiến quân Tây Sơn không dám tiếp cận. Chúa thưởng 300 quan tiền. Tháng 9, ông chỉ huy hạ đồn Tháp, giao đồn cho quân tiên phong trấn giữ rồi quay về đồn Quần Úc. Tháng 10, Thống tướng Đức của Tây Sơn chỉ huy quân tập kích đồn. Ông bị thương nhưng vẫn không rời tướng sĩ của mình.
Lời bàn:
Nói đến sự trả thù dưới thời phong kiến, có lẽ không người Việt nào lại không biết đến việc làm dã man, tàn bạo và vô cùng độc ác của vua Gia Long đối với nhà Tây Sơn. Nói tóm lại là những ai có quan hệ mật thiết với nhà Tây Sơn và tất cả những tinh hoa của đất nước sản xuất thời Tây Sơn, đều bị vua Gia Long tìm đủ cách tận diệt. Tận diệt để không còn gì làm cho người đời nhớ đến Tây Sơn. Tên vùng đất phát tích ra nhà Tây Sơn cũng bị đổi thành An Tây. Song, chính những việc tàn ác đó của vua Gia Long càng làm cho lòng người Việt Nam yêu nước, nhất là người dân Bình Định không bao giờ quên nhà Tây Sơn. Và mặc dù bị vua Gia Long sát hại nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Đắc vẫn còn mãi trong lòng nhân dân.
Phó tướng Nguyễn Đình Đắc là một nhân vật kiệt xuất, văn võ toàn tài. Một con người đã dành trọn cuộc đời để phò vua, giúp nước, dù ở bất cứ cương vị hay hoàn cảnh nào, ông đều nêu cao khí tiết trung quân, ái quốc, không sợ gian khổ hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc, vì nhân dân. Và ông còn là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, hay giúp đỡ dân nghèo. Với những công lao to lớn đối với dân với nước, Nguyễn Đình Đắc tuy không được vua Gia Long trọng dụng nhưng ông được nhân dân kính trọng, nể phục và tôn làm phúc thần. Thế mới hay rằng, nhân dân là người viết sử trung thực, công bằng nhất. Và cũng chính tấm lòng của ông nên dù sử sách ít ghi chép về ông, song nhân dân thì lại không bao giờ quên. Và điều này đáng để hậu thế phải suy ngẫm, đó là việc gì có lợi cho dân, cho nước thì nên làm.
Theo Tapchivanhoc.com