Đề bài: Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Chuyện người con gái Nam Xương đã làm cảm động bao lòng người bởi số phận cay đắng và oan nghiệt của người thiếu phụ trẻ mang tên Vũ Nương. Nàng trong trắng, thùy mị nết na nhưng vì tính đa nghi, và vì chế độ trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến cũ mà nàng đã phải tự kết liễu cuộc đời để chứng minh cho tấm lòng trong sạch của mình. Qua đó, nhà văn Nguyễn Dữ muốn bày tỏ sự thương cảm, xót xa với Vũ Nương, với những người phụ nữ có số phận hẩm hiu giống nàng. Ông đã dùng cách dẫn dắt câu chuyện rất tài tình kết hợp với những yếu tố ly kỳ hấp dẫn khiến người đọc bị cuốn hút và đồng cảm với cuộc đời đầy bi kịch của người con gái Nam Xương trong chuyện.
Nguyễn Dữ đã xây dựng nên hình ảnh một người con gái, một người phụ nữ, một người vợ có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp: Công – dung – ngôn hạnh. Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, vốn tính thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Chính vì vậy nàng được Trương Sinh mến và xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Như vậy, dù đẹp cả người lẫn nết, nàng vẫn không có quyền được tự mình quyết định hạnh phúc riêng. Và dù Trương Sinh – chồng nàng là kẻ rất đa nghi, đối với vợ cũng phòng ngừa quá mức, Vũ Nương vẫn luôn giữ gìn đức hạnh, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa. Từ một người con gái ngoan ngoãn, nay Vũ Nương đã trở thành một người vợ hiền chu đáo và toàn diện. Thật hiếm có người nào được như nàng. Bởi thế, theo quan niệm của nhiều người, vợ chồng có thuận hòa hay không là do ở người vợ. Dù Trương Sinh có tính đa nghi nhưng với tấm lòng khiết tịnh và đức tính dịu dàng, ngoan hiền, Vũ Nương đã luôn gìn giữ được mái ấm gia đình.
Nhưng rồi, cuộc sum họp chưa được bao lâu, Trương Sinh phải lên đường ra mặt trận đánh giặc. Giây phút từ biệt mẹ già và vợ trẻ, chàng cũng buồn lắm nhưng vì việc nước không thể chối từ. Vũ Nương cũng lưu luyến không nỡ rời xa. Nàng thủ thỉ cùng chồng: Thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mua dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng. Như vậy, Vũ Nương chẳng hề nghĩ đến những thứ gấm vóc lụa là, tiền tải của cải như nhiều cô gái khác. Ngược lại, lòng nàng chỉ cần sự bình yên trong ngày chồng trở về. Vũ Nương thật khiêm tốn với tấm lòng trong sáng và thanh khiết. Khi tiệc tiễn vừa tàn, “ngước mắt cảnh vật vẫn còn như cũ, mà lòng người đã nhuộm mối tình muôn dặm quan sam”. Lòng người thiếu phụ giờ trống vắng, bâng khuâng.
Khoảng thời gian ở nhà cùng mẹ chồng, Vũ Nương cũng đã sống hết lòng với mẹ, không khác gì ruột thịt của mình. Lúc bà ốm, “nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Một mình Vũ Nương vừa chăm con nhỏ vừa đỡ đần mẹ già yếu bệnh tật. Nhưng chưa bao giờ nàng kêu thản nửa lời. Một mình Vũ Nương cùng lúc đảm nhiệm cả bốn trọng trách cao cả: một người mẹ sớm nắng chiều hôm chăm sóc cho đứa con thơ, một người cha vỗ về lúc con quấy khóc, một người con dâu hiếu thảo hết lòng với mẹ chồng, đồng thời nàng cũng thay chồng làm một người con trai đỡ đần mẹ già yếu những lúc buồn lòng tủi phận. Dù vất vả, Vũ Nương đã làm rất tốt. Đến cả mẹ chồng cũng động lòng trước con dâu: “Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. “Bà cụ nói xong thì mất. Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Có được một người phụ nữ như Vũ Nương trong nhà quả là phúc đức lớn.
Nhưng sau tất cả, nào hiếu thảo, nào đức hạnh… những tưởng nàng sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn khi Trương Sinh trở về bình yên. Tai họa đã ập xuống người thiếu phụ hiền lành phúc đức và đáng thương. Trương Sinh khi nghe lời con trai ngây ngô nói trước đây đêm nào cũng có một người đàn ông đến với mẹ. Vốn tính đa nghi lại hay ghen tuông, dĩ nhiên Trương Sinh sẽ làm ầm lên với vợ, một mực không cho nàng được giải thích. Mọi niềm tin về một người vợ hiền thảo, thủy chung giờ đã tan biến trong giây phút. Khổ một nỗi là Trương Sinh nhất quyết không chịu nói ra là ai là người đã nói với chàng rằng Vũ Nương ở nhà hư hỏng. Về phía Vũ Nương, nàng giải thích nhưng không được nghe, không được thấu hiểu. Đến bước đường cùng, nàng phải tìm đến cái chết để mong chứng minh được sự trong sạch của mình. “Đoạn rồi, nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trê xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ. Nói xong nàng gieo mình xuống sông mà chết”. Như vậy, người thiếu phụ trẻ măng đã phải tìm đến cái chết một cách oan ức và đau thương. Cái chết của nàng do chính người chồng mà nàng đã hết lòng thương nhớ gây nên. Hơn hết, là do sự bất công của chế độ phong kiến cũ đã đẩy thân phận người phụ nữ xuống dưới cùng của xã hội. Họ dù có tốt đẹp đến mấy cũng không được công nhận, không được ai bênh vực, chở che. Thế nên, Vũ Nương chỉ còn một cách duy nhất để chứng mình được tấm lòng trong sạch của mình là cái chết.
Vũ Nương đã chết trong sự oan ức với nỗi tủi nhục và tổn thương vô cùng lớn lao, Nhưng vì phẩm giá cao quý và đức hạnh mà nàng có, Vũ Nương đã được các nàng tiên cứu giúp và cho hưởng một cuộc sống mới ở một nơi hoàn toàn mới, nơi không còn khổ đau và nước mắt, không còn những đa nghi hay lời cay đắng của thế gian trần tục. Nơi ấy chính là nơi mà người đức hạnh như nàng thuộc về.
Qua nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã vừa lên án chế độ xã hội phong kiến xưa đã đẩy người phụ nữ vào hoàn cảnh bất hạnh, đau thương, không cho họ có quyền được sống, được tự do. Ngược lại, người đàn ông luôn cậy quyền mà đàn áp phụ nữ. Mặt khác ông cũng ca ngợi những phẩm chất đạo đức cao quý của người phụ nữ truyền thống Việt Nam. Đó chính là tấm gương cho những người phụ nữ thế hệ sau noi theo. Sống hiền lành, tử tế, hết lòng thương yêu mọi người. Kết thúc có hậu của câu chuyện đã một lần nữa khẳng định quy luật bất di bất dịch của tự nhiên: ở hiền gặp lành. Vì vậy, em mong sao tất cả mọi người cùng nhau sống lành mạnh, giàu tình thương để cuộc sống này luôn được ấm êm, hạnh phúc.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu