Chuyện về Lưu Bá Ôn

Lưu Bá Ôn là công thần khai quốc của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học từng có truyền thống chiến đấu dũng cảm chống lại quân xâm lược Nguyên Mông trước đây. Nhờ siêng học, đam mê đọc sách, nên ông sớm làu thông kinh sử, văn chương, binh pháp và thiên văn. Năm Nguyên Thống thứ nhất đời Nguyên Thuận Đế (1333), ông thi và đỗ tiến sĩ, rồi được bổ làm quan, nhưng vì bị chèn ép, chỉ trích nên ông bỏ về ở ẩn năm 1360.

Sau khi Chu Nguyên Chương khởi nghiệp và đã lấy lễ mời ông ra giúp. Ban đầu, Lưu Bá Ôn tỏ ra miễn cưỡng và phải nhiều lần được khuyên giải, thúc giục ông mới chịu đi. Tuy nhiên, sau khi triệu kiến Chu Nguyên Chương, Bá Ôn cho rằng mình đã gặp được minh chúa nên quyết định theo phò. Ông đệ trình bản “Thời vụ thập bát sách” (tức 18 sách lược vận dụng trong tình thế đương thời) và được Chu Nguyên Chương tán thưởng, ví ông như Trương Lương.

Từ đó, ông trở thành một mưu sĩ tài ba của Chu Nguyên Chương, giúp Chu Nguyên Chương lần lượt đánh bại các tập đoàn quân phiệt khác như Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành, nhiều lần biến nguy thành an. Các chiến thắng quan trọng ở thành Thái Bình, An Khánh, Giang Châu, hồ Bà Dương chống Trần Hữu Lượng, ở Kiến Đức chống lại Trương Sĩ Thành, cũng như việc quy hàng của Phương Quốc Trân và nhiều thế lực địa phương khác đều do Lưu Bá Ôn bày mưu tính kế. Đặc biệt tại hồ Bà Dương, ông cùng với Chu Nguyên Chương trực tiếp chỉ huy cuộc chiến và đã một lần cứu thoát Chu Nguyên Chương khỏi bị đạn pháo của quân địch bắn trúng.

Xem thêm:  Dũng tướng cảm tử

Chủ trương của Lưu Bá Ôn là đánh Trần Hữu Lượng trước rồi mới tiêu diệt Trương Sĩ Thành sau, vì ông nhận xét rằng Trương Sĩ Thành là người thụ động, chỉ biết bo bo giữ lấy lãnh địa của mình, trong khi tập đoàn Trần Hữu Lượng là một thế lực hiếu chiến, nguy hiểm, vì vậy cần phải thanh toán trước để diệt trừ hậu họa. Chiến lược này đã tỏ ra đúng đắn và chứng tỏ Lưu Bá Ôn hiểu rất rõ bản chất của kẻ địch. Bản thân Trần Hữu Lượng sau khi bị đánh bại ở Giang Châu, biết mình thua là do mưu kế của Lưu Bá Ôn, đã than rằng:

– Dưới tay ta thiếu một mưu sĩ như Lưu Bá Ôn. Sau này kẻ tiêu diệt ta, chắc chắn chính là Bá Ôn rồi. Chả lẽ ý trời nghiêng về Chu Nguyên Chương, nên mới sai Bá Ôn tới trợ giúp đó chăng?

Năm 1367, ông lại bày mưu cho Chu Nguyên Chương chiếm Sơn Đông, Hà Nam, rồi tiến đánh kinh đô của nhà Nguyên là Đại Đô (nay là Bắc Kinh), khiến vua Nguyên Huệ Tông (1333-1370) tháo chạy, triều Nguyên sụp đổ. Khi đại cuộc đã định xong, Lưu Bá Ôn được giữ chức Ngự sử trung thừa kiêm Thái sư lệnh, tước Thành Ý Bá. Kể từ đó ông cùng với Tống Liêm (1310-1381) giúp vua chế định mọi công việc, từ khoa cử, hình pháp cho đến lễ nhạc…

Tuy nhiên, do tính tình cương trực, liêm chính, sẵn sàng trừng trị thẳng tay bất cứ gian thần nào – cho dù đó là hoàng thân quốc thích hay đại công thần. Vì thế, Lưu Bá Ôn đã gây hiềm thù với nhiều đại thần trong triều. Giữa lúc đó, Chu Nguyên Chương lại đang rắp tâm hãm hại công thần, nên tháng 8 năm Hồng Vũ thứ nhất (khoảng tháng 10 năm 1368), ông dâng sớ xin từ quan, nhưng mãi đến năm 1371, ông mới được về nghỉ sau khi từ chối ngôi vị thừa tướng.

Sau khi từ quan, ông về vùng thôn dã sống ẩn dật, tuyệt đối tránh dây dưa với quan trường và giới quan lại, thậm chí còn yêu cầu bạn bè chỉ gọi mình đơn giản là Bá Ôn hay Bá Ôn huynh, chứ đừng đề cập đến chức tước của mình. Ông không thích được mọi người khen về những chiến công khi xưa.

Lời bàn:

Trong lịch sử phong kiến ở Trung Quốc, không có vị vua tạo lập triều đại mới mà xuất thân từ tầng lớp dưới đáy xã hội, nhưng lại mang đậm màu sắc truyền kỳ như Chu Nguyên Chương. Ông có tài thao lược, có tầm nhìn sâu xa, suốt cuộc đời xử lý công việc chính trị cần cù và là vị vua có thành tựu nổi bật hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc. Lẽ tất nhiên là nếu một mình Chu Nguyên Chương thì cũng chẳng làm nên trò trống gì, mà thần thiêng là nhờ bộ hạ. Quả đúng là như vậy, bởi thời ấy Chu Nguyên Chương đã có được sự phò tá đắc lực của các danh sĩ nổi tiếng như Từ Đạt, Lý Văn Trung, Lý Thiện Trường, Uông Quảng Dương và các tướng tài là Lam Ngọc, Lý Đằng, Cao Bân, Trương Phụ… và nhân vật xuất chúng là Lưu Bá Ôn.

Xem thêm:  Phân tích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật

Về sau, vua Minh Vũ Tông, vị vua thứ 11 của nhà Minh đã khen tặng Lưu Bá Ôn là nhà mưu lược có một không hai đã giúp cho triều đình vượt sông bình định thiên hạ, cũng là bậc văn thần khai quốc đứng hàng đầu. Tiếc rằng, một con người tài ba lỗi lạc đến mức trên thông thiên văn, dưới tường địa lý như Lưu Bá Ôn vậy mà đến cuối đời cũng phải vội vã từ quan để lo bảo toàn mạng sống cho mình. Thế mới hay rằng, quy luật của các triều đại phong kiến là vậy. Khi đã có ngai vàng và quyền lực trong tay thì khai quốc công thần cũng trở thành vô nghĩa. Bởi thế các triều đại phong kiến ngày xưa không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn – thịnh rồi suy. Muốn sâu gốc bền rễ, mong hậu thế đừng ai quên điều này.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

7194 1494911290054 1015 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *