Cái chết của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

Đề bài: Cái chết của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

Có thể nói Chí Phèo là “đứa con ruột” của nhà văn Nam Cao. Để xây dựng nên hình tượng của Chí, Nam Cao đã thâu tóm lại một cách ngắn gọn và chân thực nhất về cuộc sống lầm than, ai oán của những người nông dân trong xã hội cũ nói chung và ở làng Vũ Đại nói riêng. Là “con ruột” nhưng Nam Cao không ưu ái dành cho Chí một cái kết có hậu trong truyện ngắn cùng tên của mình mà lại là một cái chết đầy thảm khốc và bi thương. Cái chết ấy mang bao ý nghĩa sâu sắc và cũng là một mũi tên sắc nhọn chĩa vào rất nhiều người.

Chí là một đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ, không nhà, không vợ, không con, không người thân thích. Chí lớn lên nhờ sự nuôi nấng của bà con hàng xóm rồi dạt vào nhà Bá Kiến làm thuê kiếm cơm sống qua ngày. Nhưng thật không may cho chàng trai trẻ hiền lành, chịu khó bị bà ba dụ dỗ, lừa gạt rồi đẩy và tù. Không biết cuộc sống tù đày ra sao mà khi mãn hạn, Chí trở về với bao tàn tích ghê rợn, đến ngay cả tính cách của Chí cũng đổi thay. Chí suốt ngày uống rượu. Khi say, hắn lại đi chửi bới cả làng vũ đại, chửi cả đứa nào đã đẻ ra hắn khiến hắn phải sống kiếp người nhục nhã khổ sở như thế này. Chưa hết, hắn còn đi rạch mặt ăn vạ, đòi tiền uống rượu. Cuộc sống cứ thế ngày qua ngày, cả làng Vũ Đại cũng đã quen với cái cảnh một tên say rượu lướt khướt đi ngoài đường chửi bới nên chẳng ai thèm để ý, chỉ có lũ chó chạy quanh sủa ầm ĩ. Thế rồi, cuộc đời Chí thêm một bước ngoặt lớn khi gặp Thị Nở. Dù Thị chỉ là một người đàn bà ế chồng, dở hơi, đã thế lại còn xấu tệ xấu hại, xấu đến mức ma chê quỷ hờn, nhưng chính Thị lại là người mang đến luồng sáng mới cho cuộc đời Chí. Men tình Thị mang đến đã xua tan men rượu bấy lâu nay ngấm sâu trong con người Chí. Bát cháo hành của Thị khiến hắn tỉnh rượu sau một cơn say dài và cảm nhận được mọi thứ xung quanh mình. Hắn bỗng lo lắng cho tương lai. Hắn sợ cô độc, sợ tuổi già. Lòng lương thiện cũng bắt đầu mon men trở về trong tâm hồn Chí. Nhưng chao ôi, Chí tỉnh rượu nhưng Thị đâu có tỉnh táo. Đang yêu đương say đắm mặn nồng, thị lại bỗng nhớ ra mình còn có người bà cô ở đời. Thị phải tạm dừng yêu để về hỏi bà cô đã. Bị cô chửi cho một trận và can ngăn, Thị quay lại dồn hết cơn tức giận lên đầu Chí, khiến Chí bẽ bàng, hụt hẫng và đau khổ. Cái đau khổ ghê gớm của một kẻ thất tình đang yêu say đắm, yêu hết mình, yêu thật lòng khiến Chí trở nên tuyệt vọng vô cùng. Chí cứ ngỡ từ nay mình được trở lại làm người lương thiện, được sống một cuộc sống bình yên, có vợ, và rồi sẽ có con. Hai vợ chồng bảo nhau lo lắng làm ăn chăm con chăm cái. Nhưng mọi thứ đã vụt tắt sau cái níu kéo không thành của Chí dành cho Thị. Thị đã cự tuyệt Chí thật rồi. Đau đớn và xót xa, Chí lại lao đầu vào uống rượu. Nhưng lần này càng uống Chí càng tỉnh. Càng tỉnh lại càng đau. Nỗi khát khao làm người lương thiện của Chí càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chí dắt theo con dao, trong đầu toan tính đi giết chết cả nhà Thị Nở nhưng bước chân lại đi thẳng tới nhà Bá Kiến. Đến nơi, Chí dõng dạc tuyên bố: Tao muốn làm người lương thiện. Nhưng chỉ còn một cách duy nhất, đó là giết chết Bá Kiến rồi cũng tự tử luôn. Cả hai nằm giãy giụa trong vũng máu rồi nhắm mắt lìa đời.

Xem thêm:  Hãy bình luận lời dạy sau đây của Bác Hồ: “Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc khó. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là điều trái nhỏ”

Như vậy, Chí đã chết. Con đường dẫn Chí tới cái chết là do bị Thị Nở cự tuyệt. Nhưng đó chỉ là một sự tác động nhẹ trong nguyên nhân sâu xa khiến Chí tự kết liễu cuộc đời mình. Trong tiếng chửi của Chí có sự than trách Thị phũ phàng, nhưng Chí cũng hiểu Thị chỉ là một người đàn bà dở hơi nên Chí không chấp Thị. Chí chỉ buồn vì đến ngay cả việc yêu một người đàn bà dở hơi, Chí cũng không thể làm được. Tại sao vậy? Tại vì Chí giờ đây là một con quỷ dữ ở làng Vũ Đại chứ không phải một anh Chí hiền lành, tốt bụng như ngày Chí còn chưa đi ở tù. Chính vì thế, người bà cô của Thị mới can ngăn Thị không được yêu Chí. Chí tuy say nhưng vẫn đủ tỉnh táo để hiểu hết mọi cơ sự nghiệt ngã của cuộc đời mình. Chí nhận ra mình không còn được ai nhìn nhận là người nữa. Cùng một lúc, Chí bị cự tuyệt cả ba quyền rất căn bản của con người: Thứ nhất là quyền được làm người, thứ hai là quyền được yêu, thứ ba là quyền được làm người lương thiện. Rõ ràng, Chí có thể yêu bất kỳ một ai khác sau khi bị Thị Nở từ chối, nhưng thật đáng buồn là Chí không được ai ngoài Thị công nhận là người, nên dù có yêu ai khác đi nữa, Chí cũng vẫn chỉ nhận lại sự đau đớn, phũ phàng. Về việc làm người lương thiện cũng vậy, đương nhiên Chí muốn là được nhưng ở cái xã hội ấy, người chèn ép người, liệu rằng Chí có thể sống yên ổn với cha con nhà Bá Kiến ác độc kia không? Chí hiểu rõ tất cả bi kịch của cuộc đời mình. Vậy nên, Chí đã mang dao đến thẳng nhà Bá Kiến để giết hắn.

Xem thêm:  2000+ caption hài hước ấn tượng nhất mọi thời đại

Lời trăn trối cuối cùng của Chí trước khi chết là “Tao muốn làm người lương thiện”. Sau bao nhiêu ngày say xỉn rượu chè, rạch mặt ăn vạ, đòi nợ thuê, … Chí đã trở lại là chính mình. Nhưng chính lúc này lại là lúc chí phải chết. Chết để giữ nguyên vẹn con người mình, chết để không phải sống những chuỗi ngày cay đắng trong sự lừa lọc, tủi hổ. Chết để kết thúc cuộc đời một anh Chí đầy thăng trầm, sóng gió. Nhưng Chí chết, có thể sẽ còn một cậu Chí con đang lớn dần trong bụng Thị. Nam Cao cố tình dựng lên chi tiết này để vạch mặt thẳng tay bọn tham quan, bọn thống trị tàn ác bất nhân đã liên tục đẩy người nông dân lương thiện vào bước đường cùng. Chúng không những cướp đi quyền sống mà còn hạ gục cả bao ước mơ đẹp và lòng lương thiện của những con người cùng khổ. Cái chết của Chí đã một lần nữa lên án tội ác của bọn cầm quyền gian xảo. Chí chết, Bá Kiến chết nhưng còn Lý Cường, hắn cũng tàn bạo, bất nhân không khác gì cha hắn.

Trong xã hội ấy còn rất nhiều người như Chí, bị tha hóa, bị xã hội gò ép rồi đẩy vào bước đường cùng là mất nhân tính, tha hóa đạo đức. Cuối cùng, họ phải chết để tìm lại chính mình. Chết để kết thúc một cuộc đời đầy éo le và bất hạnh. Đồng thời, cái chết ấy cũng chính là tiếng kêu cứu khẩn thiết của những con người đang trong bờ vực thẳm của tội lỗi. Hẳn là cũng có lúc họ giống như Chí, cũng muốn được quay trở lại làm hòa với mọi người, được làm lại cuộc đời. Nhưng một mình họ không thể nào đứng dậy được vì thế lực của xã hội quá lớn. Họ cần có một bàn tay nâng đỡ. Như Thị Nở đã đỡ Chí Phèo dậy. Nhưng đừng ai như Thị, vừa đưa Chí từ vũng bùn của lầm lỗi trở về nơi có ánh sáng và hi vọng, chưa được bao lâu, Thị lại đẩy Chí xuống cái vực sâu thẳm hơn, tuyệt vọng hơn.

Xem thêm:  Cảm nhận bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43)

Cái chết của Chí là hồi kết cay đắng cho tác phẩm đắt giá của Nam Cao. Ở đó, sự phẫn uất trước số phận nghèo khổ, và lòng khát khao được sống, được làm người tự do, người lương thiện đã được Nam Cao gửi gắm vào từng chi tiết khi kể về Chí. Một kết thúc buồn nhưng cũng vẫn có hậu vì cái chết của Chí được mọi người hưởng ứng và chấp thuận. Bởi ở cái xã hội ấy, chỉ có chết mới có thể giải thoát được khỏi kiếp nô lệ tù đày, kiếm sống khổ nhục, thê lương. Sống thế còn khổ hơn chết. Thà rằng, chết đi để gìn giữ được tấm lòng trong sạch của mình, còn hơn là sống với những chuỗi ngày đằng đẵng bao tội lỗi và khổ đau.

Nguồn: Tài liệu văn mẫu

Check Also

top 10 anh hot girl hoc sinh cap 2 viet 14 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *