Cảm nghĩ về những câu hát than thân lớp 7 hay nhất

Bên những bờ ruộng bội thu, họ cất tiếng ca. Trong những cuộc trò chuyện giao duyên, hộ ngân lên khúc ca dao duyên. Đặc biệt, với những nỗi cay cực không biết tỏ cùng ai, những bất công mà phận con sâu cái kiến kêu trời trời không thấu, họ chỉ còn biết gửi vào những câu hát. Và cứ thế, những câu ca dao dân ca, nhất là ca dao than thân đã sống cùng đời sống nhân dân, là cây đàn muôn điệu đàn lên để có thể giải tỏa, để con người vui sống hơn. Trong chương trình lớp 7, các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận và cảm nhận những câu ca dao than thân. Khi cảm nhận, tìm ra điểm chung cũng như điểm riêng của từng bài, cảm nhận qua hình ảnh và nhạc tính của câu chữ. Đặc biệt, qua đó người nông dân muốn nói điều gì? Sau đây là bài cảm nhận mẫu, các bạn có thể tham khảo cho bài viết. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU CẢM NHẬN VỀ NHỮNG BÀI CA DAO THAN THÂN.

Ca dao, dân ca- cây đàn muôn điệu của người nông dân muôn đời. Qua thời gian, năm tháng, những câu ca giản dị chất phác vẫn còn nguyên giá trị của nó bởi những tình cảm được gửi gắm trong đó vẫn còn nóng hổi và dào dạt. Những câu thơ từ ngàn đời xưa mà ta vẫn còn có thể rơi lệ, thương xót cho những cuộc đời thuở trước. Những bài ca dao than thân là những câu thơ như thế.

Trong xã hội Việt Nam xưa, xã hội của tầng lớp phong kiến và địa chủ, của đồng tiền, người nông dân không có tiếng nói của mình. Họ bị bóc lột công sức, bị đối xử bất công. Nhưng phận “con sâu cái kiến” lại không thể chống trả, đành bất lực cất lên tiếng ca:

  • “Nước non lận đận một mình
  • Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
  • Ai làm cho bể kia đầy
  • Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?”

Từ láy “lận đận” cùng với thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” cũng đã đủ để gợi lên nỗi vất vả, long đong. Thân cò chỉ lẻ loi, cô đơn một mình, lúc thì “ăn đêm”, lúc thì “đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt” không ai đưa về, lúc thì lên thác xuống ghềnh. Nỗi cơ cực không chỉ ở “thân cò” mà còn từ đời này qua đời khác, từ đời cò mẹ, cái nghèo còn đeo bám làm “gầy cò con”. Hai thể hệ, hai kiếp người khổ đau trong vòng tròn của nghèo đói luẩn quẩn không lối thoát. Nó không phải ngày một ngày hai mà là “bấy nay”, bao năm giữa chốn “nước non mênh mông”. Để rồi chỉ có thể cất lên lời ai oán thấm đầy lệ. “Ai”, liệu con cò kia có biết? Mà dẫu cò có biết thì cũng đâu có thể làm gì! Sóng gió cuộc đời của những bể đầy ao cạn, họ đâu có được chọn lựa, chỉ có thể cam chịu đón lấy. Điệp ngữ “ai làm cho, cho ao kia cạn, cho gầy cò con” như tiếng nấc, tiếng ai oán đầy xót thương. Đó cũng là lời tố cáo, lên án xã hội phong kiến tăm tối, bất công đã chà đạp lên con người.

Xem thêm:  Sưởi ấm con tim giá băng với tập thơ tán gái vào mùa đông cực ngọt

Trong xã hội rộng lớn ấy, số phận con người hiện lên thật nhỏ bé, tội nghiệp:

  • “Thương thay thân phận con tằm,
  • Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.
  • Thương thay lũ kiến li ti,
  • Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.
  • Thương thay hạc lánh đường mây,
  • Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.
  • Thương thay con cuốc giữa trời,
  • Dầu kêu ra máu có người nào nghe.”

Thiên nhiên rộng lớn, bao la mà sao số phận người nông dân không thể thoát khỏi những “con tằm, con kiến, con hạc, con kiến” nhỏ bé trong cuộc mưu sinh khốn cùng cực nhọc. Điệp từ “thương thay” ở đầu mỗi cặp câu lục bát đã bày tỏ trực tiếp nỗi xót xa trước số phận cuộc đời mỗi con vật. Biện pháp vật hóa- lấy hình ảnh con vật để nói về con người: số kiếp của những người nông dân kia cũng chẳng khác là bao với những con vật. Thân phận tôi đòi, thấp kém, hèn mọn, quanh năm lam lũ làm việc mà cuộc sống vẫn bần hàn, bấp bênh, thiếu thốn. Sự tồn tại của họ giữa cuộc đời cũng chỉ là hư vô: một ngày cuốc kia có kêu ra máu, có biến mất thì cuộc sống cũng chẳng đổi thay. “Thương thay” là thương người hay là thương chỉnh mình? Bài ca dao là tiếng nói đồng cảm, xót thương cho phận người lao động. Đồng thời cũng lên tiếng nói lên án, tố cáo, là tiếng nói phản kháng, đấu tranh đối với xã hội cũ.

Xem thêm:  Viết bài văn ngắn nêu cảm nhận của em về con người trong bài Mưa của Trần Đăng Khoa

Nơi bùn lầy trong đục ấy, người nông dân xưa khổ một thì những người phụ nữ còn khổ mười. Chế độ “trọng nam khinh nữ”, quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẩy người phụ nữ vào số phận bi thảm, rẻ rúng:

  • “Thân em như trái bần trôi
  • Gió dập, sóng dồi biết tấp vào đâu?”

Thân em xuất hiện ngay đầu câu gợi sự khiêm nhường cũng là thân phận nhỏ bé của người phụ nữ trong xã hội. Thân em cũng chỉ như “trái bần” tầm thường, không có giá trị. Mà bần kia không phải ở trên cây là “trôi”, nổi giữa dòng nước cuộc đời để “gió dập sóng dồi” tùy theo con nước. Nếu những câu ca dao khác còn ví “thân em” với “tấm lụa đào”, “giếng giữa đàng”, … vẫn còn một chút trân trọng với vẻ đẹp và giá trị của họ thì với “trái bần trôi” người phụ nữ chẳng còn một chút giá trị gì. Cuộc đời họ nằm trong tay kẻ khác, hạnh phúc của họ là do người khác quyết định. Câu hỏi “biết tấp vào đâu” vẫn còn vang ngân mãi theo sóng nước, vẳng vào đời như tiếng nói xót xa, một lời ai oán, là tiếng nói lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo lúc bấy giờ.

Như vậy, với thể thơ lục bát mang âm điệu than thân đầy thương cảm, những câu ca dao đã chạm vào trái tim người đọc. Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ giàu sức gợi càng khắc họa chân thực số phận, cuộc đời của người nông dân. Những câu ca dao không chỉ để “than thân”, đồng cảm với nỗi thống khổ của con người mà còn là tiếng nói lên án, tố cáo xã hội đương thời.

Xem thêm:  Văn biểu cảm về sự vật, con người - Bóng dừa

Chính vì những giá trị ấy nên dẫu qua lớp bụi của thời gian, năm tháng, những câu ca dạo vẫn còn sống mãi. Đọc nó để ta được yêu, được căm và hiểu hơn về ông cha ta thuở trước.

Nguồn Internet

Check Also

doi thay mot mai truong 310x165 - Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Dàn ý chứng minh có công mài sắt có ngày nên kim chi tiết đầy đủ

Vốn sống của nhân dân ta một phần dựa vào kinh nghiệm được đúc kết …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *