Cảm nghĩ của em sau khi học xong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
Hướng dẫn
Em hãy trình bày những cảm nghĩ về bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn nhằm làm nổi bật giá trị nội dung và tư tưởng của tác phẩm này.
I. Dàn ý cho đề bài trình bày cảm nghĩ về bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
1. Mở bài cho đề trình bày cảm nghĩ về bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
“ Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn là tác phẩm phản ánh sâu sắc tình yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Đồng thời, tác giả thể hiện lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng.
2. Thân bài cho đề trình bày cảm nghĩ về bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
– Nêu những tấm gương ấy từ xa đến gần, từ xưa đến nay, để làm nổi bật tinh thần quên mình vì chủ
– Trần Quốc Tuấn khuyên răn, động viên, khích lệ lòng tự tôn dân tộc lòng tự trọng của các tướng sĩ dưới quyền.
– Trình bày tình hình đất nước hiện tại và nỗi lòng chủ tướng để khích lệ tinh thần yêu nước đồng thời là sự căm thù giặc.
– Tố cáo mạnh mẽ tội ác của giặc hoành hành khắp nơi trong tình cảnh đất nước ở thời loạn lạc, gian lao
– Tác giả đã bày tỏ thái độ căm phẫn bất bình đối với tội ác và lòng tham khôn cùng của kẻ thù.
– Tác giả chỉ ra, phê phán những lối sống sai lầm của các tướng sĩ, đồng thời chỉ ra hậu quả khôn lường mà họ phải gánh chịu.
– Tác giả đã thể hiện sự dứt khoát, cương quyết điều này có tác dụng khiến cho các tướng sĩ nhận ra lối sống sai của mình để sửa chữa.
– Tác giả nhẹ nhàng, tâm sự, bày tỏ hết nỗi lòng của mình.
3. Kết bài cho đề trình bày cảm nghĩ về bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
Qua bài “ Hịch tướng sĩ”, ta hiểu thêm về một vị anh hùng dân tộc đó là Trần Quốc Tuấn. Ông quả thật là một vị tướng tài giỏi, một người có lòng yêu nước nồng nàn và có sự căm thù giặc sâu sắc.
II. Bài tham khảo cho đề bài ” trình bày cảm nghĩ về bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn”
Trong nền văn học trung đại nước ta, có nhiều tác phẩm viết về lòng yêu nước, sự căm thù giặc mãnh mẽ. Trong đó, bài “ Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn đã phản ánh tình yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Đồng thời, tác giả thể hiện lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng.
Trước hết, tác giả nêu gương sáng đời xưa của các bậc trung thần. Từ Kỉ Tín chết thay cho Cao Đế; Do Vu chịu giáo cho Cao Vương; Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ…. Tác giả đã nêu những tấm gương ấy từ xa đến gần, từ xưa đến nay, để làm nổi bật tinh thần quên mình vì chủ, vì vua, vì nước của các bậc trung thần ở Trung Quốc. Qua đó, Trần Quốc Tuấn nhằm khuyên răn, động viên, khích lệ lòng tự tôn dân tộc lòng tự trọng của các tướng sĩ dưới quyền.
Sau đó, tác giả nêu tình hình đất nước hiện tại và nỗi lòng chủ tướng để khích lệ tinh thần yêu nước đồng thời là sự căm thù giặc. Ông tố cáo mạnh mẽ tội ác của giặc hoành hành khắp nơi trong tình cảnh đất nước ở thời loạn lạc, gian lao. “ Ngó thấy sứ giặc nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đinh, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa,…. Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, xét của kho có hạn”.
Tác giả đã bày tỏ thái độ căm phẫn bất bình đối với tội ác và lòng tham khôn cùng của kẻ thù. Tác giả coi bọn chúng như loài dê chó, hổ đói…. Sau những lời đó, Trần Quốc Tuấn thể hiện lời tâm sự của chính bản thân ông để thể hiện nỗi lo lắng trước vận mệnh của đất nước “ Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Lòng căm thù giặc Trần Quốc Tuấn khiến ông quên đi cả bản thân, dù cho có hi sinh cả tính mạng của mình “ Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Sau đó Trần Quốc Tuấn kể lại sự quan tâm chu đáo với các tướng sĩ dưới quyền. Ông cung cấp lương thực, trang phục, phương tiện đánh giặc, rồi cả cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Rõ ràng, có thể thấy, Trần Quốc Tuấn là một vị tướng tài giỏi. Ông không chỉ có lòng căm thù giặc sâu sắc mà với các tướng dưới mình thì ông cũng đối đãi rất tử tế.
Tiếp theo, tác giả chỉ ra, phê phán những lối sống sai lầm của các tướng sĩ, đồng thời chỉ ra hậu quả khôn lường mà họ phải gánh chịu. Làm tướng triều đình mà hầu quân giặc, không biết căm khi đãi yến ngụy sứ, không biết thẹn khi thấy nước nhục. Các tướng sĩ chỉ lo chọi gà, đánh bạc,quyến luyến vợ con, lo làm giàu, ham săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát. Đó là sự hưởng thụ nhất thời, tầm thường, cuộc vui vô bổ. Để đến khi thái ấp không còn, gia quyến bị tan, chịu tiếng xấu muộn đời.
Sau khi phê phán, chỉ ra lối sống sai lệch đó, tác giả còn chỉ ra việc cần làm của các anh là phải học “ Binh thư yếu lược”, đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm quân lệnh. Để chẳng những thái độ bền vững, có gia quyến êm ấm, có tiếng thơm lưu truyền mà các tướng lĩnh cũng có bổng lộc, có vợ con hạnh phúc, có tông miếu thờ cúng, tiếng thơm lưu truyền.
Tác giả đã thể hiện sự dứt khoát, cương quyết điều này có tác dụng khiến cho các tướng sĩ nhận ra lối sống sai của mình để sửa chữa. Đồng thời tác giả cũng đưa ra hệ quả cũng như nếu nghe theo ông thì sẽ hưởng bổng lộc hay tiếng thơm sau này. Câu cuối cùng của bài hịch “ ta biết bài này để các người biết bụng ta” tác giả dùng giọng nhẹ nhàng, tâm sự, bày tỏ hết nỗi lòng của mình.
Qua bài “ Hịch tướng sĩ”, ta hiểu thêm về một vị anh hùng dân tộc đó là Trần Quốc Tuấn. Ông quả thật là một vị tướng tài giỏi, một người có lòng yêu nước nồng nàn và có sự căm thù giặc sâu sắc. Nhờ vậy mà đến nay, nhân dân ta vẫn luôn biết ơn ông trước những công lao to lớn đánh thắng giặc ngoại xâm của ông.
Theo Tapchivanhoc.com