Chứng minh nhận định Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang đồng thời khuyên nhủ chúng ta mở rộng tầm hiểu biết, không chủ quan kiêu ngạo
Hướng dẫn
Đề bài: Có ý kiến cho rằng: ” Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang đồng thời khuyên nhủ chúng ta mở rộng tầm hiểu biết, không chủ quan kiêu ngạo”. Bằng những dẫn chứng cụ thể em hãy chứng minh nhận định này.
-
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về câu chuyện: “Ếch ngồi đáy giếng” là một tác phẩm vô cùng đặc sắc với nhiều ý nghĩa thể hiện tính nhân văn, qua tác phẩm đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh nội dung mà tác phẩm đem lại
2. Thân bài
– Truyện ngụ ngôn phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp, huênh hoang
+ Những người có hiểu biết hạn hẹp mà lại còn huênh hoang thì rất đáng chê trách,
+ Biểu hiện: Tự cho bản thân mình là đúng, là nhất, không quan tâm xung quanh, bảo thủ, không biết lắng nghe
+ Hình ảnh giống như chú ếch trong câu chuyện: Không gian xung quanh hạn hẹp cùng với cái nhìn hạn hẹp, cho bản thân là chú tể, coi trời bằng vung
– Khuyên nhủ mỗi người mở rộng tầm hiểu biết, không chủ quan, kiêu ngạo
+ Kiến thức là vô tận, cần học và tích lũy nhiều hơn nữa
+ Học cách khiêm tốn: Dù cho có biết được nhiều điều, biết nhiều thứ hơn những người xung quanh thì cũng không nên huênh hoang, học cách lắng nghe, hoàn thiện bản thân
+ Kết quả cho những người huênh hoang, thích thể hiện: Cái kết không mấy tốt đẹp giống với hình ảnh chú ếch bẹp dí dưới chân trâu
3. Kết bài
Cảm nghĩ về ý kiến: Qua tác phẩm “Ếch ngồi đáy giếng” cho người đọc thấy được ý nghĩa mà câu chuyện đem lại, đó là sự phê phán dành cho những người có hiểu biết hạn hẹp và lời nhắn nhủ biết khiêm tốt trong cuộc sống.
II. Bài tham khảo
“Ếch ngồi đáy giếng” là một tác phẩm vô cùng đặc sắc với nhiều ý nghĩa thể hiện tính nhân văn, qua tác phẩm đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh nội dung mà tác phẩm đem lại, trong đó có ý kiến cho rằng “Truyện ngụ ngôn ếch ngồi đáy giếng phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang đồng thời khuyên nhủ chúng ta mở rộng tầm hiểu biết, không chủ quan, kiêu ngạo”
Thật vậy, tác phẩm mượn hình ảnh chú ếch với hai khung cảnh đối lập nhau giữa không gian dưới đáy giếng và không gian khi thoát ra khỏi đáy giếng đã làm nổi bật lên ý nghĩa của tác phẩm. Trước tiên xét về vế đầu mà ý kiến đưa ra, truyện phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang, những người đó tại sao lại bị lên án?, tại sao lại mượn hình ảnh chú ếch trong tác phẩm để châm biếm những người như thế? Đơn giản vì những người có hiểu biết hạn hẹp mà lại còn huênh hoang thì rất đáng chê trách, họ tự cho bản thân mình là đúng, không quan tâm đến những người xung quanh nói gì, nghĩ gì, làm gì, chỉ biết bản thân mình, tự cho rằng những gì mình biết là vô tận không ai có thể vượt qua được.
Những người này thường bảo thủ, tranh luận mà không muốn lắng nghe người khác, giống như chú ếch trong câu chuyện, với không gian xung quanh hạn hẹp cùng với cái nhìn hạn hẹp đã tự cho rằng bản thân mình là đứng đầu, cho rằng thế giới bên trên cũng nhỏ bé như những gì mà chú ta thấy, không gian xung quanh là những loài vật nhỏ bé đã khiến chú ta có suy nghĩ rằng trên thế gian này chú ta là chúa tể, không hề biết sợ, rồi không gian bên trên đối với chú cũng chỉ như cái vung không hơn không kém.
Trong ý kiến đưa ra ngoài những chê trách, châm biếm con người thông qua hình ảnh chú ếch thì còn là một lời khuyên, một lời nhắn nhủ chúng ta cần mở rộng tầm hiểu biết, không chủ quan, kiêu ngạo vì những thứ xung quanh là bao la rộng lớn vô cùng, có học cả đời cũng không thể nào biết hết mọi thứ trên thế gian này, học để tích lũy kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, để không bị vướng vào cái vòng luẩn quẩn của việc thiếu kiến thức như chú ếch dưới đáy giếng trong câu chuyện, hơn nữa dù cho có biết được nhiều điều, biết nhiều thứ hơn những người xung quanh thì cũng không nên huênh hoang, không nên lên mặt dạy đời, cần học cách lắng nghe để hoàn thiện bản thân hơn nữa. Bởi vì nếu cứ cố chấp không chịu thay đổi, không chịu chấp nhận những lỗi sai của bản thân, luôn chủ quan, kiêu ngạo thì sẽ chỉ nhận là cái kết không mấy tốt đẹp như chú ếch trong câu chuyện, hình ảnh “bẹp dí” dưới chân trâu là một lời nhắc nhở đối với những người không biết bản thân mình là ai, đồng thời cũng là lời khuyên dành cho những ai đang có lối sống tiêu cực như câu chuyện trên.
Qua tác phẩm “Ếch ngồi đáy giếng” cho người đọc thấy được ý nghĩa mà câu chuyện đem lại, đó là sự phê phán dành cho những người có hiểu biết hạn hẹp nhưng lại luôn muốn thể hiện bản thân mình, bên cạnh đó là lời khuyên, lời cảnh tỉnh cho mỗi người cần biết cách sống sao cho phù hợp với chuẩn mực xã hội, không kiêu ngạo, biết cách khiêm tốn về bản thân.
Theo Tapchivanhoc.com