Theo sách “Lam Sơn thực lục”, lúc bấy giờ vào cuối thời thuộc Minh, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn liên tiếp giành nhiều chiến thắng quan trọng trên các chiến trường; thành lũy của giặc Minh bị thất thủ khắp nơi. Khi ấy, về cơ bản toàn bộ lãnh thổ nước Việt đã được giải phóng, quân Minh chỉ còn sức co cụm ở một số tòa thành lớn. Trước tình thế này, tên Tổng binh Vương Thông tìm cách kéo dài thời gian để chờ viện binh sang cứu nên bèn vờ giảng hòa.
Vương Thông đề nghị lập con cháu nhà Trần làm vua và xin bãi binh. Vương Thông dựa vào tờ chiếu của vua Minh ban ra năm Đinh Hợi (1407) khi đem quân xâm lược nước ta với danh nghĩa “phù Trần diệt họ Hồ”, đề nghị tướng lĩnh Lam Sơn tìm lập con cháu họ Trần. Với chủ trương giải phóng đất nước ít tốn xương máu nhất, Lê Lợi đã lập Trần Cảo lên làm vua vào tháng 11 năm Bính Ngọ – 1426. Về việc này, sách “Lam Sơn thực lục” có đoạn viết như sau:
Mùa đông, tháng 11, Lê Lợi tìm được Trần Cảo lập lên làm vua. Trước đó, có người tên Hồ Ông là con một người xin ăn, trốn theo Cầm Quý, giả xưng con cháu họ Trần. Bấy giờ, người trong nước khổ về chính lệnh hà khắc của giặc, mong có người làm chủ, mà Lê Lợi thì gấp việc diệt giặc cứu dân nên sai người đi đón lập Cảo cho xong. Đây là việc quyền nghi nhất thời, mà cũng muốn mượn cớ trả lời nhà Minh để họ tin. Sau khi Trần Cảo được tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Khánh và sai Tả bộc xạ Lê Quốc Hưng dạy cho các lễ nghi, nhưng thực ra là để coi giữ. Cảo trước đóng dinh ở núi Không Lộ, nay thuộc huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Còn trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” lại chép rằng, tên của vị “vua” này là Trần Cao chứ không phải Trần Cảo. Thân thế Trần Cao không ai rõ quê quán ở đâu và sinh năm nào, chỉ biết rằng khi Lê Lợi sai người tìm con cháu dòng dõi của nhà Trần, gặp lúc Hồ Ông lánh nạn ở châu Ngọc Ma, tự xưng là Trần Du, cháu ba đời của vua Trần Nghệ Tông và được tù trưởng châu này là Cầm Quý tiến cử nên bèn đón về lập lên làm vua.
Sau khi đánh bại 20 vạn viện binh do Mộc Thạch, Liễu Thăng chỉ huy vào cuối năm Đinh Mùi – 1427, để vớt vát thể diện cho nhà Minh, vừa tránh thêm đổ máu nên đứng danh nghĩa của Trần Cảo, Lê Lợi đã sai mang lễ vật và biểu cầu phong đến đô thành Yên Kinh. Vua Minh Tuyên Tông xem biểu biết rằng giả dối, nhưng cũng muốn nhân đó để thôi việc binh, quần thần cũng đều xin nên hòa. Vì thế, vua Minh sai Công bộ Thượng thư La Nhữ Kính và Từ Vĩnh Đạt mang chiếu sang phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương và lệnh rút quân về nước.
Kể từ đây, vai trò của vua Trần Cảo coi như kết thúc và số phận của nhân vật này đã được định đoạt nhưng sách sử ghi chép rất khác nhau. Trong bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết nhiều giả thuyết và trong đó có giả thuyết rằng: Mồng 10 tháng giêng năm Mậu Thân – 1428, Trần Cảo uống thuốc độc chết. Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu.
Cũng trong sách này lại có đoạn ghi rằng: Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An), quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết. Có thuyết nói rằng: Trước đây, sau khi lập Cảo, Lê Lợi cho Cảo đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời sang Ninh Giang. Sau chuyển về thành Cổ Lộng. Cảo tự nghĩ là không thể có hai mặt trời, nước không thể có hai vua, mình không có công gì với thiên hạ mà ở ngôi tôn, nếu không sớm liệu sợ nỗi hối hận sau này, rồi ngầm đi thuyền ra biển mà chết.
Sau khi Trần Cảo chết, Lê Lợi cho làm tang lễ rất hậu theo nghi thức của một vị vua. Theo ghi chép của sử nhà Minh, Lê Lợi báo với triều Minh rằng Trần Cảo bị bệnh mà chết vào ngày 10 tháng giêng năm Mậu Thân (1428).
Lời bàn:
Theo sử cũ, Vương Thông thua nên chạy trốn vào thành Đông Quan để cố thủ rồi viện cớ tìm lại tờ chiếu của vua nhà Minh năm 1407 khi đánh nhà Hồ để hoãn binh. Trong tờ chiếu này có nội dung muốn lập lại con cháu nhà Trần để ra điều kiện với Lê Lợi rằng Thông sẽ rút quân về nếu Lê Lợi lập con cháu nhà Trần làm vua. Đây chỉ là kế hoãn binh của Vương Thông để chờ quân cứu viện từ phương Bắc. Đồng thời, nếu không có viện binh hoặc viện binh bị đánh bại từ bên ngoài thì Vương Thông có lui binh cũng không bị nhục. Hiểu rõ ý đồ ấy, Lê Lợi vì đại cuộc, muốn quân Minh nhanh chóng rút về nên đồng ý. Ông sai người tìm được Trần Cảo bèn lập làm vua, còn ông tự xưng là Vệ quốc công.
Tuy nhiên, suy cho cùng Trần Cảo cũng chỉ là con bài chính trị để Lê Lợi đối phó với nhà Minh trong một giai đoạn cần thiết. Bởi vì ngay nhà Minh, khi tiến quân vào nước ta lấy lý do lập lại con cháu nhà Trần, nhưng thực chất chỉ là cái cớ để xâm lược Đại Việt. Vì vậy, nhắc lại chuyện xưa là để hậu thế đừng bao giờ quên phương sách cứu nước và giữ nước của tổ tiên.
Theo Tapchivanhoc.com