Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Thái Thuận sinh ra trong gia đình bình dân ở thôn Đoài, tổng Liễu Lâm, phủ Siêu Loại, thừa tuyên Kinh Bắc, nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông có tên chữ là Nghĩa Hòa, hiệu là Lựu Khê, biệt danh là Lã Đường. Ông vừa làm quan vừa là một nhà thơ có tài ở thế kỷ XV. Theo các tài liệu lịch sử, khi còn nhỏ, Thái Thuận là người học rất giỏi nhưng ông chưa kịp đi thi đã phải sung lính.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, ông là một chiến sĩ tài ba – là lính dạy voi xuất sắc. Anh lính quản tượng này ngày đêm miệt mài đèn sách, “nấu sử sôi kinh” để quyết chí lo việc khoa danh. Năm 35 tuổi, Thái Thuận thi đậu Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi 1475, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 đời vua Lê Thánh Tông. Sau đó, ông được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý, rồi làm Tham chính ở Hải Dương suốt hơn 20 năm. Khi làm quan, Thái Thuận nổi tiếng cương trực và thanh liêm. Vì thế, ông được triều đình thường xuyên giao cho việc đi công cán qua các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị…
Không chỉ là một vị quan thanh liêm, chính trực, Thái Thuận còn là một nhà thơ tài năng. Ông sáng tác hàng ngàn bài thơ chữ Hán nhưng chưa soạn thành tập. Sau khi ông mất, người con là Thái Đôn Khác và người học trò là Đỗ Chính Mô mới ra công sưu tập được vài trăm bài, rồi viết lời tựa, đặt tên là Lã Đường di cảo. Hiện nay, chỉ còn lại 290 bài thơ được in trong tập “Lã Đường di cảo thi tập”. Thái Thuận còn là Sái phu hội Tao Đàn, tức là người có nhiệm vụ sửa chữa, biên tập và cho in sáng tác của các hội viên. Ông làm việc này rất nổi trội nên được người đương thời gọi là Sái Thuận.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ấn hành đời Lê (1583-1788) và sách “Việt sử thông giám cương mục” ấn hành đời Nguyễn (1802-1945), vào tháng 11 năm Ất Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 26 (1495), vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã sáng tác 9 khúc ca, gọi là “Quỳnh uyển cửu ca”, tự soạn bài “Tựa”, tự xưng là Tao Đàn nguyên súy, chọn 28 văn thần ứng với 28 ngôi sao trên bầu trời, phong họ làm “nhị thập bát tú”, truyền họa lại đúng vần của 9 khúc ca. Từ đó, lịch sử văn học Việt Nam ghi danh hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập để vua tôi xướng họa, phê bình thơ, một hình thức rất mới trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Hội này tồn tại trong khoảng 2 năm (1495-1497), đến khi Lê Thánh Tông mất thì cũng tự giải thể. Và chính vì mến phục đạo đức cũng như tài năng của Sái phu Thái Thuận nên sau khi phó soái Đỗ Nhuận mất, vua Lê Thánh Tông không giao cho Ngô Luân là người kế cận Đỗ Nhuận, mà phong cho Sái Thuận chức Phó nguyên súy Tao Đàn.
Sinh thời, ông là người có đạo đức, lại có tài văn chương, được người đương thời rất kính trọng. Ông đã được vua Lê Thánh Tông từng khen là thi sĩ “luôn luôn nổi tiếng ở trường thơ”. Các danh sĩ nổi tiếng như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Ngô Thì Nhậm, Bùi Huy Bích đều xưng tụng ông là “nhà thơ có khuôn thước, có phong cách đời Vãn Đường”, là “thanh nhã, dồi dào”, là “sau tập thơ Giới Hiên của Nguyễn Trung Ngạn, cũng ít khi có thể văn ấy”…
Theo một số nhà nghiên cứu gần đây, thơ Thái Thuận có phong cách độc đáo, ít khi rơi vào khuôn sáo, thù tạc như thơ ca của nhiều tác giả cùng thời, nhất là những tác giả cung đình. Thơ ông ít có những nét bút hoành tráng, khí phách, tình cảm mạnh mẽ, sắc màu thắm rực như thơ Nguyễn Trãi, cũng ít có giọng khoa trương, tự đắc thường thấy trong thơ Lê Thánh Tông. Thơ ông thanh thoát, bình dị, không màu mè, hoa mỹ, tứ thơ mới mẻ, độc đáo, phóng khoáng, giàu chất hiện thực, đậm đà ý vị trữ tình…
Lời bàn:
Theo nội dung của giai thoại trên thì Thái Thuận quả là một tấm gương “khổ học mà thành”. Sinh ra trong một gia đình bình dân, nhờ miệt mài đèn sách mà từ một làng quê nghèo khó, ông đã bước qua sân rồng để trở thành sĩ tử lừng danh với học vị: Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ. Khi viết về ông, nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ thứ XVIII đã viết: Ông là một con người mà đạo đức văn chương một thời được tôn trọng”. Vì thế, ông xứng đáng được tôn vinh là danh nhân lịch sử Kinh Bắc – một vùng quê nổi tiếng không chỉ bởi “đất đế vương” mà còn là vùng đất có “truyền thống thượng võ và hiếu học”.
Tuy nhiên, điều mà hậu thế tôn vinh là bên cạnh lòng tự hào dân tộc, thơ của ông còn thể hiện tình yêu với thiên nhiên, đất nước và con người. Thơ của ông có nhiều bài phản ánh khí phách hào hùng của dân tộc thông qua những trang sử oanh liệt và các nhân vật anh hùng hiển hách như Thánh Gióng, Trưng Vương, Triệu Ẩu, chiến thắng Bạch Đằng Giang… Với những bài thơ viết về những số phận đáng thương trong đời là một minh chứng rằng ông là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa đích thực. Đặc biệt, trong thơ của ông còn đề cập đến cả tình yêu lứa đôi và cả quyền bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Có thể nói đây là lần đầu tiên, đề tài này xuất hiện trong văn học Việt Nam. Và chỉ riêng với điều này, hậu thế cũng đã phải kính cẩn tôn vinh ông.
Theo Tapchivanhoc.com