Chúng ta trở nên hoang phí số tiền kiếm được, chúng ta làm mất đi giá trị của đồng tiền. Phải chăng, mỗi người nên thực hành lối sống tiết kiệm ngay từ bây giờ? Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Chúng ta đã tiết kiệm được đến đâu? Tiết kiệm như thế nào? Đó là những câu hỏi cơ bản các bạn phải trả lời khi làm bài văn viết về sự tiết kiệm. Ngoài ra, các bạn có thể lật lại vấn đề, mặt trái của tiết kiệm là gì, có phải tiết kiệm luôn có ích không? Quan trọng, sau bài viết ấy, các bạn nhận thức được điều gì, và có sẵn sàng thay đổi ngay từ bây giờ không. Làm văn nghị luận, điều quan trọng là các bạn có viết được một bài văn mạch lạc và thuyết phục hay không. Chúc các bạn làm bài thành công!
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 CHỨNG MINH RẰNG MỖI CHÚNG TA ĐỀU CẦN THỰC HÀNH TỐT LỐI SỐNG TIẾT KIỆM
Chúng ta luôn băn khoăn tự hỏi, tại sao có những người làm được rất nhiều tiền bạc, nhưng cuối cùng cũng chẳng thể trở nên giàu có. Có nhiều lí do khác nhau, cả khách quan và chủ quan, nhưng theo tôi nghĩ chính là vì họ không biết tiết kiệm số tiền mà mình đã làm ra. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta nên thực hành cách tiết kiệm.
Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là tiết kiệm? Tiết kiệm là sử dụng tiền bạc, của cải, tài nguyên và thời gian một cách hợp lí. Đó là khi chúng ta không phung phí chúng, coi chúng là lẽ dĩ nhiên sẽ có. Người biết tiết kiệm luôn phải tính toán trong đầu làm sao để tiêu tiền hợp lí, làm sao để có thể không lãng phí thời gian. Họ hiểu được tầm quan trọng của những giá trị, của cải mình đã làm ra và họ sử dụng cho những việc thật cần thiết. Tiết kiệm chưa hẳn đã là nghèo, cũng không phải là thấp kém. Đó là một lối sống mà lâu nay chúng ta đã lãng quên, và đây là lúc ta cần hồi phục lại nó.
Vậy vì sao chúng ta cần phải tiết kiệm?
Tiết kiệm đã trở thành một truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Đất nước ta thuộc nền văn minh lúa nước, con người gắn cả đời mình với mảnh ruộng con trâu. Vậy nên, kinh tế chưa bao giờ thực sự dư dả. Càng chăm chỉ làm lụng bao nhiêu, họ lại càng chắt chiu bấy nhiêu. Họ để dành cho con cái sau này, cho những lúc ốm đau bệnh tật, hay cho những khi mất mùa đói kém. Hay đơn giản hơn, họ thấy những thứ xa hoa là không cần thiết. Vậy mà giờ đây, chúng ta lại phá vỡ đi truyền thống ấy bằng cách tiêu xài hoang phí, cả thời gian, sức lực và tiền bạc. Thử hỏi như vậy, có đáng hay không? Học một lối sống tiết kiệm là trở về với những nét đẹp văn hoá của một dân tộc, là làm giàu có thêm truyền thống của quê hương. Vậy cớ sao, chúng ta lại bỏ đi lối sống ấy?
Chúng ta tiết kiệm, còn là cho chính chúng ta. Bởi cuộc đời vốn nhiều xoay vần, hôm nay ta sống trong nhung lụa, biết đâu ngày mai sa cơ lỡ vận. Đến lúc ấy, những ngày tháng hưởng lạc không còn, tiền bạc hết, thời gian hết, chúng ta sẽ lấy gì để trang trải cho cuộc đời sau này? Biết tiết kiệm, là ta biết lo cho chính tương lai của mình sau này, để ta có thể yên tâm khi những chuyện không may xảy ra. Hơn thế nữa, tiết kiệm còn thể hiện sự chân quý sức lao động mà mình đã bỏ ra. Bởi kiếm được một đồng tiền không phải là điều đơn giản. Đó là mồ hôi nước mắt, là trí lực và trí tuệ của chính chúng ta. Ta lãng phí của cải, có phải là đang vứt bỏ những công sức của chính mình? Và ta cũng nên nhớ, tài nguyên, tiền bạc, thời gian không phải là vô hạn. Nó không mãi mãi ở đó để ta có thể lấy bất cứ lúc nào. Nếu mỗi chúng ta không tiết kiệm được những thứ ấy, thì chính chúng ta sau này cũng không còn mà sử dụng. Tiết kiệm cho ta hôm nay, chính là để cho chính chúng ta ngày hôm sau. Còn muôn vàn những lí do nữa để chúng ta phải nhận thức rằng, ngay hôm nay cần phải tiết kiệm.
Nhưng quá tiết kiệm lại có phải là điều tốt. Khi tiết kiệm được đẩy lên cực đoan, nó trở thành hà tiện, nhỏ nhen. Con người hà tiện không bao giờ muốn chia sẻ những gì mình có cho người khác, thậm chí là cho chính mình. Nó khiến con người trở nên tách bạch với xã hội, không một ai muốn đến gần, không một ai muốn giúp đỡ. Và họ lại làm khổ chính bản thân mình, dù có đau ốm bệnh tật cũng không dám chữa trị. Tiết kiệm luôn phải đúng nơi, đúng chỗ và đúng cách.
Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta chưa đủ khả năng để làm ra đồng tiền, nên phải tiết kiệm là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, sắp xếp thời gian để học hành, giải trí một cách hợp lí cũng là cách để tiết kiệm thời gian. Có rèn luyện từ bây giờ thì sau này, chúng ta mới biết tiết kiệm cho tập thể, xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.
Các bạn có sẵn sàng để tiết kiệm ngay từ hôm nay. Chúng ta là những thế hệ trẻ. Sự tiết kiệm của chúng ta ngày hôm nay chính là tương lai của đất nước ngày mai.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 CHỨNG MINH RẰNG MỖI CHÚNG TA ĐỀU CẦN THỰC HÀNH TỐT LỐI SỐNG TIẾT KIỆM
Trong cuộc sống, để trở thành con người hoàn thiện thì ai cũng phải xây dựng cho mình những lối sống đẹp. Đó là nếp sống giản dị, cách sống ân tình thủy chung,… Tiết kiệm cũng là một lối sống đẹp mà chúng ta cần thực hành và phát huy.
Tiết kiệm là hành vi sử dụng của cải vật chất một cách hợp lý và không làm lãng phí, mất mát hay thiệt hại. Xã hội ngày càng phát triển, nhiên liệu cần cho nền công nghiệp sản xuất ngày càng gia tăng nên đòi hỏi ở con người lối sống tiết kiệm.
Tiết kiệm giúp con người kiểm soát được những chi tiêu không cần thiết để dùng vào những việc có ích hơn. Một con người muốn làm giàu thì việc đầu tiên là phải biết tiết kiệm. Đơn giản nhất là việc sử dụng điện, nước hợp lý. Là học sinh chúng ta cần phải biết bảo quản, tận dụng đồ dùng học tập và tránh xa lối sống xa xỉ đua đòi. Sử dụng đồ tái chế cũng là ý kiến hay để thực hành lối sống tiết kiệm. Sáng tạo ra đồ tái chế còn khơi nguồn tài năng và trí tuệ của con người. Sống tiết kiệm thể hiện sự quý trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác. Biết trân trọng những giá trị do sức lao động tạo ra nhất định ta sẽ gặt hái được thành quả tốt.
Lối sống tiết kiệm không chỉ có ý nghĩa với bản thân con người mà còn làm giàu cho đất nước và xã hội. Một xã hội phồn vinh là xã hội mà mọi người biết sống tiết kiệm. Một tờ giấy được tiết kiệm đồng nghĩa với việc ít cây bị chặt hơn. Do đó tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ và không bị tàn phá. Tắt một bóng đèn điện vào giờ trái đất sẽ cắt bớt được điện năng tiêu thụ không cần thiết và giúp những người ở vùng sâu vùng xa có điện, có cuộc sống tươi sáng hơn. Như vậy bằng lối sống tiết kiệm ta đã đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về lối sống tiết kiệm. Thân là một vị chủ tịch nước nhưng đời sống của Bác giản dị giống như bất kì người dân nào khác. Bác luôn chủ trương với mọi người nên tận dụng những thứ còn dùng được. Bác còn chỉ thị cho những người phục vụ: vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác. Trong năm tháng đói khổ của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, Bác luôn nghĩ tới những người nghèo: “ Tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem số gạo tiết kiệm đó để cứu dân nghèo”.
Ngày nay, có rất nhiều người đã thực hiện được lối sống tiết kiệm. Tuy nhiên có nhiều người vì được hưởng cuộc sống sung túc đủ đầy nên họ tiêu xài phung phí do không hiểu giá trị của đồng tiền. Đó là những con người không có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Nhưng tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt bủn xỉn, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu mà tiết kiệm chỉ là gác lại những thứ không cần thiết để đầu tư vào việc có ích hơn. Hãy xây dựng lối sống giản dị, thanh cao, không đua đòi hay chạy theo vật chất tầm thường. Chỉ có thế tâm hồn ta mới được thanh thản và sống hạnh phúc.
Tiết kiệm là một phẩm chất tốt đẹp mà ai cũng cần có. Đó là lối sống lành mạnh, tiến bộ và văn minh. Hãy thực hành lối sống tiết kiệm ngay khi bạn có thể để kiến tạo cho bản thân một cuộc sống có ý nghĩa và góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.
Nguồn Internet