Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất, 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị pháp tổ thiền sư đi qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm đèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.
Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của Lý Bí ngày càng lớn mạnh. Lý Bí liên kết với các châu lân cận cùng chống lại Tiêu Tư. Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương, khí thế rất mạnh. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư liệu thế không chống nổi quân Lý Bí, nên sai người mang của cải đến đút lót cho Lý Bí để được tha chạy thoát về Quảng Châu. Một trong những viên tướng tài ba trong đội quân của Lý Bí thời đó là Triệu Chí Thành, người cùng quê với Lý Bí (ấp Thái Bình, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Ông cùng tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí đánh đuổi Tiêu Tư, khi đó là Thứ sử Giao Châu. Tiêu Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước. Chưa đầy 3 tháng quân của Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Năm 544, Lý Bí lên ngôi xưng là Nam Việt đế, tức Lý Nam Đế.
Năm 545, nhà Lương lại sai Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã đem quân sang xâm lược nước ta. Sau khi Lý Nam Đế thất bại ở hồ Điển Triệt (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), Lý Thiên Bảo là anh họ của Lý Bí đem một cánh quân rút vào Thanh Hóa chống nhau với quân Lương và xưng là Đào Lang Vương. Triệu Chí Thành không theo Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử chạy vào Thanh Hóa mà ở lại chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng Triệu Quang Phục.
Sau khi về vùng Dạ Trạch cùng chủ tướng xây dựng căn cứ, đánh tan nhiều cuộc vây hãm của quân Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy, Triệu Quang Phục phái Triệu Chí Thành đem 8.000 quân ra đóng ở cửa sông Tô Lịch để làm thế ỷ dốc cho căn cứ Dạ Trạch và căn cứ Tiên Tảo, Đan Tảo, Yên Tăng thuộc huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) của đại tướng Trương Hống, Trương Hát. Đây là căn cứ nằm giữa hai căn cứ lớn của Dạ Trạch Vương giữ mối liên lạc giữa hai căn cứ nên Trần Bá Tiên và Dương Sàn thường đem quân đến bao vây, tấn công. Nhưng với tài dùng binh lại được nhân dân vùng Tô Lịch giúp sức, Triệu Chí Thành đánh tan nhiều cuộc tấn công của quân Lương. Có trận tướng Dương Sàn bị Triệu Chí Thành đuổi đánh vội cướp thuyền của dân vượt sông Hồng ở bến Bạc chạy sang vùng Mê Linh. Triệu Chí Thành được phong Đô thống nguyên soái.
Khi Lý Phật Tử đóng ở động Dã Năng, cầu cứu quân Ai Lao về đánh Triệu Việt Vương nhằm cướp ngôi vua, Triệu Chí Thành đã liên tục chặn đánh các vùng đóng quân của Lý Phật Tử ở Thượng Cát, Hạ Cát (thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội).Lý Phật Tử đánh Triệu Việt Vương không được liền nghĩ ra kế giảng hòa, cho con trai là Nhã Lang lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương và xin được ở rể để tìm cách chia rẽ nội bộ vua tôi Triệu Việt Vương, chờ lúc tiến đánh chiếm ngôi vua.
Khi đó, Triệu Chí Thành cùng các tướng sĩ can ngăn Triệu Việt Vương không nên mắc mưu của Lý Phật Tử, nhưng Triệu Việt Vương không nghe. Triệu Chí Thành liền từ quan về vùng Dịch Vọng, nơi đồn trại cũ để sống cảnh vui thú nơi đồng ruộng, giúp dân cày cấy phát triển sản xuất, dạy dân lễ nghĩa. Khi Triệu Chí Thành mất, nhân dân làng Tháp, nơi ông đóng quân và sống sau khi từ quan, đã lập đền thờ và tôn ông làm thành hoàng của làng. Làng Tháp là một trong 3 thôn thuộc làng Dịch Vọng Trung, huyện Từ Liêm. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, đền Tháp vẫn tồn tại và được nhân dân tôn sùng.
Lời bàn:
Theo nhận định của các sử gia đương thời và cả hậu thế ngày nay, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Lương do Triệu Quang Phục lãnh đạo trước hết do đây là cuộc kháng chiến được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng. Kế đó là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã biết tận dụng ưu thế của căn cứ Dạ Trạch để tiến hành chiến tranh du kích và xây dựng lực lượng. Thứ ba là quân Lương gặp nhiều khó khăn, tổn thất và chán nản, lại luôn bị động trong chiến đấu. Và cuối cùng là khi nhà Lương có loạn, Trần Bá Tiên phải bỏ về nước, nghĩa quân biết chớp thời cơ lật đổ ách thống trị của nhà Lương, ra đời nhà nước độc lập đầu tiên là Vạn Xuân sau hơn 500 năm đấu tranh của dân tộc ta.
Tiếc rằng, nhà nước Vạn Xuân độc lập chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. 20 năm sau, Lý Phật Tử từ phía Nam kéo quân ra cướp ngôi. Điều đáng buồn là Triệu Việt Vương không nghe theo lời khuyên của Triệu Chí Thành nên đã mắc mưu Lý Phật Tử. Đó là kế mà Triệu Đà đã dùng với Thục Phán An Dương Vương. Người xưa gọi việc thiếu nữ lấy chồng là “quy”, thì nhà chồng tức là nhà mình. Con gái Triệu Việt Vương đã gả cho Nhã Lang thì sao không cho về nhà chồng mà lại ở rể để đến nỗi nước mất nhà tan. Điều này cho thấy, Triệu Việt Vương hoàn toàn mất cảnh giác về bài học Trọng Thủy – Mỵ Châu thời xưa. Thế mới biết, lời của ai đó thì có thể không nghe nhưng của người từng vào sống ra chết cùng mình thì không thể bỏ qua.
Theo Tapchivanhoc.com