Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nền văn học nước ta. Dù con người sống ở thời bình hay thời chiến thì trong lòng mỗi người, yêu nước vẫn là ngọn lửa soi sáng giúp họ cống hiến bản thân mình vì dân tộc của chính mình. Nhà thơ Thanh Hải trước lúc về với đất mẹ đã từng viết những vần thơ:
- “Đất nước bốn ngàn năm
- Vất vả và gian lao”
- (“Mùa xuân nho nhỏ”)
Dù là vất vả và gian lao nhưng những người ở mỗi thời đại đều góp phần vào công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Phạm Ngũ Lão không chỉ là danh tướng của thời Trần mà còn là người để lại cho muôn thế hệ sau những vần thơ mang hào khí Đông A, trong đó có bài “Thuật hoài”. Bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp
Cảm hứng yêu nước, anh hùng ca dân tộc từ xưa đến nay vẫn luôn là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nền văn học nước nhà. Tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quyết tâm đấu tranh vì đất nước đã đi vào áng văn áng thơ như những khúc ca hào hùng, nhiệt huyết nhất. Đặc biệt nền văn học trung đại từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX luôn đề cao quan niệm “ Thi dĩ ngôn chí’’, lấy chữ “ chí’’ làm đầu. Nằm trong mạch nguồn ấy, Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão ra đời thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng của triều đại nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông- Nguyên xâm lược.
Hai câu đầu tiên của bài thơ khắc họa hình ảnh người tráng sĩ và quân đội nhà Trần với vẻ đẹp hào hùng đầy nhuệ khí:
- “ Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
- Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
Hai câu thơ đọc lên có sự ngắn gọn xúc tích nhưng lại chứa đựng được hào khí sang sảng của người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất. Người tráng sĩ nhà Trần xuất hiện trong tư thế “ hoành sóc”, bản dịch là “ múa giáo”- ấy là tư thế động, thiên về tính hình thức, biểu diễn của nghệ thuật cung kiếm, nó gợi lên tư thế vững chãi, hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu với quân thù. Tư thế ấy được đặt trong bối cảnh “ giang sơn kháp kỉ thu” không gian rộng, thời gian dài thể hiện tầm vóc của con người, sự kiên định, bền bỉ, lòng tận trung của người tướng thời Trần. Hình ảnh con người trong “ Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão đã được nâng lên tầm vũ trụ với hào khí ôm trọn đất trời chỉ có ở nhà Trần – thời đại hào khí Đông A:
- “ Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
Nếu như câu thơ mở đầu là hình ảnh cá nhân thì câu thơ thứ hai, ta đã thấy sức mạnh của cả một đoàn quân, một tập thể. “ Tam quân” là quân đội nhà Trần nói chung tượng trưng cho sức mạnh của toàn dân tộc, ba quân khí thế mạnh mẽ như hổ nuốt trôi trâu cũng chính là hình ảnh đội quân tinh nhuệ mạnh mẽ gầm thét nuốt trôi tất cả kẻ địch. Ở đây tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh để làm rõ nét cũng như hình tượng hóa sức mạnh vật chất và tinh thần. Hai câu thơ với ngôn ngữ cô đọng hàm súc kết hợp bút pháp nghệ thuật miêu tả so sánh đã làm bừng dậy khí phách của toàn dân. Hình ảnh người tráng sĩ lồng trong bóng hình dân tộc thể hiện tư thế phi thường, tầm vóc thời đại, tự tôn của hào khí Đông A.
Nếu như ở hai câu đầu tiên giọng thơ vô cùng hào hùng, khí thế ngút trời thì đến hai câu tiếp theo ta lại cảm giác như có một cái gì đó lắng lại, là tâm sự, nỗi lòng bộc bạch của nhà thơ hay cũng chính là vùng tâm tráng chí của một vị tướng tài ba:
- “ Nam nhi vị liễu công danh trái
- Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
Câu thơ thứ ba nghe như một tiếng thở dài, nỗi trăn trở lớn lao, sự hổ thẹn của vị tướng tài khi chưa cống hiến được nhiều cho đất nước để xứng với chí làm trai “ Công danh nam tử còn vương nợ ” (bản dịch). Vẻ đẹp của người tráng sĩ không chỉ ở sức mạnh, khí chất mà còn bộc lộ qua cái tâm cái chí làm trai của một trang nam tử hán: phải lập công lập danh, phò vua cứu nước, hi sinh cho dân tộc để lại sự nghiệp lẫy lừng tiếng thơm muôn đời. Khát vọng làm trai ấy đã trở thành một lý tưởng sống, đi về trong văn học thơ ca trung đại:
- “ Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
- Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”.
Thời điểm viết bài Phạm Ngũ Lão đã có đủ công – danh nhưng ông vẫn còn day dứt, băn khoăn về nỗi nợ nước, nợ dân chưa trả. Điều này bộc lộ vẻ đẹp, nhân cách của vị tướng tài đức luôn khát khao cống hiến, mang ý thức tu thân, nhiệt thân nhiệt huyết không chỉ băn khoăn về nọ công danh mà còn thẹn khi nhắc đến Vũ Hầu. Cổ sử ghi lại là người tài năng mưu lược, vị quân sư, trung thần giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán. Phạm Ngũ Lão lấy Gia Cát Lượng làm mẫu mực cho sự nghiệp đời mình, hổ thẹn khi công danh không bằng Vũ Hầu, nỗi thẹn nung nấu khát vọng lập công, nỗi thẹn không khiến con người thấp hèn mà càng tô đậm thêm vẻ đẹp tâm hồn của tác giả. Giống như nhà thơ Phan Bội Châu khi day dứt chưa tìm được con đường đi cho dân tộc đã chua xót tâm sự rằng:
- “ Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng.”
Đấy chính là nỗi thẹn của những nhân cách lớn.
Với nhịp điệu hào hùng, giọng hào sảng, ngôn ngữ thơ hàm súc bài thơ đã khắc họa tầm vóc của cả dân tộc, thời đại và thế hệ. Đặt trong mạch văn học thời thịnh Trần nếu “ Hịch tướng sĩ” truyền tới ba quân lời răn dạy, vừa khích lệ lòng yêu nước thì “ Thuật hoài” là lời đáp lại để bày tỏ lòng trung quân, khát vọng cống hiến trọn đời cho đất nước.
Nguồn Internet