Dàn ý bài: Giải thích vì sao Nguyễn Khải lại gọi bà Hiền là hạt bụi vàng trong tác phẩm Một người Hà Nội

Em hãy lập dàn ý cho đề bài sau: Giải thích vì sao Nguyễn Khải lại gọi bà Hiền là hạt bụi vàng trong tác phẩm Một người Hà Nội.

A, Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần giải quyết: Giải thích vì sao Nguyễn Khải lại gọi bà Hiền là hạt bụi vàng trong tác phẩm Một người Hà Nội

B, Thân bài

Nói đến hạt bụi, người ta nghĩ đến vật nhỏ bé, tầm thường và chẳng ai để ý. Nhưng có điều nó lại là hạt bụi vàng thì dù nhỏ bé nhưng có giá trị quí báu. Cô Hiền là một người Hà Nội bình thường nhưng cô thấm sâu những cái tinh hoa trong bản chất người Hà Nội.

Luận điểm 1: Bà hiền qua việc thu xếp việc nhà

– Việc hôn nhân: Là phụ nữ có nhan sắc, yêu văn chương, thời con gái giao du với nhiều văn nhân nghệ sĩ nhưng không chạy theo những tình cảm lãng mạn viển vông, bà Hiền “chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc”. Người ta kinh ngạc vì nghĩ theo thói thường, còn bà Hiền lại vượt qua thói thường ấy. Bà không ham danh, không cơ hội, sự tính toán, chọn lựa của bà cho thấy bà có thái độ nghiêm túc với hôn nhân, đặt trách nhiệm “làm vợ”, “làm mẹ” lên trên mọi thú vui khác. Ông giáo tiểu học (mẫu người mô phạm, khiêm nhường) hiền lành, chăm chỉ là người thích hợp với quan niệm của bà về tổ ấm gia đình.

– Việc sinh con: ở cái thời người Việt Nam thích đẻ nhiều con thì quyết định của bà Hiền chấm dứt sinh đẻ vào năm bốn mươi tuổi cũng là một quyết định khác người. Bà không tin “Trời sinh voi trời sinh cỏ” mà bà tin con cái phải được nuôi dạy chu đáo để chúng “có thể sống tự lập”. Như vậy, trách nhiệm làm cha mẹ không phải chỉ ở việc sinh con mà quan trọng hơn là cho con một nhân cách, chuẩn bị cho con một tương lai sống, không bị lệ thuộc. Tình yêu con của bà Hiền là tình yêu sáng suốt của người mẹ giàu tự trọng, biết “nhìn xa trông rộng”.

– Việc quản lí gia đình: bà Hiền luôn luôn là người chủ động, tự tin vì bà hiểu rõ vai trò quan trọng của người vợ, người mẹ. Khi phê bình thói “bắt nạt vợ” quá đáng của người cháu, bà bảo: “Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao”. Quan niệm về “bình đẳng nam nữ” của bà xuất phát từ thiên chức của phụ nữ – đấy là một chân lí tự nhiên, giản dị.

– Việc dạy con: bà Hiền dạy con là phải dạy khi chúng còn nhỏ và dạy từ những cái nhỏ nhất. Bà dường như không coi chuyện ngồi ăn, chuyện cầm bát, cầm đũa, múc canh, v.v. đó cũng chỉ là chuyện sinh hoạt vặt vãnh mà coi đấy là văn hoá sống, văn hoá người, hơn thế, đấy là văn hoá của người Hà Nội: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không thể sống tuỳ tiện, buông tuồng”. Cái “chuẩn” trong suy nghĩ của bà là “lòng tự trọng”. Lòng tự trọng không cho phép con người sống hèn nhát, ích kỉ cá nhân. Bà bằng lòng và cho Dũng đi chiến đấu vì “không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè”. Bà cũng đã lại chấp nhận khi đứa em Dũng muốn tiếp bước anh: “… bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Con người một khi đã đánh mất lòng tự trọng thì cũng coi như­ chết về nhân cách. Có lòng tự trọng sẽ có lòng yêu nước, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Có thể nói, với những người như­ bà Hiền, lòng yêu nước cũng là một nhu cầu tự nhiên, xa lạ với những gì ồn ào, giả tạo.

Câu trả lời của bà Hiền “Tao đau đớn mà bằng lòng…” đã diễn tả đầy đủ mà ngắn gọn những giằng xé âm thầm giữa tình yêu con với tình yêu nước, giữa nỗi lo âu với ý thức về danh dự. Không bà mẹ nào muốn con gặp hiểm nguy, gian khổ, nhưng cũng không bà mẹ nào muốn thấy con phải sống đớn hèn, nhục nhã. Bà Hiền tôn trọng danh dự của con, hiểu con nên chấp nhận để con đi chiến đấu, nhưng bà không che giấu nỗi đau lòng, không vờ vui vẻ ồn ào. Với bà, đây là quyết định khó khăn nhưng hợp lí nhất. Qua chi tiết này, tác giả muốn khẳng định cá tính và bản lĩnh của bà Hiền: không tạo uy tín, danh dự bằng lời nói không thành thực, luôn dám là mình.

Bà tin và sự trường tồn của hóa Hà Nội: kể lại chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh.

Như vậy, bà Hiền là người có bản lĩnh, trung thực, giàu tự trọng. Những phẩm chất đó được nhào nặn từ truyền thống gia đình, từ năng lực tự ý thức, từ kinh nghiệm sống mà bà đúc rút được trong chính cuộc sống đời thường của một người vợ, người mẹ, và đó là “người Hà Nội”. Tình yêu Hà Nội ở bà không hời hợt hay cảm tính mà sâu sắc vì nó gắn với một niềm tin: Hà Nội là chuẩn mực về văn hoá của người Việt. Mỗi công dân Hà Nội phải có ý thức giữ gìn và phát huy chuẩn mực đó.

Luận điểm 2: Bà Hiền và văn hóa Hà Nội

Còn với người như bà Hiền, người đọc có thể nhận ra nhiều nét đẹp trong lối sống. Nói “lối sống” là nói đến quan niệm, nguyên tắc làm cơ sở cho những ứng xử có ý thức của con người. Qua việc làm và suy nghĩ của bà Hiền, có thể thấy nổi lên bản lĩnh một con người luôn luôn dám là mình: là mình khi đề cao lòng tự trọng, là mình trong quan hệ với cộng đồng, đất nước, là mình trong những chiêm nghiệm lẽ đời,… Đặt tên truyện là “Một người Hà Nội”, có lẽ tác giả muốn khắc đậm bản lĩnh, cốt cách của người Hà Nội, họ luôn “là mình” với ý thức là “người Hà Nội”, là sự đại diện cho cả nước, là tinh hoa (“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” – ca dao). “Chất Hà Nội” ở bà Hiền biểu lộ qua nét văn hoá lịch lãm, sang trọng (phòng khách của bà như­ l­uư giữ cái hồn Hà Nội: cổ kính, quý phái và tinh tế mà “suốt mấy chục năm không hề thay đổi”), qua thái độ ung dung, tự tại (trước những biến động bên ngoài, trước lời nhận xét “hơi nghiệt” của người cháu), qua sự khôn ngoan, sâu sắc của trí tuệ (bà nói về luật tự nhiên, về niềm tin: Hà Nội “Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mọi lứa tuổi”). Bà “khiêm tốn và rộng lượng”, bà hoà mình vào cảnh sắc Hà Nội “trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt”, bà đang lau chùi cái bát cổ để cắm hoa thuỷ tiên,… Sự hài hoà đó là cái duyên riêng Hà Nội, nét quyến rũ của Hà Nội khiến người xa Hà Nội luôn luôn nhớ về và phải kêu thầm lên “thấy tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn lại một cái tết Hà Nội”.

C, Kết bài

Trong “Một người Hà Nội”, Nguyễn Khải đã có những khám phá sâu sắc về bản chất của nhân vật trên dòng lưu chuyển của hiện thực lịch sử: Là một con người, bà Hiền luôn giữ gìn phẩm giá người, Là một công dân, bà Hiền chỉ làm những gì có lợi cho đất nước. Là một người Hà Nội, bà đã góp phần làm rạng rỡ thêm cái cốt cách, cái truyền thống của một Hà Nội anh hùng và hào hoa- tôn thêm vẻ đẹp thanh lịch quyến rũ của “người Tràng An”.Chất nhân văn sâu sắc của ngòi bút Nguyễn Khải chính là ở đó.

    Check Also

    truong 310x165 - Bài viết số 2 lớp 9 đề 2: Kể lại giấc mơ gặp người thân xa cách lâu ngày

    Bài viết số 2 lớp 9 đề 2: Kể lại giấc mơ gặp người thân xa cách lâu ngày

    Tôi đã từng nghe đâu đó một câu nói: “Nhà là nơi bình yên nhất”. …

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *